Người chồng đẹp mã nhưng… vô dụng
Năm 1999, bà An M. (Bình Thuận) và ông Trần Văn T. (An Giang) về chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không có hôn thú. Sau 15 năm, họ có với nhau hai đứa con trai. Bà M. vốn là người phụ nữ lạnh lợi, hoạt bát, rất chịu thương chịu khó làm ăn.
Ngược lại, chồng bà chỉ được cái mã đẹp trai ngoài ra chẳng giỏi giang gì. Từ ngày lấy nhau, ông T. chẳng đóng góp bao nhiêu cho cuộc sống vợ chồng. Ông làm thợ sơn, không làm cố định, có việc thì làm, không thì thôi.
Thế nhưng, ngay cả những mùa nhiều việc, ông cũng ít khi được thuê vì tính cách lười biếng, làm ít nhưng tổ chức ăn nhậu, bài bạc thì nhiều. Hàng tháng, tiền ông T. làm ra chỉ đủ để ông ăn nhậu, xài vặt. Tiền nuôi con, duy trì gia đình… đều do bà M. cáng đáng.
Cuộc sống vợ chồng như thế, nhưng người ta cũng chẳng mấy khi thấy bà M. than thở. Bà thường nói, vợ chồng là cái duyên cái nợ, thôi thì ít ra cũng coi như có một gia đình đầy đủ vợ chồng con cái. “Thôi thì, ổng nhiều tật xấu nhưng cũng là lặt vặt, chưa tổn hại gì lớn, trong nhà có người đàn ông cũng coi như có chỗ dựa” - bà M. vẫn thường tự an ủi như vậy khi chị em bạn bè có than trách dùm bà.
Thế nhưng, tật nhỏ không sửa, hậu quả lớn sẽ đến. Từ việc chơi bài bạc nhỏ, ông T. dần dà dính và những vụ cá độ, đề đóm lớn. Cho đến khi chủ nợ đến đòi, bà M. mới phát hoảng khi biết chồng mình nợ nầm lên đến trên 500 triệu đồng.
Từ trước đến nay, họ không phải nghèo khó, cũng gọi là đủ ăn, đủ sống. Nhưng với một gia đình lao động, buôn bán nhỏ mà chỉ người vợ gồng gánh hết tài chính trong nhà, thì chuyện dư dả nhiều là không thể. Gom góp hết tiền dành dụm chỉ có hơn 200 triệu, bà M. đem trả nợ cho chồng, vậy là coi như bà trắng tay, bao công sức dành dụm định để tiền xây cất lại căn nhà cho khang trang đã tan thành mây khói.
Món nợ vẫn còn gần 300 triệu đồng, bà không biết xoay ở đâu ra. Chủ nợ thì thường xuyên đến thúc ép, thậm chí, tuần nào cũng đến hăm dọa, đập phá đồ đạc. Đức ông chồng thì sợ bị đánh nên thường trốn mất, để lại vợ và con “lãnh đủ”. Bế tắc, bà M. chỉ biết ôm con mà khóc, vừa trách mình không biết chọn chồng, vừa trách chồng sao sai trái đủ bề.
Cho thuê chồng lấy tiền trang trải nợ
Trong lúc cảnh nhà đang rối ren như thế, bà lại nghe làng trên xóm dưới đồn đại là chồng mình thường xuyên qua lại với một phụ nữ góa chồng ở xã bên. Mới đầu, bà chẳng chú ý, nghĩ là đang lo trốn chui trốn nhủi tránh chủ nợ, chồng bà còn lòng dạ nào mà ngoại tình.
Thế nhưng, nhiều lời đồn đến tai khiến bà cũng phải để tâm. Quả thật, dạo này bà thấy chồng chải chuốt hơn, vắng nhà nhiều hơn trước. Thậm chí, suốt từ ngày lấy nhau đến nay, giờ bà mới thấy chồng bà thi thoảng đem về một số tiền kha khá đưa cho bà, bảo trả nợ.
Theo dõi chồng một thời gian, bà phát hiện ra quả thật là chồng đã ngoại tình. Người phụ nữ đó năm nay bốn mươi lăm tuổi, góa chồng từ thời trẻ. Vì không có nhan sắc, thậm chí có thể nói là quá xấu xí, thô kệch nên chị ta sống một mình từ lâu, không ai lui tới. Thế mà chẳng biết vì sao, ông T., chồng bà đẹp trai, phong độ, thông thường vẫn có vài bà xồn xồn xinh gái theo, mà lại dan díu với người phụ nữ như thế.
Ban đầu, bà M. tính dẫn các chị em gái tới đánh ghen để cho người đàn bà phá hoại gia đình kia phải nhục nhã. Dù chồng vô tích sự, chồng gây nợ nần, nhưng vẫn là chồng bà, làm sao để cho người phụ nữ khác ngang nhiên cướp như thế được. Nhưng sau đó, suy đi nghĩ lại, bà quyết định đi cùng em gái mình đến “nói chuyện phải quấy” một cách nhẹ nhàng hơn.
Thế nhưng, diễn biến cuộc nói chuyện lại xoay theo chiều hướng khá bất ngờ, khiến bà M. hoàn toàn thay đổi chủ ý và đứng trước một quyết định kì lạ. Bà Q.,người nhân tình của chồng bà sống một mình trong ngôi nhà khang trang, thoạt trông đã biết là khá giả. Bà Q. tuy vẻ ngoài thô kệch nhưng nói năng khá lịch sự, nhã nhặn.
Sau khi đề nghị bà có một cuộc nói chuyện bình tĩnh, bà Q. đã thẳng thắn trình bày sự việc. Bà thú nhận, thực ra bà với ông T. không phải yêu thương say đắm gì nhau để ông T. phải ngoại tình, phản bội vợ con lén lút đến với bà.
Bà Q. nói, bà biết phận mình xấu xí, bao năm nay không có người đàn ông nào đến với bà sau khi chồng bà mất. Nay bà bắt đầu lớn tuổi, đàn ông thì bà không cần nữa, nhưng bà rất khao khát có một đứa con.
Ông T. là người bà quen biết qua bạn bè. Bà “nhắm” đến ông T. vì thấy ông tính cũng hiền lành, cao ráo, đẹp trai, bà muốn con mình sinh ra dễ nhìn hơn, để không phải chịu cảnh cô quạnh như bà. Sau khi bà đề nghị, thuyết phục nhiều lần, ông T. cũng đồng ý giúp cho bà một đứa con.
Bà Q. có gia tài cha mẹ để lại, biết làm ăn nên cũng khá có của ăn của để. Bà biết hai vợ chồng bà M ông T. đang nợ nần chồng chất, nên bà có một đề nghị khá đường đột, đó là bà M. tiếp tục để cho chồng đi lại với bà cho đến khi bà mang thai. Còn số tiền nợ nần bà sẽ trả giúp cho hai vợ chồng.
Bà hứa, ngay sau khi có thai sẽ lập tức “trả” chồng lại cho bà M., vì bà cũng chẳng yêu thương gì ông T. mà chỉ cần con. Ngoài ra, sau khi bà sinh con, đứa con cũng là của riêng bà, không liên quan gì đến ông T., thậm chí bà sẽ dọn nhà đi nơi khác sống để tránh hậu quả về sau. Nếu bà M. không an tâm, bà sẵn sàng làm giấy cam kết.
Mới đầu, bà M. phản ứng kịch liệt với đề nghị “cho thuê chồng”. Nhưng, sau khi bà Q. thuyết phục hồi lâu, bắt bà hứa về suy nghĩ kĩ, bà đâm ra hoang mang vô cùng. Nghĩ đi nghĩ lại, bà thấy có lẽ đó là lối thoát duy nhất của hai vợ chồng bà.
Không có số tiền trả nợ, gia đình bà chắc cũng chẳng duy trì được, rồi hai đứa con cũng không biết sẽ ra sao. Mà suy đi nghĩ lại, với kế hoạch chặt chẽ của bà Q., hai vợ chồng bà cũng chẳng mất mát gì, không sợ ảnh hưởng về sau.
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cộng với áp lực lớn từ phía các chủ nợ, bà M. đành liều một phen. Bà và bà Q. làm với nhau tờ giấy cam kết, theo đó ông T. sẽ được quyền “lui tới” với bà Q. cho đến khi bà Q. mang thai và sinh con. Ngoài ra sau này, cả hai bên sẽ không dính líu gì đến nhau nữa. Bà Q. sẽ cho vợ chồng bà M. số tiền 300 triệu để trả nợ.
Sau bản cam kết ấy, ông T. sống cảnh đi lại giữa hai nhà. Ba tháng sau, bà Q. mang thai, rồi sau đó sinh ra đứa con gái khá xinh xắn. Giữ lời hứa, bà dọn nhà đi nơi khác sinh sống, không liên quan gì đến vợ chồng bà M. nữa.
Vết thương “bán mình”
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất hợp đồng cho thuê chồng, trả xong nợ nần, thì cuộc sống của bà M. chẳng còn như trước nữa. Người ta thấy vợ chồng bà thường xuyên cãi cọ, đay nghiến nhau. Có lẽ, trong lòng người nào cũng có một vết thương “bán mình”, khiến họ không còn nhìn nhau bằng con mắt như trước.
Vài năm sau sự việc đó, ông T. bỏ đi biệt, có người đồn ông về quê, cũng có người nói ông đi tìm bà Q. và con gái. Hợp đồng “cho thuê chồng” kia, tuy thoạt nhìn ngỡ như không để lại hậu quả gì, thậm chí còn giúp vợ chồng bà M. thanh toán được nợ nần, nhưng thực chất bên trong nó đã làm đổ vỡ lòng tự trọng, sự trân trọng lẫn nhau của hai vợ chồng, gián tiếp phá hủy nền tảng một gia đình.