Nam Trung bộ sắp tới đỉnh hạn

(PLO) - Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra gay gắt, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải tới khoảng tháng 4, tháng 5 mới là đỉnh điểm của hạn hán.
Chưa tới đỉnh hạn nhưng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp
Chưa tới đỉnh hạn nhưng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp

“Thoi thóp” chờ mưa

Hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 3/2015, toàn khu vực Nam Trung bộ đã có gần 23 nghìn hecta lúa phải dừng sản xuất và dự kiến sẽ có khoảng 47 nghìn hecta phải dừng sản xuất trong thời gian tới.

Tại khu vực Tây Nguyên cũng đã có 2.350ha đất lúa dừng sản xuất, 4.758ha chuyển đổi sang cây trồng cạn, có 8.403ha lúa, 40.137ha cà phê bị hạn, 2.290ha hồ tiêu bị thiếu nước, dự kiến đến giữa đỉnh hạn là tháng 4 sẽ có khoảng 170 nghìn hecta bị hạn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn đang làm thiệt hại khoảng 209 nghìn hecta lúa.

Trong số các giải pháp khắc phục, vừa qua Bộ NN&PTNT đã liên hệ với Trung Quốc và Lào đề nghị xả nước xuống sông Mê Kong. Theo đó, tới ngày 4/4 là nước từ Trung Quốc, sau đó là nước từ Lào sẽ về. Theo Bộ này thì trong tháng 4, chúng ta sẽ có một lượng nước nhất định từ nguồn này để giải quyết tình trạng khô hạn.

Trao đổi với PLVN hôm 30/3, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nói rằng không hy vọng quá nhiều vào nguồn nước này. “Vì nước chảy qua quãng đường hàng trăm kilômét mới tới được Việt Nam nên nếu nước đạt lưu lượng 3.000m3/giây may ra mới giải quyết được một phần của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục hiện nay.

Tổng cục Thủy lợi và cục Trồng trọt đã họp bàn rất quyết liệt với các tỉnh làm sao để tích trữ vào ao, hồ, kênh rạch, chum vại… một cách tối đa nguồn nước ít nhưng rất quý giá này”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, nếu với lưu lượng nước như vậy từ đầu tháng 4/2016, một số vùng sẽ có nước. Theo tính toán, khu vực được hưởng nguồn nước này chủ yếu nằm ở phía bờ Đông khu vực sông Cửu Long như Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… Còn khu vực bờ Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu thì không được hưởng gì, hạn nặng nhất vẫn là tỉnh Kiên Giang.

“Và như vậy, những tỉnh thuộc bờ Đông sắp tới hạn, mặn sẽ giảm đi một phần, còn những tỉnh bờ Tây hạn hán, xâm nhập mặn vẫn diễn ra hết sức căng thẳng. Phải đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 được dự báo có mưa rất lớn, lúc đó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng hạn, mặn của cả khu vực, nhất là khu vực các tỉnh bờ Tây sông Cửu Long”, Cục trưởng Trung nhấn mạnh.

Hãy là người nông dân thông thái!

Cục Trồng trọt cũng đã đưa ra quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016. Sau khi Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn, trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ có quy hoạch, bố trí những cây trồng phù hợp. Nước biển dâng tới đâu, xâm nhập mặn tới đâu sẽ có những kịch bản đến đó.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, lúa vẫn là cây trồng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy trọng tâm vẫn phải tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao hơn. Với các loại cây dài ngày cũng phải tìm những loại cây trồng phù hợp hơn.

Đối với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được sẽ quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm với một vụ lúa… Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật để hạn chế hạn mặn xâm nhập đối với cây trồng như: ủ gốc giữ ẩm, cắt tỉa cành để khỏi thoát hơi nước…

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ Hè Thu và vụ Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa Hè Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long” - ông Trung nói.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo người dân không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa đang khan hiếm. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, bị xâm nhập mặn kiên quyết không gieo sạ, bắt buộc phải chờ mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có; và phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn tốt; sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa...) đồng thời điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. 

Người dân bất chấp khuyến cáo, xuống giống ào ào

“Một số tỉnh phía Nam, việc phối hợp trong chống hạn, mặn chưa được tốt. Để cảnh báo thiệt hại cho bà con, chúng tôi đã in mấy vạn bản tờ gấp để phát cho từng hộ nông dân, trong đó nhấn mạnh không được sạ giống trong vụ Xuân Hè này nhưng nhiều nơi bà con vẫn xuống giống ào ào gây thiệt hại lớn. Để xảy ra như vậy là do cán bộ khuyến nông, cán bộ xã, ấp không sát dân và còn chủ quan trong việc chống hạn”, Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung.

Đọc thêm