Đối tượng yếu thế trước tác động của đại dịch
Theo đánh giá nhanh của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) về tác động của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật (NKT), ước tính khoảng 30% NKT bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương...
Trong bối cảnh chung rất nhiều người lao động “lao đao” bởi dịch bệnh thì có thể nói, NKT chính là đối tượng yếu thế bị tác động nặng nề nhất, dễ nằm trong danh sách bị cắt giảm đầu tiên khi cơ sở kinh doanh gặp khó khăn. Đáng nói, NKT cũng là một nguồn lao động có đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế đất nước nhưng những nỗ lực của họ vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có trên 6 triệu NKT, chiếm khoảng 7% dân số, trong đó chỉ có khoảng 30% nằm trong lực lượng lao động. Rất nhiều NKT trong độ tuổi lao động có đủ sức lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhưng lại không thể kiếm được việc làm. Tỷ lệ có việc làm đối với NKT từ 15 tuổi trở lên được ghi nhận là 36% so với tỷ lệ 60% ở người không khuyết tật.
Trên các website giới thiệu việc làm cho NKT, có thể thấy cơ hội việc làm phù hợp cho NKT đã hạn chế hơn người bình thường. Theo đó, tốp những nghề quen thuộc dành cho NKT và được NKT chọn nhiều nhất bao gồm: nhân viên nhập liệu, nhân viên may, người làm đồ thủ công, lập trình viên, thiết kế đồ hoạ,… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần lao động NKT ở Việt Nam vẫn là lao động thủ công, không có trình độ cao. Do đó họ dễ dàng bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo nhận định của bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của NKT tại UNDP Việt Nam, ước tính “với 2 triệu NKT thất nghiệp tương đương với việc Việt Nam mất đi 3% GDP tiềm năng mỗi năm. Việc loại trừ NKT ra khỏi hoạt động phát triển kinh tế chung thông qua việc làm, tương đương Việt Nam hao hụt từ 1 - 7% tổng sản phẩm trong nước”.
Những NKT thất nghiệp sẽ phải tìm đến những công việc khác, nhưng khác với người bình thường, tìm việc đã khó mà cơ hội học nghề cũng ít hơn. Do đó, có nhiều NKT không xin được việc làm đã tìm đến kế sinh nhai là bán hàng rong, ăn xin để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, công việc này vốn tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh điều kiện làm việc không đảm bảo, NKT còn có thể bị lợi dụng những khiếm khuyết cơ thể để trục lợi, lừa đảo.
Nhìn chung, đển nay, công tác trợ giúp NKT để đảm bảo sự bình đẳng về việc làm cho NKT, nhất là việc tạo việc làm bền vững cho NKT vẫn là một thách thức lớn. Ví như ngay tại Thủ đô Hà Nội vốn được đánh giá là có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, tỷ lệ lao động khuyết tật vẫn còn rất hạn chế. Trả lời báo chí, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội Dương Thị Vân cho biết, số NKT có nhu cầu học nghề khá cao, tuy nhiên số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp. Nguyên nhân, do nhiều NKT và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho NKT quá ngắn (chủ yếu là dưới 3 tháng), nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều NKT không mặn mà với việc học nghề.
Khó tiếp cận với thông tin cũng là một vấn đề lớn đối với NKT, hạn chế họ tìm ra công việc phù hợp với bản thân. Đơn cử, một khảo sát của Hội Người mù Việt Nam chỉ ra, khoảng 26% người được hỏi nắm rõ các quy định liên quan đến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đối với NKT. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT học nghề, tìm việc nhưng tỷ lệ NKT tiếp cận được những chính sách này vẫn còn khá khiêm tốn. Mặt khác đây cũng là minh chứng cho thấy số NKT quan tâm và nắm rõ những chính sách ưu tiên dành cho mình còn rất thấp.
Bảo đảm sự bình đẳng việc làm cho NKT
Không chỉ yếu thế hơn trong thị trường việc làm, NKT cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là khi NKT mong muốn được tự kinh doanh, buôn bán. Đó chính là nhận định của ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội NKT Việt Nam. Tình trạng này cũng được ghi nhận ở các tỉnh, thành trên cả nước, chỉ ra “lỗ hổng” trong chính sách cho vay hiện hành của ngân hàng chính sách xã hội khiến NKT gặp khó khi muốn khởi nghiệp.
Người khuyết tật bị hạn chế việc làm hơn so với người không khuyết tật. |
Quả thực, vẫn còn phải cải thiện hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo sự bình đẳng việc làm cho NKT, tuy nhiên đó mới chỉ giải quyết được một mặt của vấn đề. Mặt còn lại chính là nhận thức của chính đối tượng này. “Việt Nam có nhiều luật, chính sách với những ưu tiên mà NKT được hưởng về lao động, việc làm. Song từng cá nhân NKT lại chưa nắm rõ về những chính sách ưu đãi đó”, bà Đào Thu Hương nhận định.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để NKT có việc làm bền vững, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ dạy nghề đến ưu đãi về chính sách cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động là NKT. Tuy nhiên, hiện nay đa phần lao động khuyết tật vẫn chỉ làm những công việc thủ công có thu nhập thấp và thiếu bền vững, không tham gia bảo hiểm xã hội, có nguy cơ thất nghiệp cao.
Tâm lý mặc cảm, tự ti có thể khiến NKT dễ nản chí khi tìm kiếm các cơ hội học nghề, tìm việc làm. Thực tế cho thấy, trong đợt dịch COVID-19, đối tượng NKT dễ bị cắt giảm nhất thường là những người có tay nghề, trình độ thấp, trong khi thị trường lao động ngày càng yêu cầu chuyên môn cao hơn nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh phục hồi kinh tế.
Để NKT có việc làm bền vững, UNDP tại Việt Nam đã khuyến nghị Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Đặc biệt, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của NKT; Bổ sung quy định về các phương pháp tiếp cận trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…
Bên cạnh đó, nhiều người lao động khuyết tật và người sử dụng lao động khuyết tật cũng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, mở rộng thêm các ngành, nghề hỗ trợ đào tạo cho NKT, bổ sung chính sách trợ giúp việc làm cho NKT theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng dạng tật.
Mặt khác, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với NKT, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội. Do đó, nhiều cơ sở đào tạo NKT cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, sát sao hơn của các cơ quan quản lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, giúp cho NKT đóng góp sâu rộng hơn vào nền kinh tế nước nhà.
Rõ ràng, để nâng cao tỷ lệ NKT có việc làm, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của NKT trong môi trường làm việc, điều đầu tiên chính là hoàn thiện các chính sách về lao động việc làm cho NKT. Bên cạnh đó, quan trọng không kém, bản thân NKT cần có ý thức tự giác tìm tòi, học hỏi để nâng cao hiểu biết, trình độ, kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.