Nắng Hà Nội nhớ tuyết Sa Pa

(PLO) - Cái nắng đầu hè của Hà Nội đang phủ vàng khắp các con đường, lối phố. Nhìn lên vòm cây, là nắng, cái nắng soi nheo nheo con mắt, và tôi thì thoáng nhớ cái ánh nắng hiếm hoi giữa một buổi trưa của năm trước, buổi trưa trắng xoá tuyết, le lói giữa lá thông kim một tia ấm của mặt trời. Đó là một ngày Sa Pa ngập tuyết.
Con đèo trắng xoá trong mưa tuyết
Con đèo trắng xoá trong mưa tuyết

1. Bụi, khói và tiếng còi xe ồn ã, không khí như đặc lại, ngột ngạt và bí bách. Tôi ngồi giữa quán cà phê ngã tư góc phố, cơ man là người, người dừng đèn đỏ bịt kín bít bùng, người đi đèn xanh hối hả, tiếng pô xe hậm hực vang rền. Gió nhẹ đưa qua, đám lá vàng rơi lả tả cũng không khuấy cái thứ không khí này trở lại trong trẻo, mát lành.

Nhìn lên vòm cây, là nắng, cái nắng của một thành phố xanh đang dần bê tông hoá, nắng soi nheo nheo con mắt và tôi thì thoáng nhớ cái ánh nắng hiếm hoi giữa một buổi trưa của năm trước, buổi trưa trắng xoá tuyết, le lói giữa lá thông kim một tia ấm của mặt trời. Đó là một ngày Sa Pa ngập tuyết.

Cái chuyện Sa Pa có tuyết, với người Hà Nội mình 5 năm nay cũng không còn là lạ. Thế nhưng khi loáng thoáng thấy bản tin thời tiết báo không khí lạnh tràn về là đoàn người miền đồng bằng, trung du lại nườm nượp lên với Sa Pa chầu trực tuyết.

Xứ lạnh này cách mặt nước biển gần 2000m, xưa kia là địa điểm mà người Pháp đã từng chọn làm nơi nghỉ dưỡng, vốn là bản Sa Pả theo tiếng bản địa, nhưng người phương Tây phát âm thành Sa Pa mãi rồi cũng thành tên. Như bao khu nghỉ dưỡng khác mà người Pháp lựa chọn để xây dựng, ai đã từng ghé Tam Đảo, Đà Lạt, Ba Vì đều sẽ thấy điểm thân quen của Sa Pa.

Những kiến trúc Pháp đan cài giữa rừng thông ngun ngút, những biệt thự, nhà thờ với đường nét cổ kính, cầu kỳ. Duy Sa Pa có sự khác biệt đặc trưng, vì là một thị trấn đậm chất Pháp đặt giữa một bản làng người Mông, người Dao đầy màu sắc.

Khách du lịch đổ lên Sapa háo hức mong đợi tuyết
Khách du lịch đổ lên Sapa háo hức mong đợi tuyết

2. Ở nơi đây, người ta thấy sự giao hoà thú vị của những nền văn minh. Văn mình trời Tây, văn minh cổ truyền và cả nền văn minh đang dần hội nhập. Nhà xây hàng nối hàng san sát, những khu nghỉ dưỡng liền kề, những cửa hàng, shop thời trang, quan Bar, cà phê xen kẽ đỏ đèn cho đến tận sáng hôm sau. Trên phố là những du khách nối gót nhau, chỉ trỏ, những lữ khách từ du lịch bụi đến những chiếc xe tour chạy song hành và thấp thoáng, lô nhô giữa phố phường náo nhiệt ấy lại có những chiếc váy Mông lúc lắc.

Đồng bào dân tộc Mông với váy hoa xoè rực rỡ, đồng bào dân tộc Dao với khăn vấn đầu đỏ tía như mào gà, ánh bạc lấp lánh đầy tay, trẻ con lũn cũn áo ngắn, áo dài, đứa lớn cầm trên tay những vòng bạc bán làm đồ lưu niệm, đứa bé ngủ lịm ngon lành trong cái địu bám chặt sau lưng. Tất cả hoà với nhau khiến Sa Pa đặc trưng như một bức tranh vẽ bằng hàng trăm chất liệu màu sống động.

Đó là Sa Pa những ngày trong văn vắt, với những cơn mưa thoắt đến thoắt đi. Còn đây, là Sa Pa có tuyết, tuyết trắng ngập lối đi trải đá và tuyết trắng ngút chân trời, tuyết phủ kín lá thông và thổi cho băng đóng tràn trên cửa kính. Tuyết phủ nhấp nhô những mái nhà lợp ngói, lợp prôximăng, nhỏ giọt khe khẽ, đóng thành dải nhũ băng trong vắt dưới ống thoát nước mỗi căn nhà.

Sa Pa những ngày này đẹp tựa một thị trấn nhỏ nơi phương trời châu Âu như ta vẫn thấy trong những bộ phim Tây lãng mạn, có công chúa tóc vàng và hoàng tử uy nghi áo choàng đỏ trên con bạch mã.

Nhà thờ cổ cô đơn giữa hàng cây xơ xác, phủ trắng tuyết, nơi nơi ngập trong màu tuyết trắng. Sân vận động, ngày nắng đẹp, tập trung bao nhiêu hàng quán sặc sỡ áo khăn của các chị em dân tộc Mông là thế, mà khi tuyết trắng ngập đầy chỉ có bóng dáng khách du lịch thích thú bước những bước nhỏ trên nền bông xôm xốp. Giữa hai đường đi dọc thị trấn, ngày thường là vườn hoa, với hàng nối hàng đào đến mận, những tảng đá sắp đặt nghệ thuật, rồi phù điêu, tượng tạc, nhưng trong tuyết, cỏ cũng như cây, đá cũng như hoa, ánh đều lên với nhau cái thứ mà trắng mát lịm cả tâm hồn. Tất cả phủ trắng, duy chỉ có mặt hồ là còn đang gợn sóng.

Dường như thời tiết khắc nghiệt có thể chinh phục cỏ cây, nhưng với mặt hồ xanh trong giữa lòng thành phố này, hàng ngàn bông hoa tuyết rơi nhanh cũng chỉ làm mặt hồ trong thêm trong và sóng vờn lá liễu thêm dềnh dàng, lênh láng.

3. Tuyết xứ mình khác với trời Tây. Tuyết Sa Pa phủ mỏng, ẩm ướt và bết như tuyết đá đông trong tủ lạnh, người tuyết đắp bằng tuyết Sa Pa cũng ươn ướt, bóng tuyết Sa Pa ném vào người cũng âm ẩm, tê tê. Tuyết Sa Pa gói gọn trong lòng bàn tay một lúc là chảy mềm như đá bào trong cốc chè thập cẩm.

Những đoàn khách đến Sa Pa dịp này có khi còn đông hơn ngày hè oi bức. Có lẽ người ta không sợ lạnh bằng sợ nóng. Nóng như Hà Nội hôm nay, người ta cũng chẳng trốn để lên Sa Pa mà chỉ cần chui vào nhà, bật máy lạnh vi vu, tay vuốt vuốt màn hình cảm ứng mà ngao du khắp các chân trời góc bể. Nhưng lạnh như Hà Nội năm vừa rồi, tức là đã lạnh lắm rồi, vậy mà người ta lại ùa lên với tuyết nhiều hơn, nơi nhiệt độ chỉ còn âm 3 độ C, nơi mà lạnh hơn Hà Nội đến mười mấy độ C.

Đường lên Sa Pa từ Lào Cai ngoằn ngoèo bò quanh núi đến hơn 20 cây số, thế mà chật ních những xe là xe. Con đường dính mưa, lạnh đến đóng băng, lốp xe đi cũng không thèm bám, vậy mà đoàn nguời vẫn nườm nượp ngược xuôi. Xe khách có, xe máy có, xe bus có, xe con, xe ca, cả những đoàn đi bộ, những tiếng cười nói lao xao về tuyết, những ánh mắt trầm trồ hướng lên phía trước đang bạc trắng trong mưa. Chúng tôi hồ hởi, hà hơi, viết nhăng cuội lên cửa kính, lấy tay cậy cậy từng mảng băng mỏng như 1 tấm thuỷ tinh vỡ từ bóng đèn để nó tan thành nước trong bàn tay ấm lên vì xuýt xoa.

Tuyết rơi là thế, đẹp là thế, nhưng lạnh, cái lạnh khiến đám trẻ như chúng tôi lên Sa Pa vội vã phải rùng mình. Tôi quấn cho mình 2 lớp áo len, phủ ngoài là áo gió, đeo hai cái tất tay, tất chân, rồi cả quần giữ nhiệt, giày ủng ni lông cũng không làm mình đỡ run giữa cái thời tiết khắc nghiệt này. Tôi nhớ mãi chai nước đóng băng trong ba lô mà cô bạn đồng hành đưa cho mình. Nhớ bàn tay cô bé lạnh, nứt tứa những tia máu đỏ li ti, hà hơi lên bàn tay nhỏ bé ấy, ấm chỗ này lại cóng thêm chỗ khác.

Nhớ con đèo Ô Quý Hồ bạc trắng những băng và sương, đứng ở trên đèo nhìn về thị trấn, ngập một màu không rõ nổi những mái nhà lô nhô cổ kính. Nhớ cả chiếc xe máy thuê 150.000 đồng để lượn lòng vòng mà chẳng đi được đến đâu, chạy đến lưng đèo thì băng đóng cứng tay phanh, băng dường kẹt cả trong lọc gió. Nhớ cú đổ đèo run rẩy, lập cập, đề pa máy vì đạp rã cả chân vẫn không nóng được. Cảm tưởng đông cứng cả xăng, lạnh cóng cả hơi thở phì phò, lạnh đến đờ người.

Những giọt nước chưa kịp rơi đã đóng thành thạch nhũ
Những giọt nước chưa kịp rơi đã đóng thành thạch nhũ

4. Cái quán cà phê chúng tôi ngồi trú rét chật ních người không quen biết, gần nhau, bâu vào ngọn lửa như thiêu thân, chờ giờ xe lăn bánh về Hà Nội. Cái không gian ấm vì hơi thở của mấy chục con người im lặng. Không ai nói với ai, chủ quán lặng lẽ, đồ đạc cũng không còn gì mà bán, sự quá tải đã đổ bộ lên Sa Pa, đổ bộ lên từng con đường góc phố, từng vẻ thanh tịnh, nên thơ vốn dĩ. Quá tải người, quá tải tuyết, quá tải lạnh, quá tải cả sức chịu đựng...

Gió rít ngoài trời như cổ tích, trời đã lạnh, lại còn mưa rả rích, hạt nhỏ trôi đến nửa mái tôn thì đóng thành băng, rớt xuống thì cứng đanh như nhũ đá, cái lạnh thấu da, cái lạnh khiến chẳng ai buồn chụp ảnh tự sướng. Cái lạnh, khiến tất cả điện thoại, máy ảnh đều phút chốc cạn sạch pin... chưa bao giờ cảm thấy thèm Hà Nội như lúc ấy....

Dọc phố Sa Pa, những bóng váy hoa xoè sặc sỡ vẫn đi... Những đứa bé ngủ li bì quấn thêm một lớp áo, những đôi chân trần quấn thêm một lớp xà cạp nhiều màu. Giữa đám trẻ thị thành chúng tôi, sự vội vã lên với tuyết Sa Pa là cái lạnh tê óc nhưng người dân nơi đây, họ cũng quen rồi.

Tuyết mang cho Sa Pa sự nên thơ cổ tích, mang đến cho ngành du lịch hàng nghìn cơ hội kiếm tiền, mang đến cho cây trái hoa màu thử thách của thiên nhiên để những thửa ruộng bậc thang lại thêm xác xơ khi nắng về. Sa Pa vẫn thế, ngày nắng, yên bình với Chợ Tình diễn xướng và những bước chân trần hoa xoè lúc lắc, lũ trẻ chúng tôi mỗi lúc nghĩ về nơi ấy lại mờ ảo hiện ra giấc ngủ im lìm của em bé địu sau lưng gật gù giữa tuyết; lại thấy thấp thoáng dáng áo đỏ, váy xanh, chân quấn xà cạp, lúc lắc khắp ngõ ngách của những con dốc Sa Pa.

Nắng Hà Nội kéo tâm trí tôi trở về, ngột ngạt, oi bức để lại thấy thèm một cái cuối tuần nào đó, lại xách ba lô bước lên xe, dành 3 ngày rong ruổi từng con đường trải đá trắng của Sa Pa. 

Đọc thêm