Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng ILO Chang Hee Lee khẳng định, những nỗ lực mà Việt Nam đạt được rất quan trọng, với việc phê chuẩn Công ước số 98, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên trong việc áp dụng những quy chuẩn mà cộng đồng quốc tế quy định; đồng thời đảm bảo, nâng cao quyền lợi cho người lao động.
Trước đó, khi Quốc hội thảo luận về việc cần thiết gia nhập Công ước, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc gia nhập Công ước là một bước tiến mới tích cực, khi quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động đều được đảm bảo và nâng lên.
Công ước số 98 của ILO có 16 điều, gồm 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Tháng 6/2020, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98.