Nạn “nghiện” điện thoại phá vỡ hạnh phúc gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều quốc gia châu Á đã ghi nhận tỉ lệ ly hôn tăng cao trong những năm gần đây, mà một trong những nguyên nhân lớn là nạn “nghiện” smartphone. Việt Nam cũng nằm trong số ấy.
Cha mẹ “nghiện” điện thoại sẽ không có thời gian gần gũi con cái. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ “nghiện” điện thoại sẽ không có thời gian gần gũi con cái. (Ảnh minh họa)

“Làn sóng” nghiện điện thoại di động

Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc là 3,1/1.000, nghĩa là trong 1.000 trường hợp kết hôn thì có hơn 3 trường hợp ly hôn. Một số chuyên gia tư vấn hôn nhân khẳng định nghiện điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các vụ ly hôn ở Trung Quốc, theo SCMP.

Còn tại Hàn Quốc, theo thống kê, năm 2020 có 214.000 cặp vợ chồng kết hôn thì có 107.000 cặp vợ chồng đã chia tay và đi theo con đường riêng. Theo kết quả điều tra xã hội, những nguyên nhân lớn dẫn đến tỉ lệ ly hôn cao tại Hàn Quốc trong những năm gần đây gồm có nguyên nhân do COVID-19 gây khủng hoảng các mối quan hệ, nguyên nhân do bạo hành và tình trạng “nghiện” mạng xã hội của các thành viên trong gia đình.

Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu thị trường Pew (Mỹ) gần đây cho thấy có tới 94% số người trưởng thành tại Hàn Quốc sử dụng điện thoại thông minh và quốc gia này đã trở thành nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh.

Cuộc điều tra được thực hiện với hơn 40.000 người tại 37 quốc gia, cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc trưởng thành thì 9 người sử dụng Internet và sở hữu một điện thoại thông minh.

Tại Việt Nam, thống kê năm 2021 cho thấy, có hơn 61 triệu smart phone được tiêu thụ và Việt Nam lọt top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới. Điều đáng lưu ý không chỉ nằm ở con số người Việt sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại thông minh tăng đều qua mỗi năm mà còn nằm ở thói quen dùng smartphone của người Việt.

Tính đến tháng 12/2020, dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương 73% dân số. Facebook và Youtube là hai ứng dụng mà người dùng dành nhiều thời gian nhất với lần lượt chiếm 25% và 12% thời gian khi sử dụng trên điện thoại di động. Là một ứng dụng chat phổ biến, Zalo chiếm gần 10% lượng thời gian của người dùng smartphone. Cạnh đó, sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch với 16 triệu lượt tải trong năm 2020 và gấp nhiều lần trong những năm gần đây.

Không có thống kê cụ thể cho thấy mối liên quan giữa tỉ lệ dùng smart phone và tỉ lệ ly hôn trong các gia đình Việt, nhưng thực tế cho thấy, quả thực việc lạm dụng sử dụng smartphone trong đời sống hằng ngày đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự êm ấm, bền vững của các gia đình.

Thói quen xấu hủy hoại hôn nhân

Mới đây, trên một group về hôn nhân - gia đình đã có một khảo sát về đề tài “thói quen xấu trong gia đình”. Kết quả của khảo sát với hàng trăm người tham gia cho thấy, thói quen xấu phổ biến trong các gia đình Việt là “nghiện smartphone”. Ở rất nhiều gia đình, những cặp vợ chồng đã mất kết nối với nhau vì thói quen sử dụng smartphone thay vì tâm sự, chia sẻ, cùng nhau làm những hoạt động chung trong gia đình.

Có không ít cặp vợ chồng suốt hàng tuần, hàng tháng không có những buổi nói chuyện thực sự vì cả ngày đi làm, khi về lo chuyện ăn uống, con cái và đến khi thong thả thì mỗi người... ôm một chiếc smartphone lên giường ngủ để chìm vào thế giới riêng của mình.

Một hình ảnh quen thuộc dễ dàng bắt gặp trong đời sống hàng ngày là những đôi vợ chồng, có cả con cái cùng nhau đi ăn, nhưng không trò chuyện cùng nhau mà mỗi người vừa ăn vừa ôm... điện thoại. Đó cũng là hình ảnh thường thấy tại những nơi công cộng, công viên, nhà chờ xe, khu vui chơi trẻ em...

Một trong những “nỗi khổ” của những người vợ là thói quen ôm điện thoại chơi game của các ông chồng. Thói nghiện game khiến nhiều ông chồng trở thành “đứa trẻ to đầu” ngay trong chính tổ ấm của mình: quên chăm chút gia đình, không sát sao với con cái, mất đi thói quen trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với bạn đời.

Trên nhiều hội, nhóm chuyên tâm sự chia sẻ chuyện hôn nhân gia đình, một trong những phàn nàn thường gặp từ phía cánh phụ nữ chính là việc chồng nghiện game, ôm điện thoại liên tục. Lâu dần, người chồng từ từ biến mình thành “người thừa” trong gia đình. Mối quan hệ vợ chồng trở nên nhạt nhẽo, thiếu gắn kết. Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ cũng từ đó mà ra.

Chưa kể đến, thói quen xấu của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến con cái, để rồi từ trong những gia đình như thế, những đứa trẻ nghiện smartphone bước ra cuộc đời với hành trang là một mái ấm không êm ấm.

Chỉ một vài thói quen xấu, từ chiếc điện thoại nhỏ bé, vật liên lạc, giải trí dường như “vô hại” lại rất có khả năng làm tan vỡ hạnh phúc, hủy hoại gia đình. Nhưng lỗi lầm đâu nằm ở những chiếc điện thoại ấy. Lỗi là ở những “người lớn” đã buông mình vào thói quen xấu, để cho những thói quen ấy dẫn dắt, quên đi trách nhiệm, tình yêu thương, tự tay làm đổ vỡ mái ấm của chính mình.

Đọc thêm