Muôn kiểu thiếu ý thức của chủ xế hộp

(PLVN) - Không ít người có điều kiện để sắm sửa cho mình chiếc ô tô làm phương tiện di chuyển nhưng lại thiếu đi ý thức, khiến chiếc ô tô trở thành công cụ gây sứt mẻ tình cảm, thậm chí gây họa cho người khác.
Cần chấm dứt hành động mở cửa xe thiếu quan sát.
Cần chấm dứt hành động mở cửa xe thiếu quan sát.

Mở cửa xe vô ý gây tai nạn - cần chấm dứt

Trong các loại tai nạn trên đường, tai nạn từ việc mở cửa xe ô tô vô ý là một trong những tai nạn đáng tiếc nhất - tại nạn từ phút vô ý, thiếu quan sát của người điều khiển xe, mà chỉ cần cẩn trọng một chút đã không có hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Một chiếc ô tô dù vừa dừng hay đã đỗ lại bên đường, nếu thiếu quan sát mở cửa bất ngờ, sẽ trở thành một tai họa trên trời rơi xuống cho người đi đường gần đó. Với cả người đang điều khiển xe hay đang đi bộ, thì cú quật mạnh từ cánh cửa xe bung ra đều khiến họ có thể bị thương tích, thậm chí có những thể dẫn đến tử vong.

Không ít trường hợp, cú mở cửa xe bất ngờ khiến người đi điều khiển phương tiện giao thông cùng chiều bị ngã thẳng ra đường, bị xe khác trờ đến gây tai nạn nghiêm trọng như sự việc xảy ra cách đây hơn 2 năm tại đường Bà Hạt, quận 10.

Một thanh niên dừng xe bên đường vội vã mở cửa xe khiến cô gái đang điều khiến xe máy bị cánh cửa đẩy bật ra đường, ô tô ngược chiều cán ngang người, dù đi cấp cứu nhanh chóng nhưng nạn nhân đã tử vong. 

Cách đây ít lâu, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Từ Liêm, Hà Nội, một xe ô tô 4 chỗ đang đỗ ven đường bất ngờ mở cửa đột ngột, khiến người đi đường văng sang bên kia làn đường, người đàn ông lái xe bị một chiếc bốn chỗ khác kéo lê hàng chục mét.

May mắn không chết, nhưng nạn nhân thương tích đầy người: Gãy phần chỏ vai, gãy xương cánh tay, gẫy xương chân và vỡ mắt cá chân… Không chỉ thế, anh còn phải nghỉ việc mấy tháng trời, bê trễ công việc, ảnh hưởng đến cuộc sống cả gia đình.

Có trường hợp thương tâm, nữ sinh đang đạp xe đi học, vì một cú mở cửa bất ngờ của xe ô tô đậu bên đường mà bị tai nạn phải cưa cụt hết hai chân. Em đang ở ngưỡng cửa đẹp nhất cuộc đời lại rơi vào bất hạnh, tương lai tăm tối.

Thực tế, những tai nạn ấy có thể nói là rất “vô duyên”. Nó không phải là những tai nạn bất khả kháng trong lưu thông hàng ngày, mà là dạng tai nạn hoàn toàn có thể tránh được, chỉ cần người ngồi trong xe có chút cẩn thận, ý thức và quan sát kĩ lưỡng trước khi mở cửa xe, những tai nạn thương tâm đã không xảy ra. 

Nhiều tài xế xe công nghệ khá có ý thức trong vấn đề này. Không chỉ hé cửa quan sát kĩ lưỡng trước khi mở cửa, các anh còn chốt khóa cửa mở ra hướng ngoài đường, hướng dẫn khách mở cửa phía bên trong, vừa tránh được tai nạn xe cộ, vừa tránh được những pha bất cẩn khiến người đi đường gặp nạn. Đó cũng là một quy tắc hay mà các tài xế xe cần áp dụng khi đón, trả khách. 

Khi học lái xe ô tô, nhiều giáo viên có tâm cũng thường dạy học viên thêm cả cách mở cửa xe khi dừng đỗ. Mở cửa đúng cách và đảm bảo an toàn là kỹ năng cần biết với mọi người sử dụng ôtô. Với tài xế, nên chủ động quan sát gương chiếu hậu hai bên, nếu thấy an toàn thì mở hé cửa ngoái đầu lại kiểm chứng một lần nữa sau đó mới bước ra ngoài.

Với người đi cùng trên xe, tài xế nên chủ động nhắc nhở hành khách mở hé cửa, chú ý quan sát trước khi ra ngoài. Những đối tượng hành khách dễ quên nguyên tắc mở cửa nhất là trẻ em, người già và những người ít ngồi ôtô.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Đoàn Luật sư TP HCM chia sẻ: Tại điểm đ Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, người điều khiển xe mở cửa xe không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Đậu xe vô ý - thiếu ý thức, thiếu cả văn hóa

Đậu xe vô ý thức là hành vi mà không ít người lái xe ô tô mắc phải. Mà phổ biến nhất là đậu xe trước cửa nhà người khác.

Cách đây không lâu, một clip được lan truyền trên mạng khiến nhiều người xem phải buồn cười. Chuyện là chủ một xe ô tô thường xuyên đậu xe trước cửa một gia đình nọ, khiến gia đình này rất nhiều lần không thể dắt xe ra vào nhà được.

Dù đã không ít lần viết giấy, dán bảng cảnh báo nhưng không thành công, cuối cùng, thành viên trong gia đình đã tức giận lấy dây xích xích bánh xe vào cột điện trước nhà và khóa lại rồi dán bảng để lại số điện thoại, chỉ khi nào chủ xe liên lạc, gặp để “làm việc rõ ràng” thì chủ nhà mới mở khóa cho xe đi.

Câu chuyện nói trên đã nhận được nhiều đồng cảm, chia sẻ từ không ít người cùng từng bị bức xúc bởi các tài xế đậu xe vô ý thức. Cũng như kiểu tài xế cứ dừng xe là mở cửa xe bất chấp, thì kiểu tài xế bạ đâu đậu xe đấy cũng nhan nhản không kém.

Có những tài xế dừng, đậu xe ngay trước căn nhà đang kinh doanh của người khác, khi chủ nhà ra xua đi còn chửi bới, đòi đánh tay đôi với chủ nhà. Có trường hợp ngõ hẻm hẹp, chật, những có nhà có ô tô đã đậu án ngữ con hẻm, khiến xe máy ra vào chỉ còn chạy được 1 làn, hết sức khó khăn bất tiện, nhưng xóm giềng góp ý bao năm vẫn không sửa đổi.

Nhiều người lái xe đã học luật giao thông hẳn hoi, nhưng đậu xe bất chấp gây nguy hiểm cho người đi đường, đó là những trường hợp đậu ngược làn đường, đậu ngay ở khúc cua trên đường, khiến xe khác không chú ý là tông vào ngay.

Nói về chuyện bức xúc vì ô tô đậu vô ý thức, có lẽ những cư dân trong các khu chung cư, tòa cao ốc là thấm thía nhất. 

Đỗ xe vô ý không chỉ là hành vi kém văn hóa, còn gây hại cho người xung quanh.
 Đỗ xe vô ý không chỉ là hành vi kém văn hóa, còn gây hại cho người xung quanh.

Trong khu tầng hầm gửi xe các tòa nhà thường xe rất đông đúc. BQL tòa nhà thường có kẻ vạch, phân ô để xe ô tô đậu có trật tự, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, luôn có những người lái xe vô ý thức đậu rất tùy ý, không theo một quy luật nào cả.

Hình ảnh những chiếc ô tô đậu “mất trật tự” trong các hầm gửi xe đã không ít lần được đưa lên mạng xã hội: Có chiếc đậu sát vào đuôi xe phía trước, khiến xe phía trước không nhúc nhích được. Có chiếc đậu cập sát hông xe người khác, gây xây xước cho xe.

Có chiếc đậu án ngữ ngay đường đi của xe, khiến hàng loạt xe phía sau đành “chịu chết” không tài nào ra được. Trong các tòa nhà, khu mua sắm, đã không ít lần các ban quản lý phải lên loa thông báo tìm chủ xe đậu “ngang ngược” để “giải phóng mặt bằng” cho những xe khác ra vào. 

Những màn đậu xe như thế không chỉ dừng lại ở câu chuyện vô ý thức, thiếu văn hóa hay đáng trách. Một khi có ngập lụt, hỏa hoạn hay những tai nạn bất khả kháng xảy ra, một chiếc xe đậu mất trật tự ngáng đường sẽ dẫn đến ách tắc lưu thông, khiến công tác cứu nạn càng thêm khó khăn, gây nguy hiểm cho những cư dân khác.

Một khi điều khiển xe, tham gia vào quá trình lưu thông, người trên xe đã phải đối mặt với rủi ro, nguy cơ từ tai nạn giao thông. Và nước ta là một trong những nước có tỉ lệ tai nạn giao thông không nhỏ. Chỉ cần mỗi một người điều khiển xe hoặc ngồi trên xe trang bị cho mình thêm văn hóa lái xe, có thêm chút ý thức và cẩn trọng, thì nhiều tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra, nhiều số phận đã thay đổi, nhiều gia đình không gặp phải bi kịch và cả xã hội sẽ bớt đi nhiều những đau thương. 

Đọc thêm