Nan giải bài toán chính sách hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp

(PLVN) - Dẫu biết, đầu tư vào ứng dụng du lịch là một mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá hết rủi ro. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn e ngại lĩnh vực này bởi thiếu thốn nhiều thứ, thiếu công nghệ, thiếu nhân sự, thiếu vốn,… đến thiếu cả chính sách.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hạn chế ứng dụng công nghệ số

Dù Nhà nước ta đã có định hướng từ lâu về việc đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, như trong Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 do Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 4/5/2017.

Theo đó, trong các diễn đàn, hội thảo các cơ quan chức năng đều xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với cả ba nhóm đối tượng chính là người quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phía chịu rủi ro nhất vẫn là các nhà kinh doanh. Không những rủi ro về công nghệ, vốn mà còn cả những rủi ro pháp lý do thiếu những chính sách bảo vệ.

Chẳng hạn như hàng loạt thương hiệu du lịch uy tín của Việt Nam đã bị mất tên miền “.com” như Sài Gòn Tourist (mất tên miền Saigontourist.com), Hà Nội Tourist (mất tên miền Hanoitourist.com), Vitour (mất tên miền Vitours.com), Du lịch Chợ Lớn (mất tên miền Cholontourist.com) v.v...

Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế để giải quyết, phục hồi cho những doanh nghiệp này. Điều này phần nào cho thấy, mảnh đất trực tuyến “màu mỡ” thật nhưng một khi đã không thể chạy đua về công nghệ thì mất mát có thể đưa mọi cố gắng của doanh nghiệp về con số 0. 

Mặt khác, có thể khẳng định 100% các doanh nghiệp du lịch đều quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Mặc dù vậy, đại đa số mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đó chính là bởi rào cản về vốn. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, ngoài hệ thống khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp, thương hiệu quốc tế và các hãng hàng không ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh khá thành công thì hầu hết các đối tượng khác liên quan đến hoạt động du lịch như: Doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển đều còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ số. 

Phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài

Cụ thể, các hãng du lịch quốc tế như Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Viet Media Travel, Vietnamtourism…  có thể nhanh chóng đổi sang phương thức tiếp thị và bán hàng thông qua các ứng dụng như đặt tour/đặt phòng qua app, quản lý hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng bằng hệ thống CRM, thanh toán trực tuyến… 

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp du lịch vẫn lựa chọn vận hành theo hình thức cũ, tức đơn thuần giới thiệu sản phẩm, đề nghị khách hàng đăng ký và công ty sẽ bố trí người tư vấn và thông báo chi tiết. Về cơ bản, những công ty này lo ngại việc chuyển dịch sang nền tảng công nghệ sẽ rườm rà, lại tốn kém về nguồn lực tài chính, về đào tạo nhân lực.

Mặt khác, sự chậm chạp trong quyết định và hành động cũng đến từ mức độ nhận thức về công nghệ vẫn chưa cao của một bộ phận không nhỏ trong ngành Du lịch. Tuy nhiên, tâm lý này hoàn toàn dễ hiểu khi chưa hề có những chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của họ. Nếu việc kinh doanh đã ổn định thì sự thay đổi càng ít được lựa chọn, bởi bản thân họ phải tự chịu toàn bộ rủi ro. 

Mặt khác, đối với các điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển khác (ngoài hàng không), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo Euromonitor International, tỉ lệ ứng dụng thương mại điện tử tại các điểm tham quan tại Việt Nam là hầu như chưa có.

Ứng dụng du lịch TripU là cái “bắt tay” của một startup công nghệ và một công ty du lịch truyền thống.
 Ứng dụng du lịch TripU là cái “bắt tay” của một startup công nghệ và một công ty du lịch truyền thống.

Tỉ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch (thuyền, tàu hỏa, xe khách...) tại Việt Nam (trong giai đoạn 2012-2016) chỉ đạt mức 2-3% và dự đoán mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2022 ở mức 5%. Điều này là một trong những cân nhắc quan trọng khi xây dựng các ứng dụng công nghệ về du lịch liên quan tới xây dựng lịch trình và trải nghiệm.

Ví dụ, ứng dụng TripU có rất nhiều tính năng tích hợp trong một ứng dụng điện thoại, nhưng mới giải quyết được bài toán về phía người dùng ứng dụng hay là du khách. Nếu phía cung cấp dịch vụ không tham gia vào hệ sinh thái này, hoặc không thông thạo trong việc áp dụng công nghệ thông tin nói chung thì công dụng của TripU cũng chỉ như một “cuốn từ điển điện tử”, chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.

Nói tóm lại, tính chất của công ty công nghệ ở những giai đoạn sơ khai đều tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về vốn, con người và thời gian, rủi ro về công nghệ rất lớn nhưng lại thiếu hụt những chính sách cụ thể để hỗ trợ. Do đó, một hệ quả là rất nhiều những start-up công nghệ có ý tưởng hay, vận hành tốt đang dần bị “nuốt chửng” bởi các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy vậy, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động trên phạm vi rất rộng như hiện nay, ngành Du lịch vừa được hưởng lợi, đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực lớn bởi sự cạnh tranh toàn cầu.

Điều này đòi hỏi tất cả các thành phần trong ngành Du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm - dịch vụ du lịch phải nhận thức đúng và hành động kịp thời, để quá trình chuyển đổi số càng sớm càng tốt nếu không muốn chậm chân so với các nước trong khu vực.