Muốn nhường toàn bộ di sản thừa kế cho người cha

(PLVN) - Mẹ tôi mất đột ngột không để lại di chúc, di sản để lại là toàn bộ nhà đất diện tích gần 3000m2 là tài sản riêng của bà. Bốn anh chị em tôi đã có gia đình riêng và thống nhất sẽ để toàn bộ khối tài sản này cho cha tôi. Xin hỏi chúng tôi phải tiến hành thủ tục như thế nào?
(ảnh có tính chất minh họa).
(ảnh có tính chất minh họa).

Theo quy định tại Điều 649, 650 Bộ luật Dân sự 2015, mẹ của ông mất không để lại di chúc nên di sản của người mẹ để lại sẽ được phân chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm người cha và bốn anh em ông.

Nay, anh chị em ông muốn nhường toàn bộ khối tài sản được thừa kế đó cho cha của mình thì có thể giải quyết theo một trong hai cách sau:

Trường hợp thứ nhất: Bốn người con lập văn bản từ chối nhận di sản của người mẹ để lại. 

Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015, việc từ chối nhận di sản phải đáp ứng các điều kiện sau: Việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác; việc từ chối phải được lập thành văn bản và phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã nơi mở thừa kế. Thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế.

Sau khi có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của 4 anh chị em ông, cha của ông tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật..

Trường hợp thứ hai: Lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. 

Bốn anh chị em ông cần lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại cơ quan công chứng. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản này, 4 anh chị em ông tự nguyện tặng cho toàn bộ phần di sản được hưởng thừa kế của mình cho người cha.

Theo Điều 49 Luật Công chứng và Điều 19 Nghị định 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013, thủ tục lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định như sau: Các đồng thừa kế nộp bộ hồ sơ bao gồm: Phiếu yêu cầu công chứng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng tử của người mẹ; giấy tờ tùy thân của những người thừa kế; các giấy tờ khác chứng minh quan hệ thừa kế (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy kết hôn...).

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại UBND xã nơi có các di sản thừa kế (do mẹ ông để lại di sản thừa kế ở nhiều địa phương) trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, cơ quan công chứng chứng nhận văn bản phân chia di sản thừa kế của cha con ông.

Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này, cha của ông tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là bất động sản:

Theo quy định tại Điều 37 Luật Công chứng: “1. Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản”.

Do đó, đối với trường hợp của gia đình ông, khi lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế mà di sản gồm nhiều bất động sản ở nhiều địa phương thì cần phân biệt:

- Nếu nhiều bất động sản ở nhiều địa phương nhưng vẫn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì gia đình ông có thể yêu cầu công chứng tại một tổ chức công chứng bất kỳ trên địa bàn tỉnh, thành phố đó.

- Nếu nhiều bất động sản ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì bất động sản ở tỉnh, thành phố nào thì yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng trực thuộc tỉnh, thành phố đó.

Đọc thêm