Muốn con trưởng thành, đừng buông tay nghiêm khắc

(PLO) -Chưa bao giờ câu chuyện dạy con lại được các mẹ Việt thảo luận sôi nổi đến thế. Nghiêm khắc cực đoan như “Mẹ Hổ”, hay khoa học cẩn trọng như mẹ do Thái đều có một “công thức” chung đó là sự nghiêm khắc trong quá trình dạy con. 

Nghiêm khắc đến… tàn nhẫn

Amy Chua là tên thật của  "Mẹ Hổ", sinh năm 1962. Câu chuyện dạy con của bà được chia sẻ trong cuốn hồi ký của gia đình có tên gọi "Khúc chiến ca của Mẹ Hổ". Cuốn sách kể lại cách bà đã dạy các con như thế nào. Cuốn hồi ký cũng như cách dạy con của “Mẹ Hổ” đã làm nảy sinh những cuộc tranh luận sôi nổi trên các  các tờ báo lớn như Time, New York Times... và các đại gia truyền thông như NPR, NBC, BBC.

Amy Chua đặt mục tiêu hai cô con gái phải trở thành những người thành đạt, vì thế nguyên tắc của bà là nói “không” với các loại hình giải trí và các hoạt động xã hội, chỉ tập trung vào những môn học, kỹ năng mà chúng cần để trở thành những người thành đạt.

Những đứa con của “Mẹ Hổ” phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của “gia phong” do mẹ đặt ra như: Không được ngủ nhà bạn, không ụ tập đi chơi với bạn, không tham gia các hoạt động vui chơi ở trường, không than vãn về việc không được tham gia các hoạt động vui chơi ở trường, không xem tivi hoặc là chơi điện tử, thậm chí cả là  không  được không đứng thứ nhất trong tất cả các môn học, trừ thể dục và kịch…

Theo quan điểm của bà, điểm A - cũng là điểm kém, trẻ phải học trước 2 năm so với các bạn cùng lớp trong môn toán, không bao giờ được khen con ở nơi công cộng, những hoạt động mà con của bạn nên được phép tham gia là những cái mà trẻ có thể dành huy chương và phải là huy chương vàng…

Nhiều người cho rằng cách dạy con của Anmy Chua chính là hành vi “ngược đãi” trẻ em. Đặc biệt, với quan niệm phương Tây, việc cha mẹ “gò bó, áp đặt con” là chuyện “không thể chấp nhận được”. Nhưng Amy Chua lại triệt để tận dụng nguyên tắc này. Từ việc tập đàn cho đến chuyện làm bài tập, các sinh hoạt trong cuộc sống, con cái luôn phải tuyệt đối nghe theo lời của bố mẹ. Thậm chí phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc nếu không được kết quả như ý.

Sự tàn nhẫn, nghiêm khắc của bà khiến cho mọi người phải kinh hãi. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng bà đã đạt được mục đích của mình khi hai con gái của bà đã trưởng thành như mong đợi, đều là sinh viên của ĐH danh tiếng nước Mỹ. Cả hai cô con gái của bà Amy Chua đều học tại Đại học Harvard hàng đầu nước Mỹ, và đều nói họ có tuổi thơ hạnh phúc.

Hai con gái của “Mẹ Hổ” là Lulu và Sophia đều đã trưởng thành và đang theo học tại các trường danh giá bậc nhất tại Mỹ, đều có khả năng thích nghi tốt với xã hội và họ nói với báo chí rằng "sẽ không nuôi dạy con cái mình theo cách nào khác cách của mẹ".

Nuông chiều, sẽ có ngày phải băng bó vết thương cho con

Không nổi tiếng bởi những câu chuyện dạy con kỷ luật tới mức cực đoan, nhưng câu chuyện của bà mẹ Do Thái một lần nữa khẳng định muốn con trưởng thành, nhất định phải có kỷ luật từ nhỏ. 

Sara Imas là một bà mẹ Do Thái từng đến định cư lâu dài ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng theo tiếng gọi của cố hương, bà dắt 3 con quay trở về Israel. 

Sara Imas đã nuôi dạy con bằng sự nghiêm khắc của một bà mẹ Do Thái.  2 cậu con trai của bà sau này đã trở thành triệu phú ngành công nghiệp kim cương và một cô con gái đang theo học một trường đại học danh tiếng. Điều đáng nói hơn là 3 người con của bà luôn đoàn kết, gắn bó và tràn ngập tình yêu thương với mẹ.

Câu chuyện của Sara Imas được kể trong cuốn "A Mother’s Rigorous Love (Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”).

Sara Imas cho rằng yêu thương của bà mẹ Do Thái giống như một ngọn lửa rực sáng để soi đường cho chúng tự học cách bước tiếp trong cuộc sống. Tình yêu thương của Sara Imas dành cho các con được “nén chặt” trong vỏ bọc tàn nhẫn, chỉ thể hiện ra bên ngoài trong vẻ cương quyết và nghiêm khắc.

Bà mẹ Do Thái này quan niệm: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con". Bài học lớn nhất mà cuốn sách này chỉ ra là tình yêu thương cần được đặt đúng chỗ.

Mẹ Do Thái cũng thống nhất quan điểm dạy con theo hướng không làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con. Có nghĩa rằng không nên bao bọc và làm việc thay con, mà hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con.

Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội, ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi”. 

Mẹ Do Thái đặt ra nguyên tắc trong việc dạy con: Để trẻ tự phát triển có bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời. Học đi đôi với thực tiễn (không lý thuyết suông) Luôn tôn trọng con. Không thỏa mãn các mong muốn của con. Là quân sư cho con (hướng dẫn, tư vấn) không bao bọc, làm thay con mọi việc. 

Để thực hiện hiện nguyên tắc này, mẹ Do Thái  dạy con làm việc nhà từ nhỏ tùy theo lứa tuổi (trẻ 2 tuổi đã có thể tự phục vụ bản thân); khích lệ, động viên con khi hoàn thành tốt một công việc nào đó (mặc quần áo, chải răng, làm việc nhà…, khuyến khích con đưa ra ý tưởng riêng, thậm chí tranh luận với người lớn; Khi trẻ làm sai, không phán xét trẻ, để trẻ học hỏi từ thất bại của chính mình và tìm ra cách giải quyết tốt hơn cho lần sau. 

Mẹ Hổ hay mẹ Do Thái, chắc hẳn nếu quy được ra lượng thì tình yêu thương dành cho con cái của họ ngang ngửa nhau. Với mẹ Việt cũng vậy, tuy nhiên, mẹ Việt cũng không thể rập khuôn cách dạy con của mẹ Amy Chua hay Sara Imas. Mỗi người mẹ sẽ có cách riêng để “truyền tải” thông điệp tới con của mình bằng những con đường tới trái tim con mà chỉ có trái tim người mẹ mới biết.

Cách dạy con của mỗi gia đình còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, nền tảng văn hóa, trình độ của cha mẹ, tính cách của đứa trẻ. Và cũng bởi chắc chắn rằng, dù có rập khuôn công thức dạy con của mẹ Hổ hay mẹ Do Thái, thì những bông hoa hồng chỉ luôn nở trên cây hồng, và cây lan sẽ nở những bông lan.

Nhưng dù theo phương pháp nào thì một điều không thể chối cãi trong cả hai phương pháp này  là đừng “buông tay’ khi con còn nhỏ, hãy tạo những vòng kỷ luật trong khuôn khổ để con được phát triển mà không bị đi chệch đường ray đến tương lai. 

Những “hạn chế” trong cách giáo dục con của người Việt

+ Bao bọc con quá mức.

+ Luôn “nhân nhượng” với những yêu cầu của con.

+ Đầu tư toàn bộ thời gian cho con học tập, nghỉ ngơi dẫn đến tình trạng con không biết làm việc nhà, lười vận động…

+ Quá coi trọng bằng cấp và thiếu thực tiễn xã hội.

+ Do tập quán sinh sống 3 thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái) trong cùng một gia đình nên việc giáo dục con đôi khi không được đồng nhất….

Đọc thêm