Nếp áo thanh xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nếp áo thanh xuân” là sáng kiến trong chuỗi hoạt động của mạng lưới Di sản - Kết nối, được Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam khởi xướng nhằm gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phụ nữ thành phố Tuyên Quang hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Phụ nữ thành phố Tuyên Quang hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2022 với hơn 1.000 thành viên ban đầu. Thời gian qua, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam mở rộng nhanh chóng, ra mắt 8 câu lạc bộ thành viên tại 5 địa phương trong nước và 3 quốc gia khác. Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài thiết thực và tạo hiệu ứng xã hội tốt đã được tổ chức, như triển lãm ảnh nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài, hỗ trợ quảng bá du lịch văn hoá…

Từ nâng niu tà áo...

Trong chuỗi hoạt động của mạng lưới Di sản - Kết nối do Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam khởi xướng, mới đây tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tọa đàm “Nếp áo thanh xuân” đã diễn ra thu hút đông đảo người yêu tà áo dài, quan tâm đến di sản.

Tại Tọa đàm, TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam chia sẻ câu chuyện của mình về áo dài. Theo TS. Đặng Thị Bích Liên, bà có nhiều kỷ niệm đối với tà áo dài, nhất là khi tham gia các sự kiện ngoại giao, hợp tác quốc tế. Thời bà là thành viên đoàn Việt Nam dự các cuộc họp Đại hội đồng UNESCO xét công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới, mỗi lần bảo vệ di sản của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO, bà lại mặc bộ áo dài Việt Nam với màu sắc, hoa văn truyền thống đặc trưng.

“Áo dài đã gắn với nét đẹp của người phụ nữ, là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, cũng là sự tự hào của người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế. Trang phục áo dài làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và khác hẳn với các đại biểu nữ khác khi phần lớn là mặc váy hoặc vest. Mỗi lần bảo vệ một di sản nào đó của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO tôi đều mặc áo dài của một nhà thiết kế, thương hiệu khác nhau. Khi di sản Việt Nam được ghi danh, trong một phút máy quay chĩa vào tôi, cả thế giới biết tới áo dài của chúng ta. Làm gì có truyền thông quảng bá nào tốt hơn thế!” - TS. Đặng Thị Bích Liên chia sẻ.

Ở góc độ là diễn viên, diễn viên Nguyễn Minh Tiệp - Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa, Bộ VH,TT&DL cho biết, bản thân rất yêu quý và trân trọng áo dài. Mỗi lần tham dự các liên hoan phim quốc tế, đoàn Việt Nam đều diện áo dài và khi đồng nghiệp, công chúng, truyền thông quốc tế nhìn thấy biết ngay là đoàn Việt Nam. Khi đó, hình ảnh áo dài là bộ nhận diện thương hiệu quốc gia...

Đến chia sẻ yêu thương

Theo Ban Tổ chức chương trình, sở dĩ tên “Nếp áo thanh xuân” được chọn bởi đó chính là nếp văn hóa của quê hương - nơi các bạn trẻ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành. “Nếp áo thanh xuân” cũng sẽ theo các bạn bước vào giảng đường đại học hay hành trình lập nghiệp, góp sức cho sự phát triển gia đình, quê hương, đất nước.

Vì thế, phần thứ hai của Tọa đàm “Nếp áo thanh xuân”, dự án tài trợ áo dài cho nữ sinh lớp 12 và cô giáo tại một số địa bàn miền núi khó khăn năm học 2024 - 2025 gồm: Trường Phổ thông trung học Tân Sơn (Phú Thọ); Trường Phổ thông trung học Tương Dương (Nghệ An) và Trường Phổ thông trung học Cẩm Thủy 2 (Thanh Hóa) đã được công bố. Dự kiến, chương trình tài trợ áo dài chia thành nhiều giai đoạn, diễn ra từ năm 2024 - 2028, sẽ trao tặng hàng nghìn áo dài cho các trường học tại nhiều địa phương trên cả nước.

Là một trong những trường được tặng áo dài từ chương trình “Nếp áo thanh xuân”, cô giáo Phạm Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 2 tỉnh Thanh Hóa xúc động cho biết: “Cán bộ, giáo viên và các em học sinh rất vui khi được tặng áo dài, bởi ở một trường miền núi, các em học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh của các em học sinh rất khó khăn. Việc tiếp cận và được mặc chiếc áo dài khi đang ngồi trên ghế nhà trường là một điều khó khăn. Để được mặc áo dài thì các em phải đi thuê, mượn chứ không dễ dàng mua được một chiếc áo dài. Vì vậy, chương trình đã mang đến cho các em áo dài, để các em có thể được tiếp cận, được mặc nó trong các dịp quan trọng của nhà trường như các ngày lễ kỷ niệm, ngày sinh hoạt đầu tuần. Tới đây nhà trường kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập, với chiếc áo dài sẽ giúp cho các em đẹp, tự tin hơn, thông qua đó góp phần quảng bá hình ảnh của chiếc áo dài Việt Nam”.

“Với chiếc áo dài được tặng ngày hôm nay, em cảm thấy rất vui và ý nghĩa. Chiếc áo dài này sẽ trở thành người bạn đồng hành với em trong những ngày tháng cuối cấp 3 và cùng em vào giảng đường đại học. Không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà sau này, em sẽ mặc áo dài thường xuyên hơn để góp phần lan tỏa hình ảnh áo dài trong nước và đến với bạn bè trên thế giới”, em Phạm Thị Huyền Trang, học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 2 chia sẻ.

Trao tặng áo dài, chia sẻ yêu thương Tại tọa đàm “Nếp áo thanh xuân”. (Nguồn: BTPNVN)

Trao tặng áo dài, chia sẻ yêu thương Tại tọa đàm “Nếp áo thanh xuân”. (Nguồn: BTPNVN)

Để áo dài trở thành di sản văn hóa

Tà áo dài gắn với nét đẹp của người phụ nữ, là sự tự hào của người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế, chính vì thế, bên cạnh khía cạnh nâng niu và chia sẻ, tà áo dài Việt cũng cần được đề cao là di sản văn hóa của dân tộc, cần được công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị.

Là một trong những người tâm huyết với công tác bảo tồn di sản, tham gia Tọa đàm, GS. TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, chiếc áo dài có hàng nghìn năm hình thành, phát triển, với những kết quả nghiên cứu hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn, trong tranh dân gian Đông Hồ… Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá... “Hình ảnh tà áo dài là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa; góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc sống đương đại”, GS. TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Theo GS. TS Từ Thị Loan, đến nay áo dài gần như đã trở thành quốc phục của Việt Nam, có thể sánh ngang kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. “Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam”, bà Loan khẳng định.

Theo bà Loan, để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng. Bà Loan cho biết, việc xây dựng một hồ sơ di sản bước đầu bao giờ cũng có những khó khăn. Nhưng theo bà Loan, mọi khó khăn đều có cách giải quyết, quan trọng người đứng đầu có thực sự tâm huyết, có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam. Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ hay nỗ lực của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội.

Với kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý lâu năm trong lĩnh vực di sản, TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam nêu quan điểm, cần nhân rộng mô hình đưa áo dài vào trường học, không chỉ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; làm rõ những đặc trưng áo dài Việt Nam; khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với không gian áo dài, sản xuất áo dài để phục vụ du lịch, đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hoá... “Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc”, bà Liên chia sẻ.

Bà Liên đánh giá cao ý tưởng đưa áo dài đến trường học đầu tiên trong hành trình lan tỏa trang phục này ra khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Bà Liên hiến kế, nên khuyến khích các trường quy định một ngày trong tuần học sinh phải mặc áo dài và một ngày mặc trang phục dân tộc của họ. Như thế, vừa lan tỏa được áo dài, vừa gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, từ đó đóng góp vào nền công nghiệp văn hoá. “Cứ thực hiện thí điểm việc này trong 3 năm, sau đó chúng ta tổng kết lại để có cái nhìn tổng quan, cụ thể hướng tới làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hoá phi vật thể”, bà Liên chia sẻ.