Ưu tiên đào tạo cho bộ đội xuất ngũ
Theo lộ trình hoạt động của các trường nghề Quân đội tại Hội nghị Định hướng hoạt động các trường nghề Quân đội do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, các trường nghề Quân đội tiếp tục thực hiện đào tạo nghề trình độ sơ cấp hết quý IV năm 2019, đào tạo các khóa học cao đẳng, trung cấp tuyển sinh, tạo nguồn phí để trả lương cho cán bộ, nhân viên và các hoạt động khác của nhà trường.
Năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ giải thể một số trường trung cấp nghề chất lượng thấp và giao cho Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Cục Nhà trường xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo nghề.
Thời gian qua, các trường nghề trong Quân đội đã làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách xã hội, góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hậu phương quân đội.
Tại Hội nghị, đại diện hai Bộ cũng thống nhất về chủ trương: Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận một số trường cao đẳng nghề Quân đội nằm trong chiến lược “Xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao” và các trang thiết bị dạy nghề trên quan điểm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên, người lao động.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Ngoài việc tiếp nhận các trường, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đặc biệt ưu tiên đào tạo cho bộ đội xuất ngũ và ưu tiên đối tượng này tham gia các chương trình hợp tác lao động quốc tế”.
Đến nay, các trường nghề Quân đội đã thực hiện được 89%-92,5% tự chủ về tài chính trên tổng chi phí hoạt động. Tuy nhiên, một số trường khả năng đào tạo nghề hiệu quả thấp, số lượng học viên ít. Trên cùng địa bàn, khu vực bố trí nhiều trường nghề. Thêm nữa, với thẻ học nghề, thanh niên xuất ngũ có thể học nghề ở bất cứ trung tâm tỉnh nào dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Những bất cập trong đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ
Theo thống kê của Cục Quân lực Bộ Quốc phòng, tuyển quân hàng năm, cả nước có hơn 10% thanh niên nhập ngũ trình độ từ trung học chuyên nghiệp (THCN) đến đại học. Điều đó có nghĩa còn gần 90% thanh niên nhập ngũ chưa được đào tạo chính quy từ bậc THCN trở lên.
Cũng theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hàng năm cả nước có hàng trăm ngàn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Với hiện trạng gần 90% chưa qua đào tạo nghề sẽ là khó khăn không nhỏ trên con đường tìm kiếm việc làm để có thu nhập ổn định đối với quân nhân sau khi xuất ngũ. Vì lẽ đó, từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ.
Theo đó, bộ đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được cấp “thẻ học nghề” trị giá tương đương 12 tháng tiền lương cơ sở ở thời điểm đào tạo nghề. Với tấm thẻ này, quân nhân xuất ngũ có thể đăng ký học ở tất cả trường nghề trong và ngoài quân đội.
Ở cấp tỉnh, các cơ sở dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được thanh toán trên cơ sở số thẻ học nghề từ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ do ngân sách đảm bảo thông qua Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Chính sách nhân văn này đã tạo cơ hội cho nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ có được một nghề cơ bản để mưu sinh.
Tuy nhiên, ngày 9/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó bổ sung đối tượng được hỗ trợ học nghề gồm thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề.
Đáng nói là nguồn kinh phí thực hiện chính sách này chỉ được quy định chung chung “theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước” và Nghị định số 61. Vì vậy, các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh cho bộ đội xuất ngũ theo hình thức thu học phí trực tiếp với mức thu 100% hoặc 50%.
Cơ sở đào tạo sẽ giữ thẻ học nghề và quyết định xuất ngũ nếu học viên chưa đóng đủ học phí cho tới khi có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương về việc thanh toán kinh phí đào tạo nghề.
Trước phản ánh của các Sở LĐ-TB&XH, ngày 28/12/2016, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61.
Theo đó, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn được hỗ trợ đào tạo nghề.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề qua thẻ cho thanh niên lại chỉ quy định chung chung là “do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo” nên không có cơ sở để thanh toán. Các cơ sở đào tạo nghề bị nợ tiền học phí, không có khả năng tự trang trải, dẫn tới tình trạng thanh niên xuất ngũ vẫn phải tự đóng tiền học nghề cho dù sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an họ vẫn được cấp thẻ học nghề.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, cần có lộ trình, chính sách cụ thể và sự hợp tác toàn diện giữa các cơ quan chức năng.