Trong căn bếp nhỏ của cơ sở cai nghiện ở Phúc Thọ, Vì Văn Thánh, 32 tuổi, lúi húi nấu nồi khoai tây hầm xương, mồ hồi lấm tấm trên mặt. Một nhân viên của cơ sở hớt hải chạy vào báo tin bố anh đang la hét, chửi bới và còn đòi giết anh. Thánh cười, lấy tay quệt ngang mặt: "Bây giờ ông còn đang vật vã nên đầu óc không tỉnh táo. Vài hôm nữa, khi tỉnh lại, bố sẽ hiểu mình lừa ông vào đường sống, không phải đường chết".
Những gì đang xảy ra với bố, Thánh đã từng trải qua hai năm trước đây nên anh hiểu. Hai chuyến xuôi Hà Nội mới đây của anh có thêm bố và hai người cậu ruột. Họ đều là người dân tộc Thái ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, một huyện biên giới giáp Lào.
Khảo sát năm 2018 cho biết, toàn bộ 25 xã của huyện này đều có người nghiện ma túy.
Từ bé, Vì Văn Thánh đã chứng kiến cảnh mẹ bị đánh đập, hành hạ bởi người bố nghiện cả rượu và ma túy. "Rất nhiều đêm, 12h khuya, mẹ vẫn phải dắt tay bốn chị em tôi chạy sang nhà ngoại ngủ nhờ vì bố chửi bới ầm ĩ", Thánh nhớ lại. Lớn lên một chút, những lần như vậy khiến cậu bé chán nản. Đến nhà mấy người bạn trong xóm chơi, Thánh được "an ủi" bằng lời mời: "Buồn làm gì, vào đây làm mấy hớp rượu là hết ngay". Năm đó, anh vừa bước sang tuổi 13.
Ở xã biên giới Thanh Chăn những năm đó, hầu hết các gia đình đều có người nghiện. Vì Văn Thánh có bốn người cậu ruột thì hai người chết vì ma túy, hai người còn sống nhưng đang nghiện nặng. Năm 15 tuổi, Vì Văn Thánh bỏ học, trượt dài theo vết xe đổ của người thân.
Nước mắt của mẹ và ba người chị, em gái không thể ngăn cậu con trai duy nhất sa ngã. Đồ đạc trong nhà lần lượt "bay hơi" theo những lần lên cơn của anh. Lúc nhà không còn gì để bán, cậu bé 15 tuổi chuyển sang trộm cắp... Có lần, thấy chị gái lỡ để quên chìa khóa cắm trên xe máy, cậu em lập tức lấy đi đổi ma túy.
Nghiện ngập nên Thánh bị mọi người xa lánh. Thấy đứa trẻ hàng xóm dễ thương, anh mua cho gói kẹo. Mẹ đứa bé vội kéo con lại, nhìn thẳng mặt anh: "Sao con lại chơi với nó. Thằng ấy nghiện đấy con ạ". Trong xóm, bất cứ nhà ai mất cái gì, Thánh luôn là đối tượng bị tình nghi đầu tiên.
"Tôi ra đường chỉ cúi đầu bước, không dám nhìn ai. Mẹ tôi vì xấu hổ nên cũng thế. Bố thì lúc nào cũng bảo: Mày cai được tao sẽ bỏ theo mày", chàng trai dân tộc Thái nhớ lại.
Khi đã "ngấm" sự khổ sở vì lệ thuộc ma túy và hổ thẹn vì bị kỳ thị, Vì Văn Thánh cũng muốn cai nghiện. Đã hàng trăm lần anh tự xích mình để tìm cách cai nhưng chỉ được vài ngày lại ngựa quen đường cũ.
Như hàng trăm người nghiện ma túy ở Thanh Chăn, năm 2013, trong đợt truy quét của công an Điện Biên, anh bị đưa vào trung tâm cai nghiện. Một năm sau, bố chạy xe đón Thánh về nhà. Vừa đến cửa đã thấy trong người rạo rực. Thánh xòe tay xin bố tiền: "Cho tôi mấy chục mua rượu làm quà gửi cho mấy thằng bạn ở trung tâm". Bố không cho, anh lại năn nỉ mẹ. Thực ra, Thánh lấy tiền đó đi mua ma túy.
15 ngày liền, ngày nào cũng thấy con trai xin tiền, mẹ anh biết sự thật. "Mẹ không nói gì, nhưng mắt ầng ậc nước. Tôi cầm tiền xong là quay vội đi, không dám nhìn", anh day dứt kể.
Ân hận, Thánh về nhà khóa trái cửa, tự xích mình để cai nghiện. Đứa cháu ruột bốn tuổi thấy vậy mang kẹo đến, đặt vào lòng bàn tay Thánh bảo: "Bác ơi, cố lên". "Tôi nhận ra, khi cả xã hội quay lưng với mình, chỉ có gia đình luôn bên cạnh", anh ngộ ra. Lần này quyết tâm là vậy nhưng anh cũng chỉ cố được 10 ngày rồi tháo xích, quay lại với ma túy. Anh tiếp tục sống trong dằn vặt giữa ham muốn và nỗi ăn năn.
Năm 2017, một người anh họ của Thánh từ Hà Nội về, khuyên anh xuống cơ sở tại huyện Phúc Thọ cai nghiện. Chưa từng đi đâu khỏi Điện Biên, Thánh lo sợ. Chị gái quát vào mặt anh: "Giờ chỉ có hai con đường, hoặc xuống cơ sở cai nghiện để tìm đường sống, hoặc sẽ ở lại đây và chết như hai cậu".
Người anh họ động viên, mở các clip quay cảnh học viên sinh hoạt để thuyết phục Thánh. Bỏ khỏi nhà hai ngày, đến ngày thứ ba, anh gọi cho chị gái: "Em nghĩ kỹ rồi, em muốn sống".
Ở cơ sở cai nghiện, Thánh gồng mình chiến đấu với cơn thèm thuốc và nỗi nhớ rượu. Biết không cố lúc này sẽ không còn cơ hội, anh vật vã đấu tranh. "Chưa ở đâu mọi người tốt với tôi đến vậy. Họ thức đêm xoa bóp, bấm huyệt để tôi đỡ đau nhức cơ thể. Họ động viên tôi, cùng tôi vượt qua những ngày khó khăn nhất", anh nói.
Theo quy định, sau 5 tháng chấp hành tốt quy định tại cơ sở cai nghiện, anh được về thăm nhà 5 ngày. "Cũng như những người khác từng cai nghiện, khi cậu ấy về, ở Hà Nội chúng tôi thấp thỏm chờ đợi. Dù Thánh có biểu hiện rất tốt, nhưng niềm tin tôi dành cho cậu ấy chỉ khoảng 50%", anh Bùi Ngọc Minh, quản lý cơ sở cai nghiện nói.
Về đến Thanh Chăn, bước vào nhà, bày ra trước mắt Thánh là cảnh hai cậu và bố đang ngồi chơi ma túy. Một ông cậu mời: "Làm vài hơi chứ". Thánh lắc đầu: "Con cai rồi, từ nay không chơi nữa". Cách nói chuyện lễ phép nhưng dứt khoát của đứa cháu phá phách khiến cả ba người kinh ngạc.
Sáng hôm sau, Thánh mượn xe chị gái ra ngoài. Để thử em, chị đếm tiền rồi nhét vào cốp xe. Buổi chiều anh trả xe nhưng không xê dịch. Năm ngày ở quê, anh chỉ ăn cơm cùng gia đình, thăm họ hàng rồi đi ngủ. Hết phép, Thánh trở lại Hà Nội. Lần đầu tiên được mẹ tự nguyện cho tiền, nhưng anh từ chối.
Những chuyến về quê sau, người trong bản đã biết Thánh không còn dùng ma túy. Cô hàng xóm thôi gọi anh là thằng mà khen "dạo này con đẹp trai, khỏe khoắn quá". Người phụ nữ từng kéo con đứng xa anh giờ đồng ý cho bé ngủ cùng chú Thánh. Bây giờ, mẹ anh hay kể chuyện với mọi người về con trai. Bà thích đi chợ, thích đi đây đó quanh bản - thay vì ra đường là lầm lũi cúi đầu như trước.
"Cả dòng họ thấy em tôi cai nghiện được ai cũng nể", chị Huấn, chị gái anh tự hào.
Hai người cậu ruột vốn chỉ nhìn thấy cháu là xích mích giờ ngồi nghe anh kể chuyện. Thánh kể với các cậu về những thay đổi của mình, khuyên theo mình làm lại cuộc đời. Sau lần sốc thuốc suýt mất mạng, hai tháng trước, một trong hai người cùng cháu xuống Hà Nội.
"Xuống đây hai tháng tôi tăng được 4 kg, ăn uống điều độ nên khỏe ra, đầu óc tỉnh táo hẳn. Nó trẻ hơn mình nhưng mình lại phải học nó", ông Thiên, 52 tuổi, cậu ruột nói và cho biết khi cai được ma túy sẽ động viên các cháu, các con đi cai.
Cách đây 5 ngày, Thánh về quê thăm gia đình. Bố anh vẫn chìm trong hơi men và ma túy. Lời hứa "mày bỏ được thì tao cũng sẽ bỏ" con trai nhắc lại, ông gạt đi. Thương bố tuổi cao sẽ phải chết mòn vì ma túy, anh giục ông và một người cậu nữa theo mình đi cai nghiện. Cậu đồng ý, nhưng bố thì không. Không thuyết phục được, bốn chị em Thánh hùa vào "lừa" ông với lời hứa đưa bố xuống Hà Nội tham quan, đi thăm họ hàng, nhưng thực chất là vào cơ sở cai nghiện.
Ông Nhụt đang trong quá trình cai nghiện rượu. Đầu óc không tỉnh táo nên ông thường xuyên chửi mắng con trai. Quản lý phải chuyển ông sang cơ sở mới, cách đó 12km để cha con tạm thời tránh mặt nhau. Hàng ngày, Thánh hỏi thăm sức khỏe của bố qua những người làm việc ở đấy. "Các anh nhắn với ông, khi nào khỏe, muốn đi đâu con cũng đưa đi", anh gửi lời.
Cai nghiện thành công nhưng Thánh vẫn chọn ở lại cơ sở. Hàng ngày anh đi chợ, nấu ăn cho khoảng 15 người, cả người cai nghiện và người hỗ trợ. Ban đêm, theo ca trực, anh thức xoa bóp, bấm huyệt, chăm sóc những học viên giống mình năm xưa.
"Tôi muốn cảm ơn những ân nghĩa mọi người dành cho mình", anh nói. Khi về quê, anh sẽ trồng rau, nuôi gà hoặc học một cái nghề rồi lấy vợ, sinh con.
"Tôi sẽ sống tử tế để không bao giờ phải cúi đầu khi ra đường nữa", anh nói.