Náo nức chợ Tết vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đi chợ Tết vùng cao sẽ thấy nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số được lưu giữ qua bao đời nay.
Những gian hàng đầy màu sắc tại chợ Tết vùng cao.
Những gian hàng đầy màu sắc tại chợ Tết vùng cao.

Sắc màu chợ phiên cuối năm

Không giống dưới xuôi, chợ vùng cao không phải ngày nào cũng có mà họp theo phiên. Như chợ phiên xã Công Bằng (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) được họp định kỳ vào các ngày 2, ngày 8 hằng tháng. Chợ Bảo Lạc (Cao Bằng) diễn ra thường niên vào ngày 25, 30 hàng tháng.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng là 1 trong 2 phiên chợ lùi độc đáo ở huyện vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên, cứ 6 ngày 1 phiên, chợ thường họp vào ngày Tý và ngày Hợi. Chợ Huổi Cuổi ở Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) họp 5 ngày một lần. Còn chợ Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai) - một trong những phiên chợ lớn nhất vùng Tây Bắc chỉ họp vào thứ 7 hàng tuần.

Chợ phiên thường họp từ 5h sáng đến trưa, dịp gần Tết thì kéo dài đến 3 - 4h chiều mới tan. Người xuống chợ đủ các thành phần, từ người già, trẻ con, trai gái. Chợ thường cách nhà 5-7 cây số nên trước kia, khi chợ họp sớm, để đến được chợ, người ta phải dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng, chủ yếu đi bộ. Nay đường xá, giao thông nhiều nơi được làm mới nên bà con đi xe máy.

Vì vậy trên khắp các nẻo đường, từ sườn núi, con dốc, đường mòn, bà con người đi bộ, người cưỡi ngựa, đi xe máy rộn ràng đổ về chợ. Nhiều người cắp nách một con lợn đen chũi, người dắt theo trâu để bán. Có đứa trẻ vẫn say ngủ trong khi được mẹ gùi xuống chợ. Trên lưng những bà những mẹ, quẩy tấu đựng gạo, ngô, tảng thịt lợn… cứ theo nhau xuống núi.

Phiên chợ cuối cùng của năm nên nhộn nhịp hơn, mọi người đi chợ sắm Tết rất đông tạo không khí náo nhiệt khắp khu chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò, tiếng guốc ngựa lọc cọc, tiếng xe máy… Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao.

Chợ họp đơn giản, người ta chỉ cần trải tấm áo mưa rồi bày bán những tảng thịt, con gà, xâu cá, vài nải chuối xanh hay chai mật ong rừng mới lấy được. Chợ mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng; là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc. Những thiếu nữ xúng xính trong trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Dao, Mông, Tày, Thái...

Đông vui nhất tại các phiên chợ Tết là khu bán vải vóc, quần áo. Tết đến, Xuân về, chị em lại chọn cho mình những bộ váy hay những phụ kiện đẹp và ưng ý nhất để Tết diện đi lễ hội, du xuân. Thậm chí, những sản phẩm thổ cẩm xa xưa, được dệt từ thập niên 40, 50 hay 60 giá đến cả trăm triệu.

Những sản phẩm thổ cẩm từ xa xưa hiện không còn nhiều và phần lớn chỉ người già trong bản mới lưu giữ. Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong bản coi đó là các sản phẩm quý, giá trị và không mang ra bán. Chỉ những khi Tết hay ngày hội xuân, các sản phẩm này mới được mang ra trưng bày.

Ngoài mua quần áo, thực phẩm, có một nét đặc trưng của các phiên chợ vùng cao là những người dân dịp này thường xuống chợ Tết chọn mua cây giống để đem về trồng trong vườn nhà với mong ước về một năm mới khởi đầu nhiều may mắn trong trồng trọt và cây trái tốt tươi.

Chơi chợ Tết

Người dân đến họp chợ không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn là đi chơi chợ. Đồng bào dân tộc vùng cao thường mang gùi đựng hàng hóa. Với các cụ già, tiền không để trong túi mà vận vào tay nải. Hình ảnh bà mẹ dắt theo con nhỏ đến chợ mua quần áo mới, các chàng trai, cô gái đi chợ để tìm bạn, để gửi lời hò hẹn cho những buổi hội xuân vui đầu năm… Những nét đơn sơ vốn có ấy đã làm nên bản sắc khó phai của chợ tết vùng cao.

Đồng bào H’Mông thường đem xuống chợ sản vật của núi rừng, như xâu mộc nhĩ, nấm hương, xâu cá bống, con gà thuốc hay vầu măng tươi mới đào hoặc bầu sáp ong… Và không thể thiếu đặc sản của người H’Mông là gà xương đen còn gọi là gà Mông.

Có khi người ta kéo nhau vào hàng quán, ăn với nhau miếng quà bánh, uống với nhau chén rượu, mời nhau đi dự lễ hội mùa xuân. Uống rượu trong chợ phiên không chỉ là một phong tục của đồng bào H’Mông mà còn là phong tục của nhiều dân tộc khác.

Sau khi mua sắm, họ thường tụ vào một góc để gặp gỡ và uống rượu. Đàn bà, con gái đều có thể uống. Thế nên, có thể thấy người dân cả nam và nữ đều xuống chợ và quây quần bên những quán rượu ngô cùng ăn thắng cố và say trong hơi men của thứ rượu đặc trưng nơi vùng cao. Chén rượu ngô trong vắt và thơm lừng đủ làm say lòng bất cứ người nào đến đây. Chợ lâu lâu mới họp 1 phiên, lại là chợ Tết nên bà con háo hức lắm.

Chợ Tết Tả Sìn Thàng, tỉnh Điện Biên có một đặc sản chỉ phục vụ những ngày Tết đó là rượu thóc. Để làm được một chum rượu thóc ngon khá cầu kỳ và mất thời gian. Thế nên, chỉ dịp Tết mới có loại rượu này. Rượu được đựng trong những chiếc chum sành xếp thẳng hàng, người mua thường được cho nếm thử bằng chén nhỏ, nếm thoải mái mà không phải trả tiền.

Cuối các chợ, bên chảo thắng cố nấu lẫn với hoa hồi, thảo quả sôi sùng sục bốc khói nghi ngút, người ta tập trung thành nhiều góc nhỏ, cùng nhau ngồi nhâm nhi những chén rượu ngô mới thơm nồng. Bên các dãy hàng ăn thơm phức nào là món mèn mén làm từ ngô, bánh rán bằng bột khoai lang hoặc sắn deo dẻo, ngầy ngậy…

Ở phiên chợ, nhiều thanh niên thường mang theo khèn, những chiếc đài phát thanh nhỏ bật các bài hát dân ca trữ tình. Các cô gái đi thành từng tốp, cầm ô thỉnh thoảng lại liếc nhìn các chàng trai, cười bẽn lẽn. Cũng từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã bén qua điệu múa, tiếng khèn môi réo rắt để rồi mỗi phiên chợ lại trở thành nơi hò hẹn.

Khi mặt trời đứng bóng, nông sản, gia súc mang xuống chợ đã bán hết, mọi người hối hả mua sắm; váy, áo đã có đủ; những mặt hàng thiết yếu như: Dầu hỏa, mỡ, muối… đều đã chất đầy gùi. Sau cái bắt tay chào tạm biệt, những bước chân lại ngược núi về bản.

Đọc thêm