Tái diễn trộm hoa
Mới đây, tại TP Vũng Tàu, hàng chục cây hoa giấy đẹp đang nở rộ bỗng chốc bị cưa trộm. Những ngày đầu mùa nắng này, cây hoa giấy ra hoa rực rỡ, đỏ rực những góc đường thành phố chính là địa điểm check in yêu thích của du khách khi đến Vũng Tàu. Nhưng hàng loạt cây ở nhiều địa điểm như chùa, homestay đều bị cưa trộm sát gốc.
Nhưng sự việc trên chưa nghiêm trọng bằng việc xảy ra tại Quy Nhơn giữa năm 2020. Hơn 300 cây hoa giấy dọc tuyến QL19 đoạn qua cảng Quy Nhơn cũng bị trộm mất. Cả một tuyến đường dài vốn rực rỡ cây hoa trở nên trống trơn. Công sức người trồng hoa cũng mất trắng.
Tại Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, nạn trộm hoa đã diễn ra từ nhiều năm nay và bùng phát mạnh mẽ nhất vào thời điểm cuối năm 2020. Đây chính là thời điểm thu hoạch của các nhà vườn chuyên trồng hoa cắt cành nhưng nhiều nhà vườn chuyên trồng các loại hoa như hồng, cúc vàng, ly… đã bị kẻ gian vào cắt trộm hàng ngàn cây.
Ngoài ra còn có tình trạng “cướp” hoa, “ăn cắp vặt” hoa diễn ra khắp nơi. Cứ đến ngày hội hoa xuân, tổ chức đường hoa ở các thành phố lớn lại có một số người đến trộm, cướp những chậu hoa tươi đem về… chưng ở nhà. Dù việc này đã bị lên án rất nhiều nhưng năm nào cũng tái diễn.
Đặc biệt, đối với những cây hoa trồng nơi công cộng như công viên, dọc các tuyến đường…, hễ nở hoa đẹp, có chút giá trị kinh tế là dễ bị bứng trộm về trồng. Còn những cây hoa, cây cảnh người dân trồng trước nhà cho đẹp thì thường xuyên chịu cảnh có người đi xe máy, đánh xe hơi đến lấy trộm.
Không ít lần, những clip cắt từ camere an ninh cho thấy hình ảnh những người đi đường ăn mặc sang trọng, đi trên những chiếc xe máy, xe ô tô đắt tiền, dừng lại dáo dác nhìn ngó chung quanh rồi nhanh tay nhổ cây ven đường, khiêng chậu cây trước nhà người khác nhanh chóng dời đi.
Cần nghiêm trị
Dịp Tết 2021 vừa qua, nhiều người trồng hoa, chơi hoa kiểng bức xúc lên tiếng về việc mình bị mất hàng trăm chậu hoa do người dân đánh xe ô tô đến trộm cắp. Sau khi đoạn clip về chiếc ô tô ăn trộm hoa được tung lên mạng và báo cho cơ quan công an, kẻ trộm hoa đã sa lưới pháp luật.
Thực tế, nhiều năm nay, bên cạnh “cát tặc”, “lâm tặc”, “hoa tặc” cũng trở thành một khái niệm mới được nhiều người nhắc đến và gây bức xúc trong xã hội. Những kẻ trộm hoa có nhiều mục đích. Có người có nhà vườn, trộm của người khác về tự ươm trong vườn của mình rồi đem buôn bán kiếm lời. Có người cũng là dân buôn bán hoa, trộm về đem bán thu lợi. Không ít người chỉ muốn chơi hoa, chưng hoa nên trộm cắp cây của người khác đem về làm đẹp cho ngôi nhà mình.
Theo nhiều người dân, trộm hoa có thể là một câu chuyện nhỏ nhưng nếu không nghiêm trị sẽ trở thành vấn nạn, trở thành thói quen xấu trong đời sống. Về mặt luật pháp, một luật sư cho rằng hành vi trộm hoa nếu đủ số tiền thiệt hại theo luật định cũng sẽ phải chịu tội danh “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, với hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, tùy theo mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng cho đến 20 năm tù và số tiền phạt cao nhất là 50 triệu đồng.