Theo ông Đặng Hoa Nam, trong công tác thực hiện pháp luật vì trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức tập huấn cho cán bộ trung ương và địa phương về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em như: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành liên quan triển khai chiến dịch truyền thông và duy trì truyền thông chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với trọng tâm là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học và trong gia đình; hướng dẫn một số điều của Bộ luật hình sự về xâm hại tình dục trẻ em.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, tiếp nhận thông tin, giải quyết và phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục, vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Triển khai hiệu quả hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 188,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 128.007 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 113 tỷ đồng. Ước năm 2019 có 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức. |
Dù vậy, bên cạnh đó, trong năm 2019 tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, phụ nữ vẫn còn ở mức cao, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, theo ông Nam.
Vì thế, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, sẽ lồng ghép các chỉ tiêu về trẻ em trong Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành đến năm 2025 và 2030 gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em chọn năm 2020 là "Năm vì trẻ em" để tập trung thực hiện đồng bộ việc đánh giá, tổng kết, xây dựng chiến lược, chương trình, đề án về trẻ em; tăng cường các giải pháp tạo lập cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước….
Ở góc độ pháp luật, sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bạo hành trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; truyền thông - tư vấn về kỹ năng làm cha, mẹ và kỹ năng sống cho trẻ em thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội và truyền thông cộng đồng. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo hướng đa phương tiện, kết nối vùng và kết nối trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.