Nền hành chính phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn từ lâu đã là phương châm hành động của Chính phủ. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC, kiến nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện là nhiệm vụ của bộ máy hành chính.

Đây cũng là những nội dung quan trọng được xác định tại Quyết định mới nhất ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Để “cởi trói” cho doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã qua 20 năm thực hiện hai chiến lược về cải cách TTHC. Kết quả khích lệ. Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động, công tác quản lý nhà nước về lý luận cũng như thực tiễn luôn bảo thủ và lạc hậu.

Có nhiều nguyên nhân, bởi nắm bắt vận động, xây dựng thành cơ chế, chính sách phải có thời gian... Tuy nhiên, nguyên nhân “lợi ích nhóm” về chính sách, kéo dài “điểm nghẽn” để trục lợi, tham nhũng từ “tham nhũng vặt” trở lên là đáng lo ngại.

Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước đang là những nhiệm vụ lớn, không chỉ của Chính phủ mà còn của các bộ ngành, địa phương.

Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó trọng tâm là xây dựng; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, những vấn đề như “Nhà nước can thiệp hành chính tới đâu vào thị trường là hợp lý?”, “Các DN Nhà nước nên giới hạn hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực nào, với quy mô như thế nào là phù hợp?”, “Phân định như thế nào giữa quy luật cung cầu và vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước?”… vẫn là những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn mới hiện nay, cải cách TTHC phải gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số... Yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, liên thông hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực cải cách hành chính, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngày 18/3, khi chủ trì Hội nghị về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, TTHC còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Không ngạc nhiên khi còn sự chậm trễ, “đá bóng qua lại” giữa các cơ quan. Đặc biệt, công chức còn vòi vĩnh, đòi hối lộ khi làm các thủ tục; tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh.

Nền hành chính “phục vụ” đã hình thành, cần được xác lập vững chắc.