Năm Cọp, băn khoăn chuyện 'nuôi hổ để bảo tồn

(PLVN) -  Hơn 30 năm qua, quần thể hổ tự nhiên đã suy giảm đáng kể tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong khi đó, hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại Việt Nam lại phát triển mạnh, với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tăng dần qua các năm. Điều này khiến các nhà bảo tồn hổ lo ngại.
Số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam tăng dần qua các năm.

Hổ có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam?

Sở dĩ đặt ra câu hỏi này bởi năm 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra tại Nga, 13 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ, bao gồm: Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022, là năm hổ theo năm âm lịch.

Thực thi cam kết này, ngày 16/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022, với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh về hổ.

Trong khi các quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga và Trung Quốc, giúp đưa số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 cá thể (năm 2010) lên ít nhất 3.890 cá thể (năm 2016), Việt Nam đang phải đối diện với khả năng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), năm 2016 Việt Nam ước tính chỉ còn ít hơn 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Thống kê này của WWF cũng được lấy từ ước tính của IUCN năm 2015 do kể từ năm 2009, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam (bằng chứng là các bẫy ảnh đặt trong các khu rừng chưa từng ghi lại được một hình ảnh nào về hổ) và Việt Nam cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng tới thời điểm hiện tại, nhiều nhận định cho rằng hổ tự nhiên có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Các sản phẩm từ hổ thường bị mua bán.

Nuôi hổ để “bảo tồn”?

Trong bối cảnh hổ đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, hoạt động nuôi hổ để bảo tồn được đánh giá là một giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam.

Từ ngày 19- 21/1/2022, Hội nghị Bộ trưởng Châu Á lần thứ 4 về bảo tồn hổ sẽ diễn ra tại Malaysia.Trong khoảng từ năm 2014 đến 2021, tại Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.241 vụ việc vi phạm, tương ứng 4.185 hành vi vi phạm liên quan đến hổ. Đặc biệt, năm 2021 ghi nhận số lượng vi phạm cao nhất trong 8 năm vừa qua, với 581 vụ việc và 1.215 hành vi vi phạm.

Nuôi hổ để bảo tồn là một dạng thức của hoạt động bảo tồn ngoại vi hay chuyển vị. Theo đó, hổ được nuôi với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo hổ được nuôi nhốt phải có nguồn gen thuần chủng của phân loài hổ Đông Dương; hổ cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên cũng như xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Dù tất cả các cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động “nuôi hổ bảo tồn”, thì không có cơ sở nào trong số đó thực hiện hoạt động này.

Quan điểm này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định năm 2012 khi tiến hành đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo này, “hiện nay, các cơ sở không phân biệt được các phụ loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam” (Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 705/BNN-TCLN ngày 19/3/2012 về việc báo cáo hoạt động nuôi hổ và quần thể hổ tự nhiên).

Dẫu vậy, cho đến thời điểm hiện nay, các quy định quản lý đối với các cơ sở nuôi nhốt hổ và động vật hoang dã (ĐVHD) khác “không vì mục đích thương mại” vẫn còn chưa toàn diện và chưa giải quyết được bài toán đóng góp cho công tác “bảo tồn hổ”. Theo quy định hiện hành, tại những cơ sở nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” này, chủ cơ sở không bị yêu cầu kiểm soát sinh sản hay đảm bảo nguồn gen thuần chủng, khỏe mạnh của hổ và các loài ĐVHD khác mà chỉ cần thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi. Việc xử lý hổ hay các loài ĐVHD chết tại những cơ sở này hay trong trường hợp cơ sở bị hủy mã số/rút giấy phép cũng chưa được quy định.

“Hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” có thể sẽ được coi là nguồn cho công tác bảo tồn hổ ngoại vi nếu được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định toàn diện để quản lý hoạt động này không những khiến cho hoạt động này phát triển một cách mất kiểm soát mà sẽ là cơ hội cho các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép lợi dụng, núp bóng cơ sở được cấp phép để lén lút mua bán, trao đổi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích lợi nhuận”- bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV nêu quan điểm.

Sớm hoàn thiện luật để quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ

Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên của Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và có trách nhiệm thực hiện những nội dung của Công ước này ở góc độ cam kết quốc tế. Việc thắt chặt quản lý của các cơ sở nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” là vô cùng cần thiết, không chỉ để đảm bảo hoạt động này góp phần cho công tác “bảo tồn” hổ trong tự nhiên tại Việt Nam mà còn thực hiện hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên từ năm 1994.

Được biết sắp tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành hoạt động: “Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu”.

Nhưng theo các chuyên gia bảo tồn, việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu được tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký trong bối cảnh hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập chi tiết về các vấn đề quan trọng này.

Do đó, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ tại Việt Nam. Trước mắt, cần ban hành một chính sách cá biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép nào.

Về lâu dài, cần xem xét xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, để tạo tiền đề cho hoạt động của các cơ sở hợp pháp cũng như ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc “cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại” để thực hiện các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.

Đọc thêm