Mưu sinh trên hòn Chạy Gió

Suốt một mùa bấc, phía Đông đảo vắng tanh không một bóng người, nhà cửa trống hoác, dân dồn về phía Tây đảo. Bấc tan, mạn Tây gió thổi xiêu ngọn dừa, dân lại lũ lượt kéo về phía Đông đảo tránh gió. Mỗi lần chạy như thế, ai nấy đều phải bắt tay sửa sang nhà cửa, xốc lại đồ đạc. Cuộc “chạy” tự nhiên trên một hòn đảo xa xôi cực Nam của tổ quốc vẫn diễn ra như vậy từ bao đời nay.   

Suốt một mùa bấc, phía Đông đảo vắng tanh không một bóng người, nhà cửa trống hoác, dân dồn về phía Tây đảo. Bấc tan, mạn Tây gió thổi xiêu ngọn dừa, dân lại lũ lượt kéo về phía Đông đảo tránh gió. Mỗi lần chạy như thế, ai nấy đều phải bắt tay sửa sang nhà cửa, xốc lại đồ đạc. Cuộc “chạy” tự nhiên trên một hòn đảo xa xôi cực Nam của tổ quốc vẫn diễn ra như vậy từ bao đời nay.  

Một cảnh hoang vắng ở mặt Đông hòn “Chạy gió” (ảnh chụp vào tháng 11, mùa Bấc thổi)
Mỗi gia đình có hai cái nhà
Người ta vẫn quen gọi Hòn Thơm  (xã Hòn Thơm, phú Quốc, Kiên Giang) bằng những cái tên là lạ,  đảo “Chạy gió”, đảo “Hai nhà” vì đặc điểm khí hậu khác lạ của vùng. Suốt một mùa bấc, phía Đông đảo vắng tanh không một bóng người, nhà cửa trống hoác, dân dồn hết về phía Tây đảo. Bấc tan, mạn Tây gió thổi xiêu ngọn dừa, dân lại lũ lượt kéo về phía Đông đảo tránh gió. Ở đây mỗi gia đình phải có hai căn nhà hai mạn Đông, Tây để trú ngụ.
Chính vì đặc thù của đảo Hòn Thơm mà nơi đây từng là ngọn nguồn nảy sinh nhiều tệ nạn xã  hội. Thời gian trước đó Hòn Thơm được mệnh danh là “thiên đường tình dục”. Là chốn để dân ghe cào biển (dân đi biển) ghé chân vào “xả hơi” sau những chuyến đi biển dài ngày. Một thời trên hòn đảo tươi đẹp này dịch vụ mại dâm, Kraoke, massage mọc lên nhiều hơn những ngành nghề chân chính khác. Để giữ “sạch” bộ mặt của đảo, chính quyền xã đã  phải căng sức truy quét các ổ mại dâm, cật lực đẩy lùi những tệ nạn xã hội khác. Đến nay, như ông Chủ tịch xã Dương Thanh Vân vui vẻ thổ lộ “ những tệ nạn từng gây nhức nhối trên đảo nay đã bị quét sạch, an ninh chính trị về cơ bản đã  ổn định”.

Bác lái đò ngỡ ngàng khi biết khách đến mạn đông vào tháng 11, liền cất giọng chất vấn “mùa này mạn Đông của đảo bấc thổi dữ lắm nghe, người bỏ đi hết rồi,  ra đó ngắm nhà hoang à? ” rồi tiếp tục dong bánh lái nhằm hòn Thơm mà tiến. Biển trời Tây Nam đang độ giao mùa, nắng sém da người. Mặt biển  xanh ngắt, từng cơn gió đánh sóng tung tóe  ánh bạc, mặt biển lung linh huyền ảo. Đò chầm chậm lướt nhẹ  vào vịnh.  Hòn Thơm hoang sơ hiện ra, với  cơ man bãi đá, cây rừng trập trùng trên sóng nước. Mùa này mạn Tây tấp nập người và tàu bè qua lại. Hàng trăn ghe tàu các vùng nối đuôi nhau neo đậu. Với vị trí địa lý tự nhiên, Hòn Thơm chính là “điểm neo” khổng lồ cho tàu thuyền trên vùng biển phía cực Nam tổ quốc.

Tháng 11, gió bấc thổi qua mạn Đông đã gần một tháng, ghe tàu đều lánh sang vịnh phía Tây neo đậu. Từ Tây đảo qua  Đông đảo chỉ mất 10 phút lội bộ qua cái eo hình xương cá nhưng cảnh tượng lại hoàn toàn trái ngược. Những ngôi nhà xơ xác gài then tạm bợ,bên trong trống hoác không chút đồ đạc. Những phên lá dừa kết lại chắn gió trước cửa nhà bị sóng biển đánh cho vẹo vọ, tan tác. Cả ngôi làng tịch không một bóng người . 
Ông Dương Thanh Vân Chủ tịch xã Hòn Thơm cười lý giải “hầu hết mỗi hộ dân trên đảo đều có hai cái nhà. Nghe qua thì tưởng người dân ở đây giàu lắm mà không biết rằng  bao đời nay chúng tôi phải “sống chung với lũ”, phải biết lựa  thiên nhiên để tồn tại.  Nếu không có hai nhà  khi ông trời trở chứng (ý nói mùa gió lên),thì biết lấy đâu ra nơi tá túc”. 
Cuộc chạy gió còn dài 
Xã đảo Hòn Thơm thành lập năm 2003 với tổng diện tích 571ha, bao gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Hòn Thơm có diện tích lớn nhất khoảng 5.7 km2 địa hình tương đối bằng phẳng. Toàn xã có 620 hộ dân với khoảng 2574 nhân khẩu  nhưng 80% dân số trên đảo là ngư dân, hoặc  làm nghề buôn bán hàng hóa và dịch vụ gắn với ghe tàu. 
Về mùa Nam nơi nhộn nhịp này sẽ trở nên hoang vắng (Một góc tấp nập ở mặt Tây hòn “Chạy gió” vào mùa Bấc)
Tiềm năng lợi thế ở đây được xác định là dịch vụ du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Về địa lý Hòn Thơm là một quả đồi đội biển nhô lên giữa biển Nam, rồi đột nhiên bị thắt eo ở giữa tạo ra hai mạn Đông –Tây. Mỗi bên đều có một  vịnh đủ cho ghe tàu vào trú ngụ như có sự sắp đặt từ trước. Sự nhộn nhịp, sầm uất mạn Tây vào tháng 10, 11  không thua kém chốn đô thị ở đất liền. Tuy nhiên bản chất cuộc sống ở đây chỉ là tạm bợ , phụ thuộc và không có sự bền vững.  
Sự sầm uất nhộn nhịp cũng thoắt ẩn thoắt hiện theo mùa, giàu đấy rồi cũng nghèo luôn đấy. Có tiền nhưng cuộc sống vẫn thiếu tiện nghi. Tiền bạc kiếm được họ tích cóp để mua vàng , khi giông gió bất ngờ còn dễ mang đi, còn có cái phòng thân. Toàn hòn đảo  không có nhà cửa kiên cố, phần vì sợ thiên tai giật mất, phần vì  không phải là đất của mình.  Ông Vân lại phân trần “để có nhà ở tất cả người dân đều phải thuê lại từ các chủ đất. Những ông chủ này là những người cố cựu đầu tiên đến khai phá đảo, khiến cuộc sống của người dân trên đảo không chỉ tạm bợ mà còn mang tính ở thuê ở mướn”. 
Một chủ hàng tạp hóa sống trên Hòn Thơm nói “ mỗi năm người dân trên đảo phải chi một số tiền không nhỏ để thuê chỗ ở. Như gia đình tôi, mỗi năm phải trả tiền thuê nền nhà hết 14 triệu đồng. Trừ hết chi phí chẳng còn lãi bao nhiêu, thậm chí nhiều lúc phải lấy công làm lãi”.
Theo báo cáo của địa phương , thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 9 đến 10 triệu đồng /người/năm. Cơ sở hạ tầng cũng đã được đầu tư, giao thông được bê tông hóa, trạm  y tế, trường học... cũng được xây dựng khang trang  tuy nhiên  vẫn còn nhiều hộ dân chưa thoát nghèo. Vì vậy trẻ em được đến trường chủ yếu là con những gia đình khá giả, xã cũng chỉ xây trường đào tạo học sinh hết cấp II, nếu muốn học lên cấp III phải vào đảo Phú Quốc học tiếp...
Những cuộc “giành giật” với tự nhiên năm này qua năm khác khiến  đời sống người dân trên đảo càng khó khăn hơn. Cứ sau mỗi lần “chạy gió” là một lần họ phải bỏ chi phí tu sửa lại nhà cửa, sắm thêm đồ đạc rất mất thời gian và tốn kém, cản trở việc phát triển kinh tế của đảo. Làm sao ổn định cuộc sống người dân, hướng đến một nền kinh tế- xã hội bền vững trên đảo thì chính quyền đã trăn trở nhiều, nhưng không phải là chuyện ngày một ngày hai làm được. Theo ông Chủ tịch xã  thì hướng phát triển của Hòn Thơm trong tương lai là “đầu tư vào ngành du lịch, trao ngành du lịch vào tay người dân, khi họ chủ động được kinh tế thì may ra cuộc “chạy gió”  mới thôi tiếp diễn”.
Bảo Hằng

Đọc thêm