Dồn sức tìm kiếm công nhân mất tích
Dù tình hình thời tiết ở Huế trong ngày qua mưa lớn, nguy cơ sạt lở rất cao vì đất nhão do ngấm nước mưa nhiều ngày liên tục nhưng lực lượng vẫn tiếp cận, triển khai các phương án tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3. Sau một thời gian băng rừng, vượt suối, đến 11h trưa 16/10, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã phát hiện thêm 1 thi thể là công nhân bị sạt lở núi trước đó.
Sau khi tìm thấy thi thể này, lực lượng chức năng đã đánh dấu vị trí để phục vụ công tác khoanh vùng tìm kiếm. Danh tính nạn nhân hiện chưa được xác định. Thi thể này đã được di chuyển ra khỏi hiện trường bằng đường thủy theo hướng ra xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà) để làm các thủ tục xác định danh tính, sau đó bàn giao cho gia đình mai táng.
Trước đó, vào trưa 14/10, cũng đã tìm thấy một thi thể của công nhân gặp nạn do sạt lở đất gần thủy điện Rào Trăng 3. Thi thể nạn nhân này được phát hiện tại một vũng bùn lầy do sạt lở núi vùi xuống, trong quá trình phân hủy. Như vậy, đến 19h ngày hôm qua, vẫn còn 15 công nhân mất tích.
Trong ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quân khu 4 và các lực lượng tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và xây dựng phương án tốt nhất để cứu hộ - cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện Quân khu 4 cho biết, hiện lực lượng cứu hộ cứu nạn đang rất khẩn trương mở đường 71 vào điểm sạt lở. Lực lượng tiền trạm đã tiếp cận được khu vực này nhằm khảo sát hiện trường, giúp cho Sở Chỉ huy tiền phương có phương án tổ chức cứu hộ cứu nạn khi đường thông tuyến.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, các lực lượng tại địa phương và các doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện góp phần thành công trong công tác cứu hộ cứu nạn đợt 1 (đưa toàn bộ thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn về nhà tang lễ).
Ông Thọ yêu cầu xây dựng phương án tốt nhất để cứu hộ cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cao cho lực lượng cứu hộ. Nắm chắc diễn biến về thời tiết; báo cáo vị trí cứu hộ cứu nạn chính xác tuyệt đối; gia cố tuyến đường 71 đảm bảo an toàn. Đồng thời đề nghị có hệ thống hậu cần tốt về điện, lương thực, phương tiện; đảm bảo thông tin liên lạc điều hành cứu hộ, cứu nạn và cử các công nhân thông thạo địa hình, địa vật hỗ trợ và mong trung ương tiếp tục hỗ trợ cho Huế.
Nhà ngập, mẹ ở viện vẫn lo cho dân
Nghe tin ông Nguyễn Văn Bình (SN 1978, quê xã Phong An, huyện Phong Điền, trú thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) hy sinh, thi thể được đưa về Bệnh viện Quân y 268; trong ngày hôm qua (16/10), ngoài người nhà của ông còn có rất đông cán bộ của Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền, hàng xóm đến chờ để được vào thắp hương tiễn biệt vị lãnh đạo này lần cuối.
|
Người dân ở Huế tới nhà chờ của Bệnh viện Quân y 268 (nơi sẽ làm lễ truy điệu) rất đông; dù chưa được vào dâng hương. |
Bầu không khí tang thương bao trùm lên căn nhà cấp 4 đơn sơ ven dòng sông Bồ; trời mưa như trút nước khiến cho ngôi nhà này vốn được xây dựng cách đây 30 năm thấm dột tứ tung. Những người thân của ông Bình cho biết, căn nhà này là nơi ông được sinh ra và trưởng thành. Khi bố mất đi, chị và em gái lấy chồng rồi ra ở riêng, ông Bình ở với vợ cùng 2 con (13 và 14 tuổi) để phụng dưỡng mẹ già.
Ông là con trai duy nhất trong nhà nhưng trong cơn lũ lịch sử vừa xảy ra, ông lại thường xuyên vắng nhà vì phải lo chỉ đạo công tác đối phó với lũ lụt; cũng vì bận công tác nên dù ở nhà lũ lớn ngập tận 1,2m nhưng ông không thể về đỡ đần vợ con.
“Từ nhỏ ông Bình đã học rất giỏi lại có hiếu; tuy là Chủ tịch huyện nhưng lúc nào ông cũng khiêm tốm, gần gũi, sống thân thiện với mọi người. Nhận chức Chủ tịch huyện chưa đầy 2 tháng, hết lo phòng chống dịch bệnh lại đến lụt bão… giờ lại nằm xuống khiến ai nấy đều xót thương. Căn nhà đầy bùn đất được người thân, xóm làng dọn giúp. Mỗi người một tay, chuẩn bị đón ông về nhà”. Chị Linh, cán bộ công đoàn thị xã Hương Trà nói.
Từ hôm biết tin, bà Ni (vợ ông Bình) và hai con quỵ ngã, mọi người cố động viên nhưng lời nói sao xóa được sự thật đau lòng. Khi anh mất, người mẹ già (72 tuổi) đang nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế; bà cứ hỏi rằng: “Có phải thằng Bình đã mất. Cứ nói thật đi, tui già rồi, nó có chuyện gì tui đi theo nó cũng không sao”. Ai nấy đều òa khóc.
Cả cơ quan UBND Thừa Thiên - Huế cũng lặng đi trước thông tin đã tìm được thi thể của anh Phạm Văn Hướng (công tác tại Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh). Hôm 12/10, anh Hướng theo đoàn của Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đi thị sát vùng lũ ở Huế. Tầm trưa, anh cùng tham gia đoàn tìm kiếm cứu nạn đi về phía thủy điện Rào Trăng 3 sau khi nhận được thông tin sự cố sạt lở ở thủy điện này.
Tối hôm đó, anh Hướng ngủ lại cùng mọi người ở Trạm bảo vệ rừng 67 và gặp nạn. Một khối lớn bùn, đất, đá đã ập xuống hai gian phòng nơi các anh nghỉ đêm, san phẳng và vùi lấp mọi thứ. Thi thể anh được tìm thấy vào ngày sinh nhật thứ 52.
Trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế luôn dành một góc để gửi thiệp chúc mừng “sinh nhật trong tháng” cho cán bộ, nhân viên. “Chúc mừng sinh nhật đồng chí Phạm Văn Hướng, ngày 15/10/1968”; hình ảnh tấm thiệp màu đỏ, bên dưới là dòng chữ, khiến bất cứ ai xem qua cũng cảm thấy xót xa.
Anh Hướng là một người con quê Thái Bình, vào Thừa Thiên - Huế lập nghiệp, công tác từ huyện miền núi rồi về đồng bằng; Anh “gà trống nuôi con”, 2 người con gái (SN 1999 và 2003).
“Hôm nghe tin từ các cán bộ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo ba em mất tích cùng với nhiều người trong đoàn công tác đi vào thủy điện Rào Trăng 3 mà em bồn chồn, lo lắng không nguôi. Dù biết chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng ba sẽ được lực lượng cứu nạn tìm thấy đưa về an toàn. Tuy nhiên đến hôm qua, thi thể của ba và các chú, các bác trong đoàn công tác được đưa về đây sau khi được tìm thấy tại khu vực sạt lở ở Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67 thì hai chị em không tin ba đã mất… Cha em và các chú, các bác đã làm tròn nhiệm vụ của mình!”. Cô con gái đầu đang là sinh viên học ở Hà Nội rơm rớm nước mắt nói.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hướng, Văn phòng UBND tỉnh sẽ thành lập quỹ để trước mắt hỗ trợ 2 con của anh Hướng hoàn thành học tập. Dự kiến Văn phòng UBND tỉnh sẽ huy động cán bộ hỗ trợ 100 triệu đồng.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự báo trong ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to. Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền. Nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị của thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 đã gây ra những thiệt hại rất lớn về con người, 17 công nhân mất tích, đến nay chỉ mới tìm được thi thể của 1 công nhân.
Ngày 16/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 1817/QĐ-CTN về việc truy tặng Huân chương Dũng cảm. Theo đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho 2 cán bộ có hành động dũng cảm trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hai người được truy tặng Huân chương là ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền và ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 Liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hy sinh ngày 13/10/2020 khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định truy tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4. Trước khi gặp nạn hai anh mang quân hàm Đại úy; trong tối 15/10, được thăng lên cấp hàm Thiếu tá.
Các cơ quan chức năng cũng khẩn trương thực hiện thủ tục đề nghị tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
Tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Trung tá Bùi Phi Công, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4; Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng tác chiến Quân khu 4; Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Quân khu 4;. Trung tá Trần Minh Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế; Trung tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80.
Tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba đối với Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Thượng úy chuyên nghiệp Đinh Văn Trung, Đài trưởng Đài 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4; Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế; Thượng úy chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, Nhân viên điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế.