Theo đó, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, năm 2018 tình hình thiên tai, khí tượng diễn biến phức tạp. Theo dự báo, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN), tổng cộng cả năm khoảng 12-13 cơn bão và có 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ít hơn so với trung bình nhiều năm (5-6 cơn). Xu thế chung là bão, ATNĐ hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa, không nhiều như năm 2016 và năm 2017 cả về số lượng và cường độ.
Theo ông Lê Thanh Hải, nền nhiệt độ trong 6 tháng cuối năm trên toàn quốc phổ biến ở mức TBNN, riêng các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn so với TBNN vào tháng 11-12/2018. Khả năng Bắc bộ, Bắc Trung bộ sẽ có mùa đông ấm. Nắng nóng diện rộng ở Bắc bộ và Trung bộ vẫn còn có khả năng xuất hiện trong nửa cuối tháng 7 đến tháng 8, nhưng không gay gắt và không kéo dài.
Thời điểm tháng 7 và tháng 8 tới đây, các đợt mưa lớn sẽ đổ bộ vào Bắc bộ. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình các năm trước. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc bộ và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía Bắc.
Trung bộ có tổng lượng mưa như các năm trước, sau đó có xu thế giảm hơn so với TBNN ở 3 tháng cuối năm. Cao điểm mùa lũ ở Trung bộ sẽ có lượng mưa ở mức thấp hơn so với các năm 2016, 2017. Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với TBNN.
Những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam bộ, trong tháng 12/2018 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc.
Với nhận định xu thế thiên tai năm 2018 nêu trên, trọng tâm trong công tác dự báo phục vụ của Tổng cục KTTV trong năm 2018 là dự báo, cảnh báo sớm xuất hiện của bão, ATNĐ; mưa lũ trái mùa ở phía Nam và sau đó là mưa lũ tập trung trong các tháng 6-7-8 ở phía Bắc; ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở Trung bộ; mưa lũ phức tạp, liên tục trong nửa cuối năm ở Trung bộ; theo dõi cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng chống. Nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, ATNĐ đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1-2 ngày.