Theo ông Nguyễn Cao Kỳ, trú tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu đã mời ông đến làm việc liên quan đến vụ việc gia đình ông bị nhóm người cho vay nặng lãi đến đòi nợ liên tục và khủng bố bằng bom bẩn, bom xăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình ông hoàn toàn không biết về sự việc nhóm tín dụng đen này bị xử lý như thế nào.
Trở lại sự việc, người con rể cũ của gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ là anh Trần Văn Đạt có vay lãi nặng của nhiều cá nhân, với mức lãi suất từ 3000 đồng/triệu mỗi ngày đến 5.000 đồng/triệu/ngày. Trong đó, khoản vay của Nguyễn Hữu Trình có mức lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 182%/năm. Đây là mức lãi suất “cắt cổ” con nợ của các nhóm tín dụng đen.
Theo giấy nhận nợ của anh Trần Văn Đạt, trong 2 ngày 2 và 3/9/2018, anh này đã vay của “anh Trình” số tiền là 350 triệu (chia hai đợt) với lãi suất theo ngày là 5000 đồng/triệu/ngày và phải trả lãi ngay. Do đó, thực tế anh Đạt chỉ được nhận 300 triệu đồng, phải trả lãi ngay tại chỗ là 50 triệu đồng cho khoản vay này.
Tín dụng đen quay xe ngang đường, chặn lối đi của người dân |
Đến hạn, người cho vay đã đòi anh Đạt nhưng anh này đã không thể trả nợ nên một nhóm thanh niên xăm trổ đầy mình tự xưng là “đàn em của anh Trình” đã đến nhà ông Nguyễn Cao Kỳ để đòi nợ. Mặc dù ông Kỳ nói rất rõ việc “ai vay người đó trả” nhưng nhóm tín dụng đen này đã không quan tâm đến việc đó mà chỉ quan tâm đến việc lấy tiền cho bằng được. Vì vậy, nhóm này đã ngày đêm đến nhà ông Kỳ đòi nợ. Từ việc ngồi lỳ trong nhà đến thủ đoạn dùng loa đứng trước cổng để rêu rao, đòi nợ, nhóm này không ngại sử dụng để gây sức ép, buộc nạn nhân phải trả tiền.
Xong, do không vay tiền nên gia đình ông Kỳ nhất quyết không trả nợ thay anh Đạt. Theo ông Kỳ, không đạt được mục đích, nhóm này đã sử dụng những thủ đoạn “bẩn” và nguy hiểm, đó là ném trứng thối, dầu máy trộn lông lợn và mắm tôm vào nhà ông. Vụ việc khủng bố bằng “bom bẩn” đã bị phát giác và kẻ đánh bom đã bị người dân vây bắt, giao cho chính quyền xử lý.
Sự việc xảy ra đối với ông Nguyễn Cao Kỳ và gia đình chỉ là một kịch bản được nhân rộng của phương thức đòi nợ mà các nhóm tín dụng đen chuyên thực hiện. Nhưng đáng chú ý, trong vụ việc này, những bằng chứng liên quan đến hành vi đòi nợ kiểu “tín dụng đen” đã được ghi lại đầy đủ. Với những bằng chứng này, cơ quan điều tra có xử lý được nhóm tín dụng đen hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội về vấn đề này.
Thưa Luật sư, việc đấu tranh với vấn nạn tín dụng đen đang được Công an các địa phương tích cực thực hiện sau vụ nhóm tín dụng đen ở Thanh Hóa gây thương tích cho con nợ. Theo ông, tại sao hiện nay việc đấu tranh với vấn nạn tín dụng đen lại được quan tâm trong khi tình trạng này đã kéo dài nhiều năm?
Tín dụng đen là từ mà người dân sử dụng để chỉ các hình thức cho vay cá nhân trong xã hội với mức lãi suất rất cao. Mặc dù các hình thức cho vay cá nhân không phải lúc nào cũng xấu, nhưng gần đây nhiều nhóm cho vay đã có hành động cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu xã hội đen, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân nên việc đấu tranh, triệt phá mới trở nên cấp thiết.
Luật sư Trần Văn Toàn |
Thực tế, việc cho vay lãi suất cao và các thủ đoạn đòi nợ kiểu áp chế, đe dọa, bắt giữ và đánh đập của các nhóm cho vay đã khiến dư luận bức xúc. Thậm chí, hiện nay xuất hiện nhiều nhóm cho vay lãi nặng hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều địa phương, phương thức và thủ đoạn khá manh động nhằm chiếm đoạt tài sản của con nợ nên hoạt động tín dụng đen mới trở thành đối tượng đấu tranh quyết liệt.
Khi đấu tranh với vấn nạn tín dụng đen, nhiều ý kiến cho rằng chỉ có thể xử lý các nhóm này khi xảy ra việc bắt giữ hay đánh đập con nợ, theo ông có đúng không?
Thực tế thì việc cho vay lãi nặng xảy ra rất phổ biến nhưng cơ quan chức năng không có đủ bằng chứng để xử lý do các nhóm cho vay lãi nặng đã có cách chống điều tra bằng việc không ghi rõ mức lãi suất thực tế đã lấy của con nợ. Vì vậy, khi xảy ra tố cáo thì chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở. Đây cũng là lý do mà vấn nạn xã hội đen tồn tại nhiều năm.
Trong trường hợp vụ việc xảy ra ở Nam Định, giấy vay nợ đã ghi rõ “lãi ngày” thì theo ông, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự nhóm tín dụng đen về hành vi cho vay lãi nặng hay không?
Lãi suất cho vay chỉ là một trong các căn cứ để xác định người cho vay có phạm tội cho vay lãi nặng hay không. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự, người nào cho vay gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu của tội này.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm của khoản vay. Như vậy, cho vay trên 100%/năm của khoản vay là cho vay lãi nặng. Cụ thể, lãi ngày 3000 đồng/triệu/ngày sẽ tương đương 109% năm và lãi ngày là 5000 đồng/1 triệu/ngày tương đương 182%/năm. Nếu thu lợi trên 30 triệu đồng bằng mức lãi suất trên là hành vi cho vay lãi nặng và bị xử lý hình sự.
Việc nhóm tín dụng đen có hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần và ném chất bẩn vào gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ mặc dù ông Kỳ không vay tiền của nhóm này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Trong trường hợp này, hành vi cản trở giao thông trước cửa nhà ông Kỳ là hành vi gây rối trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự, không có ý nghĩa nhiều trong việc xác định tội danh cho vay lãi nặng. Trước đây có quy định, hành vi cho vay lãi nặng phải có dấu hiệu “có tính chuyên nghiệp” thì các hình thức đòi nợ kiểu khủng bố con nợ như trên có vai trò nhất định trong việc định tội danh.
Xin cảm ơn luật sư.