Na Rì (Bắc Kạn) phát triển cây đặc sản hồng không hạt theo chuỗi liên kết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là loại quả đặc sản được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nức tiếng thơm, ngon, giòn, ngọt, hồng không hạt tại Na Rì, Bắc Kạn đang được chọn tập trung phát triển theo chuỗi liên kết.
Cây hồng không hạt được người dân trồng tại xã Sơn Thành, huyện Na Rì (Ảnh: Lê Hanh)
Cây hồng không hạt được người dân trồng tại xã Sơn Thành, huyện Na Rì (Ảnh: Lê Hanh)

Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch hồng không hạt là cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Sau nhiều giai đoạn nỗ lực phát triển, đến nay cây hồng không hạt đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tại nhiều địa phương… Sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản, có thương hiệu nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Từ năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, năm 2013, được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Để giúp hồng không hạt tiếp tục phát triển thương hiệu, tỉnh Bắc Kạn đã và đang có thêm nhiều định hướng để thúc đẩy phát triển hồng không hạt.

Riêng tại huyện Na Rì, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, huyện phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích trồng loại cây đặc sản hồng không hạt khoảng 300ha.

Từ năm 2021, huyện bắt đầu triển khai mở rộng diện tích cây trồng này, sử dụng giống hồng LT-1. Thời gian đầu gặp một số khó khăn, nhưng dưới sự tuyên truyền tích cực của phòng chuyên môn, các xã, thị trấn nên người dân đồng tình ủng hộ.

Đến nay, tổng diện tích cây hồng không hạt của huyện Na Rì đã đạt 122ha, trong đó có trên 13ha đã cho thu hoạch. Có hơn 3ha được chứng nhận an toàn thực phẩm. Cây hồng không hạt ở Na Rì đang được các cấp chính quyền tích cực phổ biến, khuyến khích người dân tham gia trồng cây và phát triển sản phẩm thành chuỗi liên kết.

Điển hình tại xã Cư Lễ, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã được giao chỉ tiêu trồng mới 20ha hồng không hạt, đến nay đã trồng được gần 10ha với tỷ lệ cây sống cao và phát triển tốt. Xã đang tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ đạt chỉ tiêu huyện giao.

Mặc dù quỹ đất có hạn, trong khi đó người dân cũng đang đầu tư một số cây trồng khác nên quá trình phát triển cây hồng không hạt gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tuyên truyền của các đoàn thể, xã Cư Lễ đã quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Hồng không hạt Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam (Ảnh: Lê Hanh)

Hồng không hạt Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam (Ảnh: Lê Hanh)

Để phát triển cây đặc sản hồng không hạt theo chuỗi liên kết, huyện Na Rì đã xây dựng được vườn cây đầu dòng tại xã Sơn Thành đạt tiêu chuẩn lai tạo giống phục vụ nhu cầu của người dân.

Cùng với đó, huyện Na Rì cũng triển khai sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để thực hiện một số dự án trồng hồng không hạt tại các xã Xuân Dương, Dương Sơn, Trần Phú, Cư Lễ, Sơn Thành, Lương Thượng, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc... Tổ chức tập huấn và các buổi tham quan tại vườn cây đầu dòng ở xã Sơn Thành cho những hộ tham gia dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: “Hồng không hạt sẽ là loại cây được huyện tập trung phát triển theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện đồng thời việc hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón với tuyên truyền, vận động để người dân tập trung phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế này”.

Thực tế cho thấy, nguồn cầu của sản phẩm đặc sản hồng không hạt là rất lớn, việc tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Na Rì nói riêng và tỉnh Bắc Kạn là cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển thành chuỗi giá trị, các cấp, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo chất lượng giống từ cây đầu dòng. Đồng thời, phổ biến để người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc tránh hiện tượng thoái hóa. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân phát triển loại cây ăn quả đặc sản này một cách hiệu quả và bền vững.