Nạn lừa đảo trong du lịch tái bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù hiện tại hoạt động du lịch gần như “đóng băng” ở một số địa phương do dịch tái bùng phát nhưng tình trạng“chặt chém” du khách, lừa khách mua tour “giảm giá” hay tour “siêu rẻ” lại có dấu hiệu tăng.
Nạn lừa đảo trong du lịch tái bùng phát.
Nạn lừa đảo trong du lịch tái bùng phát. 

“Chặt chém”, tour “dỏm” 

Mới đây, đội Thanh tra cơ động Hà Nội đã phát hiện và lập biên bản đối với các hành vi “chặt chém” khách du lịch của một tài xế với tổng số tiền phạt là 9 triệu đồng. Theo đó, ngay sau khi nhận được phản ánh của du khách người Đức trên ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” về việc một tài xế taxi có hành vi “chặt chém” du khách, Tổng cục Du lịch đã chuyển ngay thông tin đến Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội tiến hành điều tra và xử phạt hành chính hành vi vi phạm của tài xế này. 

Nhiều đối tượng lợi dụng chương trình kích cầu, liên kết các doanh nghiệp để rao bán các tour giảm giá, tuy nhiên đây đều là những chương trình không có thật. Khi khách đã thực hiện giao dịch, tiền trong thẻ bị trừ thì cũng ngay lập tức, những người chào bán tour cũng “lặn tăm”. Gần đây nhất, hàng chục khách hàng cho biết đã trở thành nạn nhân của Công ty H.Travel ở Q 4, TP HCM. Sau cuộc điện thoại tư vấn của nhân viên công ty này, các khách hàng bất ngờ bị trừ tiền trong thẻ tín dụng với khoản tiền 2,9 - 3,6 triệu đồng/người cho phí thẻ thành viên ưu đãi có tên Sienna. 

Hầu hết nội dung tư vấn đều không đúng sự thật, vẽ ra rất nhiều ưu đãi với mức giảm giá 50-70% nhưng sau khi có được thông tin thẻ của khách và trừ tiền thành công, tour du lịch này cũng theo đó “bốc hơi”. Thử kiểm tra với một số đối tác theo nhân viên tư vấn quảng cáo như khách sạn Majestic, khách sạn Tân Sơn Nhất hay các chuỗi nhà hàng..., tất cả đều xác nhận không có liên kết với H.Travel.

Theo những người làm trong ngành du lịch, hình thức lừa bán thẻ ưu đãi không mới nhưng qua thời gian, số nạn nhân vẫn cứ tăng dù có nhiều cảnh báo. Nhiều khách hàng cho biết sau khi bỏ tiền đăng ký làm thẻ thành viên, khi muốn sử dụng dịch vụ như đặt bàn ăn cho gia đình thì toàn bộ số hotline đều không liên lạc được. Ngoài hình thức lừa đảo bán thẻ thành viên, nhiều người còn được mời mua gói du lịch ưu đãi như được tặng 3 ngày 2 đêm ở một địa điểm do khách tự chọn, trị giá voucher lên đến hàng chục triệu đồng, đổi kỳ nghỉ linh hoạt... Tuy nhiên, trong khi nạn nhân chưa kịp ký gì đã bị trừ tiền trong thẻ.

Theo ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietlux, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua nhiều xu hướng du lịch mới lên ngôi, trong đó có xu hướng khách muốn đi du lịch tự túc hoặc chỉ mua combo Free & Easy để linh hoạt thời gian. Tuy nhiên, những đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng việc khách có nhu cầu đặt phòng cá nhân, bán dịch vụ thay cho bán tour trọn gói như các công ty du lịch... để trục lợi.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch TP HCM, sự tăng trưởng của lượng khách đi du lịch tự túc là một tất yếu nhưng khi hình thức du lịch này còn khá mới mẻ với du khách Việt Nam, các dịch vụ riêng lẻ cho chuỗi cung ứng này còn hạn chế, chưa minh bạch chất lượng..., rủi ro cho du khách tự túc rất lớn.

Cần thêm kênh giám sát

Trước tình hình đó, ngành du lịch trong nước đã có phương án ứng phó riêng nhằm ngăn chặn tệ nạn trong hoạt động du lịch – lữ hành. Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” là một trong những cách thức mà khách du lịch có thể trực tiếp phản ánh những hành vi xấu lên Tổng cục Du lịch. Qua đó, các cấp ngành liên quan sẽ nhận được báo cáo của người dùng và tiến hành xử phạt hành vi vi phạm. Bằng công nghệ này, khách du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra hoạt động trong du lịch của các đơn vị cá nhân, doanh nghiệp. 

Không những góp phần cải thiện môi trường du lịch, những ứng dụng này còn có chức năng thu thập thông tin và kiểm tra du lịch, giúp cơ quan chức năng giám sát yếu tố dịch tễ của người đi du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

Trên thực tế, những ứng dụng tương tự như vậy được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, tại Hawaii, Chính phủ Hoa Kỳ đã phát triển một ứng dụng có tên KHON2. Ứng dụng này có chức năng tương tự với “Du lịch Việt Nam an toàn”, bao gồm các hoạt động: yêu cầu tất cả mọi người đi du lịch đến Hawaii từ đất liền và từ Oahu đến các hòn đảo lân cận phải đăng ký trực tuyến và cho phép nhiều cơ quan tiểu bang và quận truy cập thông tin, đẩy nhanh quá trình kiểm tra du lịch, thu thập thông tin du lịch và sức khỏe quan trọng, giúp tiểu bang và các quận giám sát những người trong diện kiểm dịch, giải quyết các vi phạm và bảo vệ công chúng trong thời gian thực. 

Về phía khách du lịch cũng cần có những kiểm chứng riêng trước khi lựa chọn mua tour. Du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tham khảo thị trường và cảnh giác trước những combo, tour giá rẻ bất thường vào dịp cao điểm.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch cũng cần tạo ra những kênh uy tín để tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của du khách, kịp thời xử lý những vấn nạn còn tồn đọng và trả lại môi trường lành mạnh cho du lịch nước nhà.

Đọc thêm