Nan giải "bài toán" trùng tu di tích

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trùng tu, tôn tạo di tích như thế nào mới là đúng, là hài hòa, là không can thiệp thô bạo? Câu hỏi vẫn khiến rất nhiều người phải trăn trở, suy tư, để rồi cứ trở đi trở lại sau mỗi cuộc trùng tu ồn ào dư luận.
Đình Chu Quyến- công trình được giải thưởng Lớn về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA).
Đình Chu Quyến- công trình được giải thưởng Lớn về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA).

Lời tòa soạn: Theo thống kê, tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích cấp tỉnh.

Trước thời gian, không có gì là bất biến, vĩnh hằng, việc trùng tu – tôn tạo di tích là điều tất yếu. Tuy nhiên, câu hỏi trùng tu như thế nào? Tưởng là vấn đề đã “nói dài, nói mãi” nhưng xem ra vẫn chưa thực sự rõ ràng. Luật định đã đành nhưng áp dụng như thế nào vào quá trình trùng tu hàng trăm, hàng ngàn di tích với những “lệ làng”, những tư duy “thói quen”, những bất cập trong phân bổ nguồn kinh phí, hài hòa giữ quá khứ và hiện tại… vẫn là vấn đề chưa có hồi kết.

Chuyên đề về trùng tu di tích trong số báo này ngoài nêu lên một số thực trạng của hoạt động trùng tu thời gian qua, chủ yếu nhằm giúp bạn đọc quy chiếu tới những quy định pháp lý liên quan.

Tâm lý “muốn hoành tráng”

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức cách đây hơn một năm. Tại đây, TS Lê Thị Minh Lý, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã đề cập đến hiện tượng “háo danh” trong vinh danh di sản.

“Đau lòng khi phải nói như vậy, nhưng đó là sự thật. Nhiều nơi, nhiều địa phương “sính danh” nhưng thậm chí không biết trách nhiệm của mình sau khi di sản được vinh danh như thế nào”, bà Lý nói.

Đề cập một số khuynh hướng ứng xử trong quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Từ Thị Loan lưu ý, bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy giá trị. Trái lại cũng cần tránh“khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm cho di sản “to đẹp” hơn, “hiện đại” hơn, nổi tiếng hơn để hút khách. Các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, “nâng cấp di sản”.

Trả lời báo chí, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cũng cho rằng việc trùng tu như phá rất đáng lo. “Dù luật có quy định rõ thì nhiều khi trùng tu vẫn không làm dự án chuẩn, không quản lý dự án tốt. Chưa kể, còn có tâm lý muốn hoành tráng mà không hiểu rõ di sản”, ông Bài nói.

Liên tiếp nhiều vụ trùng tu tôn tạo bất ổn khiến GS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích trong một hội thảo về xu hướng tôn tạo, xây mới di tích gọi đó là “trùng tu văng mạng, tôn tạo quá tay”, hoàn toàn sai lạc tinh thần so với di tích gốc.

Bức xúc trước thực trạng một số di tích sau khi trùng tu, tôn tạo đã được khoác chiếc áo mới, vì “nể” người cúng tiến mà quên giá trị của di tích, PGS-TS Trần Lâm Biền- một chuyên gia trong giới nghiên cứu di sản văn hóa từng gay gắt nói: “Anh có thể cúng đâu cũng được, nhưng di sản văn hoá ấy mất đi là mất đi chứng tích về bước phát triển của dân tộc. Giá trị của di tích cực kì quan trọng. Phá hoại nó là bôi nhoè lịch sử. Muốn bước vào tương lai một cách vững chắc thì bắt buộc phải ngoái nhìn quá khứ”.

Theo PGS Trần Lâm Biền, “Nhiều người tưởng tu bổ di tích là làm lại ngôi nhà, làm lại kiến trúc để cho thần thánh ở. Nhưng điều đó không phải, cái sửa chữa ấy quan trọng hơn là cho thần linh, cái sữa chữa ấy phải giữ bằng được các dấu tích văn hóa của người xưa, nghĩa là giữ lại được bản sắc dân tộc.

Những mảng chạm khắc trong di tích là tiếng nói, là vấn đề của lịch sử, là vấn đề của xã hội, là cái tâm hồn của người Việt được gửi gắm ở trong đó, chứ không phải nó chỉ mang tính chất làm đẹp cho di tích và lấy việc thờ cúng làm chính. Nếu không hiểu được, người ta sẽ làm hỏng đi”.

Cần có một quy trình nghiêm ngặt

Một trong những dự án trùng tu di tích được đánh giá thành công là Đình Chu Quyến (hay còn gọi là đình Chàng) thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Công việc trùng tuđược tiến hành trong ba năm. Đặc biệt sau khi hoàn thành, dự án tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến đã được Hiệp hội kiến trúc sư quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Dự án do KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích là chủ nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên, một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế.Những kinh nghiệm từ quá trình trùng tu đình Chu Quyến là bài học lớn trong việc trùng tu các di sản kiến trúc của Việt Nam.

Chia sẻ về dự án, KTS Lê Thành Vinh cho biết: “Để công việc trùng tu di tích thành công như trường hợp đình Chu Quyến trong thời buổi đang thiếu trầm trọng những người trùng tu di tích chuyên nghiệp, khoa học và đúng cách như hiện nay không thể vội vàng được mà phải hết sức thận trọng, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt thì mới có thể thành công”.

Có mặt tại lễ khánh thành dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Chu Quyến, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết, bất kể một di tích văn hóa nào được trùng tu sẽ không bao giờ đạt được kết quả tốt đẹp, hoàn mĩ giữ nguyên vẹn 100% các giá trị mà cha ông để lại. Đạt được 70% là quý. Nhưng việc trùng tu đình Chu Quyến đạt được hơn 70%.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khẳng định, qua việc hiển hiện đình Chu Quyến hiện nay-tức sau khi đã được trùng tu, mới thấy rằng những người thực hiện công tác trùng tu đình Chu Quyến đã không chỉ làm lại bằng được ý nghĩa của đình mà còn làm toát lên được mối quan hệ giữa đình với môi trường, con người sống xung quanh. Tìm lại cho đình Chu Quyến những giá trị lịch sử và dấu ấn của nó trong toàn thể không gian giữa di tích và con người.

“Người ta vẫn lầm tưởng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội có hàm chứa các mặt mâu thuẫn. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ bảo tồn di sản văn hóa như thế nào, bằng phương tiện nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế - xã hội đưa lại. Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành di sản văn hóa”.

PGS Đặng Văn Bài lưu ý, di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới: Không chỉ bảo tồn một cách bất biến các giá trị của di sản mà phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn để các giá trị nhân văn trong di sản trở thành “một bộ phận hiện đại” của xã hội mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

(Trích ý kiến tại Hội thảo Khoa học “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội”, tháng 12/2020)

Đọc thêm