Trâu là con vật nằm trong số 12 con giáp với vị trí thứ 2, sau con Chuột và trên 10 con vật khác. Trâu cũng là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà lợn) và có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước.
Về phong thủy, trâu là con vật được biết đến rộng rãi, không chỉ vì bản tính ôn hòa, dễ dàng thích nghi với môi trường sống mà còn vì những ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của loài vật này.
Trong văn hóa phương Tây, loài Trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Người ta coi những chiếc tù và làm từ sừng trâu là biểu tượng cho ngành bưu chính cổ đại. Họ thổi những chiếc tù và để thông báo mỗi khi giao hay nhận thư từ các buôn lái. Còn ở phương Đông, đặc biệt ở Việt Nam, loài trâu biểu tượng cho sự hiền lành, cần cù, chăm chỉ, thật thà giống như bản chất tốt đẹp của con trâu. Qua hàng ngàn năm thay đổi và phát triển, sự quan trọng và ý nghĩa của con trâu vẫn không hề thay đổi.
Con trâu biểu tượng cho sự hiền lành, thật thà, chăm chỉ, cần cù. |
Từ xa xưa dân gian đã nói “con trâu là đầu cơ nghiệp” bởi trâu giúp con người cày đất trồng lúa, kéo xe chở lúa… Và theo các di chỉ khảo cổ, hàng vạn năm trước, người Việt cổ đã thuần hóa trâu rừng thành trâu nhà và biến nó trở thành con vật gần gũi, thân thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói rằng, con trâu đã cùng người nông dân đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm và đã trở thành một hình ảnh gắn bó thân thuộc với làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời một nắng hai sương của người nông dân.
Cũng chính vì vai trò rất quan trọng đối với nền nông nghiệp mà từ năm 1123, vua Lý Nhân Tông đã xuống lệnh “Cấm giết trâu ăn thịt”, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Nhà Trần cũng noi theo, quy định hình phạt nặng về các tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Hàng năm vào những ngày đầu xuân, nhà vua thân chinh tới lễ đàn để tế Thần Nông.
Ngày nay, đất nước ta đang tiến bước mạnh mẽ trên con đường hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các thiết bị máy móc đã dần thay thế con trâu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên con trâu không vì thế mà mất đi giá trị, ở vùng sâu vùng xa, vùng thấp trũng nơi máy móc khó tiếp cận thì vẫn cần đến sức lực của trâu.
Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với người nông dân, lũy tre làng khắc sâu trong tâm thức người Việt. |
Từ vai trò trong nền kinh tế nông nghiệp, con trâu có mặt ở mọi mặt của đời sống tinh thần của người Việt và được thể hiện trên nhiều phương diện từ văn học, hội họa, phong tục, đến ẩm thực...
Nổi bật nhất là các lễ hội chọi trâu vốn được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của cư dân miền biển, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.
Lễ hội chọi trâu trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống ở nhiều địa phương. |
Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, xuất hiện trong những câu tục ngữ, thành ngữ, những câu ca dao, bài hát đồng dao của các em nhỏ, trở thành nguồn cảm hứng để các tác giả sáng tác nên những bài hát về con trâu như: “tậu trâu cưới vợ, làm nhà…”, “ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”, “Trâu ơi ta bảo trâu này-Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta-Cấy cày vốn nghiệp nông gia-Ta đây trâu đấy ai mà quản công-Bao giờ cây lúa còn bông-Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, “Ai bảo chăn trâu là khổ – Chăn trâu sướng lắm chứ”.
Hình tượng con trâu gắn liền với cuộc sống của người dân làng quê. |
Từ lúc bé, các cậu bé, cô bé đã biết chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ, vừa kết hợp mò cua bắt ốc hay đánh bài tam cúc, đánh thẻ. Lớn lên, các chàng trai, cô gái biết điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, khi về già, sức khỏe suy giảm các cụ ông, cụ bà lại vẫn tiếp tục dắt trâu, chăn nghé giúp con cháu.
Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, ca dao, tục ngữ, tranh Đông Hồ. |
Không chỉ ôn hòa, hiền lành, trâu còn là biểu tượng cho sức mạnh vô song trên chiến trường. Trong sách Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo đã nói tới chiến thuật dùng trâu trong chiến tranh như sử dụng vào việc uy hiếp tinh thần, làm khiếp đảm quân thù, dùng trâu gây thương vong cho đối phương. Hay như chiến thuật dùng “trâu lửa” đánh trận.
Trận đánh điển hình của chiến thuật Hỏa ngưu trận ở nước Việt đã được sử sách ghi nhận là trận Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của quân chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Khi tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh, ông đã lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ từ năm 1741 – 1751. Nghĩa quân có lúc đông tới hàng vạn người, chúa Trịnh nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tan tác.
Trâu lửa - trận đánh gắn liền tên tuổi của Nguyễn Hữu Cầu. |
Tuy vậy, những nỗ lực của chúa Trịnh cũng đạt được thành quả nhất định. Trong một trận đánh không cân sức, nghĩa quân đã bị bao vây bốn phía, gần như không còn đường thoát. Quận Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng nghĩa quân.
Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Hữu Cầu đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng để thực hiện Hỏa ngưu trận. Ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt. Đàn “trâu lửa” điên cuồng vì nóng lao thẳng vào nơi tập hợp của quân Trịnh, húc và giẫm đạp dữ dội làm đội quân này rối loạn. Nhân đó, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ…