Đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt
Trong ngôn ngữ tiếng Anh, “áo dài” là cụm từ không phiên dịch ra bằng từ ngữ tiếng Anh khác có nghĩa tương đương để thay thế. Điều đó có thể khẳng định “chủ quyền” của trang phục này là của người Việt. Dù chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.
Dù ở bất kỳ nơi đâu, áo dài luôn là đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, của văn hóa Việt Nam. Có lẽ, chính vì điều đó, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài luôn trân trọng và gìn giữ, đồng thời tôn vinh tà áo dài như một cách để quảng bá Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ nguyên thủ quốc gia, các nhà ngoại giao, quan chức cho đến người nổi tiếng nếu có dịp ra nước ngoài đều sẽ lựa chọn trang phục là áo dài. Đặc biệt, với kiều bào sống xa quê hương, áo dài luôn là trang phục trong những ngày đặc biệt như lễ, Tết, cưới hỏi… Chính sự nâng niu, trân trọng ấy đã giúp đưa hình ảnh áo dài trở nên thật đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế.
M.Linh (26 tuổi, du học sinh Úc) cho biết, cứ mỗi khi trường học có lễ hội cô đều chọn áo dài làm trang phục. “Mỗi năm trường tôi có khoảng 5 lễ hội lớn, khi đó các bạn thường lựa chọn váy dạ hội, còn riêng tôi thì chọn trang phục dân tộc là áo dài. Sinh sống ở bên này nên tôi hiếm khi có cơ hội được mặc áo dài, do đó tôi rất mong đến các dịp lễ hội để vừa được mặc trang phục yêu thích, vừa quảng bá hình ảnh áo dài đến bạn bè trong trường. Rất vui khi các bạn đều khen đẹp và có lòng yêu thích với áo dài, nhiều bạn còn muốn mặc thử và sở hữu một cái cho riêng mình. Mỗi khi mặc áo dài tôi luôn cảm thấy tự hào, nhất là khi được đón nhận bằng những ánh mắt trân trọng, ngưỡng mộ”, M.Linh chia sẻ.
Có thể thấy, trong mắt bạn bè quốc tế, nhìn thấy áo dài là nhớ ngay đến con người, văn hoá Việt Nam. Trong mắt họ, áo dài là đại diện xuất sắc của Việt Nam trong làng thời trang quốc tế. Natasha Crnjac, du khách người Mỹ đã có dịp đến du lịch Việt Nam chia sẻ cô rất yêu thích áo dài và ngưỡng mộ vẻ đẹp kín đáo nhưng sang trọng mà áo dài mang lại. “Lần đầu tiên nhìn thấy áo dài trên đường phố Việt Nam tôi đã đem lòng yêu tà áo thướt tha ấy. Người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, đẹp đến nỗi tôi đã phải sở hữu ngay một chiếc áo dài làm kỷ niệm. Đến giờ thi thoảng tôi vẫn lôi ra ngắm nghía và mong rằng sớm có dịp để diện lại trang phục xinh đẹp này”, Natasha Crnjac bày tỏ.
Dù ở bất cứ nơi đâu, chiếc áo dài truyền thống đó bao giờ cũng thu hút những ánh mắt ngưỡng mộ. Được bạn bè khắp năm châu đánh giá là đẹp, lịch sự, giản dị nhưng từ bộ trang phục vẫn toát lên sự sang trọng, quý phái cho không chỉ phụ nữ Việt Nam mà bất kỳ ai khi mặc. Sự sang trọng, quý phái ấy không kém cạnh so với bộ comple đen của các “đấng mày râu” lịch thiệp của phương Tây và thế giới.
Nữ du khách ngoại quốc thướt tha áo dài tản bộ phố cổ Hội An. (Ảnh: vtcnews.vn) |
Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, những mẫu áo dài với ý tưởng thiết kế và các chất liệu mới càng gây ấn tượng và thể hiện rõ tinh thần hội nhập. Điển hình, bộ sưu tập áo dài “Suối nguồn” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với những tà áo dài kỳ công được ví như những tác phẩm, một lần nữa khiến bạn bè quốc tế vô cùng thích thú với áo dài Việt và nhìn nhận đó là một sản phẩm thời trang độc đáo có tính ứng dụng. Được giới thiệu với công chúng thế giới khi ra mắt tại Mỹ qua màn trình diễn của những người mẫu da màu nổi tiếng tại xứ sở cờ hoa, “Suối nguồn” đã quảng bá các sản phẩm áo dài truyền thống Việt Nam được cách điệu đầy mới mẻ và độc đáo ra thế giới.
Đưa tà áo dài đến vươn ra quốc tế
Nhắc đến những lần áo dài áo dài Việt Nam xuất hiện trước quốc tế chắc chắn không thể không nhắc đến những bộ áo dài cách điệu, đầy tính sáng tạo, tinh tế đã giúp các đại diện Việt Nam toả sáng trên đấu trường nhan sắc thế giới. Nhìn lại trong bất kỳ cuộc thi nhan sắc mang tầm vóc quốc tế nào, áo dài luôn là lựa chọn tối ưu cho phần thi trang phục dân tộc - phần thi quan trọng không thể thiếu đối với tất cả thí sinh đến từ khắp thế giới, khẳng định dấu ấn văn hoá riêng của từng quốc gia.
Trong suốt nhiều năm gánh trọng trách “mang chuông đi đánh xứ người”, áo dài Việt Nam không chỉ được coi là biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái Việt mà còn được đánh giá cao trong phần thi trang phục dân tộc của các cuộc thi nhan sắc thế giới. Không ít lần áo dài Việt Nam đã lọt top trang phục truyền thống với các thiết kế ấn tượng, sáng tạo nhưng vẫn giữ được hồn sắc dân tộc, vừa đổi mới vừa giữ được nét truyền thống.
Theo đó, phải kể đến bộ áo dài mang tên “Rồng chầu mặt trời” đã giúp đại diện Việt Nam - Á hậu Tường San giành giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất” tại Miss International - Hoa hậu Quốc tế 2019. Được lấy cảm hứng từ hình ảnh rồng chầu về hướng mặt trời thường thấy trong kiến trúc của người Việt, thể hiện khát vọng hướng về ánh sáng và những điều cao quý. Chiếc áo dài thêu hoa văn với sắc vàng mang đậm dấu ấn trang phục cung đình Huế đã khiến người hâm mộ sắc đẹp trên thế giới phải trầm trồ, choáng ngợp. “Bộ áo dài được thêu truyền thống đẹp mắt đến từng chi tiết, trang phục toát ra cảm giác vừa huyền ảo, vừa truyền thống, khiến người đẹp như nhân vật chính trong một câu chuyện cổ tích”, lời nhận xét từ trang truyền thông cuộc thi sắc đẹp của Nhật Bản.
Bộ áo dài giúp Tường San giành giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất”. (Ảnh: Miss International) |
Hay mới đây, trong Cuộc thi Miss Grand International 2023 tổ chức tại Việt Nam, trong màn chào sân dàn người đẹp cùng nhau khoác lên mình những tà áo dài Việt Nam khi có mặt tại Thủ đô Hà Nội. Hình ảnh những nàng hậu quốc tế diện lên mình những tà áo dài Việt rực rỡ sắc màu, mỗi người mỗi vẻ đã đưa từ khoá “thí sinh MGI 2023 diện áo dài” trở thành một chủ đề “hot” trên mạng xã hội và nhận được nhiều quan tâm, khen ngợi của người dân Việt Nam lẫn bạn bè quốc tế.
Ngay chính các nàng hậu quốc tế cũng không khỏi phấn khởi khi được diện trang phục áo dài mang đậm tinh hoa, văn hoá dân tộc Việt. Miss Grand Singapore Jiahui Jade Wu bày tỏ: “Khi mặc áo dài, tôi cảm thấy mình thật xinh đẹp và nữ tính. Thật là một cảm giác tuyệt vời khi trang phục dân tộc của các bạn vừa mang tính lịch sử nhưng lại phù hợp với thời hiện đại. Tôi yêu áo dài rất nhiều!”. Còn đại diện đến từ Netherlands Melissa Bottema cho biết cô cảm thấy thật sự xúc động khi chúng tôi được trải nghiệm những nét đặc trưng của nền văn hoá của Việt Nam. “Tôi rất yêu áo dài. Tôi thật sự cảm thấy rất tuyệt khi có mặt và diện “tuyệt tác văn hoá” này của Việt Nam”, Melissa Bottema chia sẻ.
Nhìn vào thực tế, việc đưa áo dài góp mặt vào các đấu trường sắc đẹp chính là một trong những con đường ngắn nhất vươn ra tầm thế giới. Trong cuộc thi sắc đẹp, mỗi quốc gia trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống riêng. Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc có sườn xám… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc áo dài mềm mại, thướt tha. Khi mặc trên người tà áo dài, bước ra thế giới, các người đẹp không chỉ đang mang trong mình trọng trách đại diện cho sắc đẹp Việt Nam mà còn là “sứ giả” đưa áo dài nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.
Không chỉ được tôn vinh, lan toả trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, giờ đây áo dài đã và đang được lan toả rộng rãi trên thế giới, trở thành cầu nối văn hoá giữa Việt Nam với các nước. Cũng từ đó tình yêu áo dài ngày càng lan tỏa trong lòng bạn bè khắp năm châu.