Mưu sinh trong đêm giao thừa

(PLO) - Hòa trong dòng người đang nô nức chờ đón giao thừa, nhiều người vẫn tiếp tục phải mưu sinh trong đêm cuối năm, không thể về quê đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng.
Đêm 30 Tết, chị Nguyễn Thị Khứ (30 tuổi, quê Phú Yên) vẫn đạp chiếc xe cọc cạch trên đường Ung Văn Khiêm (TP HCM) để bán vé số và đậu phộng luộc. Chị Khứ có chồng và 2 con nhỏ ở quê nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đã 3 năm nay đều không thể về quê ăn Tết cùng gia đình. "Tiền xe đắt quá, thôi thì ráng qua Tết về vậy", chị Khứ tâm sự.
Quán hủ tíu gõ trên vỉa hè đường D2 (Bình Thạnh) của vợ chồng anh Nguyễn Mỹ và chị Nguyễn Thị Bích Thu (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) đêm 30 Tết vẫn phục vụ những người đi chơi về khuya. "Hôm nay giao thừa nên chưa đông, mấy ngày Tết nhiều người đi chơi về khuya, lười ăn nhà nên ghé đông lắm, hôm nào cũng phải tới 1-2h sáng vợ chồng tôi mới xong việc", chị Thu nói.
Còn chị Yến (quê Bến Tre) bán bánh tráng trộn ở Hồ Con Rùa (quận 3) cho biết, có hôm chị bán được cả trăm bịch và đây là năm thứ 2 chị đón giao thừa ở Sài Gòn. "Tết thì ai cũng muốn về cùng gia đình nhưng mà để kiếm thêm ít tiền thì ráng vậy, qua Tết sắp xếp rồi về chứ mấy ngày Tết nhiều người mua lắm", chị Yến nói.
Anh Đạt quê mãi tận Hà Tây đã bán bắp ở Sài Gòn hơn 6 năm nay. "Chẳng năm nào tôi về quê được dịp Tết cả, nhớ quê thì qua Tết mới về được vì mấy ngày này bán được rất nhiều. Ngày nào tôi cũng bán đến 5h sáng, vì khoảng 3-4h những người đi chơi ở quán bar mới đi ăn", anh Đạt kể.
Chị Lưu Thị Sánh (31 tuổi, quê Bắc Giang) bán dừa trên đường Khánh Hội (quận 4) cho biết, đã mưu sinh cùng chồng ở Sài Gòn gần 10 năm. "Nhà xa quá, mỗi lần về tốn tiền xe nên đành ở lại Sài Gòn kiếm tiền luôn vậy, kiếm thêm được chút nào thì gửi về quê cho bà nuôi các cháu ăn học", chị Sánh cười.
Trong khi đó, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), người đàn ông này vẫn đang tiếp tục công việc thường ngày của mình là nhặt ve chai trong các thùng rác.
23h45 đêm 30 Tết ở Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Hương (41 tuổi) vẫn đi lượm ve chai. Chị cho biết đi lượm đồ từ sáng vì trong ngày tất niên nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa vứt đi những thứ có thể bán được. 
Trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), cặp vợ chồng trẻ chất đầy những ổ bánh mì bán cho khách. Chị cho biết sẽ bán đến 1h sáng mới về nhà. "Bán được chiếc nào hay chiếc đấy, coi như là mở hàng đầu năm lấy hên".
Bước sang năm Giáp Ngọ, anh Nguyễn Viết Hùng đã đón những vị khách đầu tiên đến vá xe, bơm hơi. "Tết ai cũng muốn ở nhà với gia đình nhưng sợ người đi đường gặp nạn, phải dắt chiếc xe thủng hàng cây số về nhà và ngày đầu năm không có xe đi lại nên tôi quyết định làm xuyên đêm", anh Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Châu Xinh (60 tuổi) bày bán cau trầu và muối cầu may đầu năm ngay trên sông Hàn. Những vị khách mở hàng đều dành lời chúc cho bà năm mới được sức khỏe, hạnh phúc. "Tôi mua những vật cầu may này ở chợ về bán, nhưng lấy vui là chính. Tôi không ra giá mà tùy người mua trả bao nhiêu thì trả, coi như lấy may đầu năm cho mọi người", bà nói.
Cũng bán cau trầu, nhưng gánh hàng rong của chị Nguyễn Thị Hà (quê Đại Lộc, Quảng Nam) thưa thớt khách. Vượt gần 30km ra Đà Nẵng bán hàng cầu may, chị cho biết sẽ bán thâu đêm để sáng mai kiếm thêm chút tiền "lộc" đầu năm về lì xì cho con cháu và mua thêm đồ ăn Tết.
Những chuyến rác làm đẹp cho thành phố của những người lao công vẫn lầm lũi ngược xuôi trong đêm giao thừa. Mỗi ca trực Tết như thế này họ được nhận 120.000 đồng.

Đọc thêm