Những hà khắc cũ đã dần lùi xa
Dưới mái nhà của gia đình Việt Nam từ ngàn xưa luôn tồn tại ba, bốn thế hệ cùng chung sống “tứ đại đồng đường”, tạo ra những giá trị đạo đức, gia phong. Một đứa trẻ lớn lên “Trẻ cậy cha, già cậy con”, là một vòng khép kín trong sự bảo bọc của gia đình. Dù có khiếm khuyết vì lý do nào đó thì “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Ngược lại, con cháu có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi già. Nếu những điều đó không được thực hiện thì bị đánh giá là nhà vô phước, con cái bất hiếu.
Qua thời gian, các tiêu chí trên tưởng như sẽ bất di bất dịch đó đến nay đã khác. Đơn cử như ông bà bỗng nhiên không muốn sống chung với con cháu, bố mẹ cũng không nhất thiết phải “quan trọng” lo nhà cửa cho con cháu. Mà ngày nay, những gia đình hạt nhân đã dần thay thế cho gia đình truyền thống. Chỉ những gia đình chưa có đủ điều kiện tách nhiều căn hộ, hoặc cha mẹ già yếu mới chấp nhận một cuộc sống “thích nghi” giữa nhiều thế hệ.
Nếu như trước đây, mỗi thành viên trong gia đình “tôn ti trật tự” phải tuân theo rất nhiều quy định hà khắc thì ngày nay, mỗi người được sống tự do hơn trong không gian riêng tư của mình. Bố mẹ muốn vào phòng con phải gõ cửa, muốn trao tặng gì phải hỏi ý kiến, con lớn lên khi đã có gia đình riêng, ông bà muốn đến thăm cháu phải hẹn trước...
Và phía sau mỗi căn phòng, liệu con của mình đang học bài hay chơi game? Hay tệ hơn là lên mạng tham gia vào nhiều trò vô bổ, nếu không nói đến những mối nguy hiểm khác dành cho những đứa trẻ chưa trưởng thành? Nhiều bậc phụ huynh vì sốt ruột với những gì ẩn chứa bên trong “căn phòng khép kín” (mà thực ra nó đang được mở toang bởi mạng xã hội), nên đã phá bỏ quy tắc tôn trọng sự riêng tư của con cái. Mâu thuẫn từ đó cũng xuất hiện.
Điều gì cha mẹ muốn dạy con thì thường mang tấm gương của bản thân ra để cho chúng học tập, nhưng lại đâu hiểu được, con trẻ đã chán ngắt cái bài ca “hồi đó”. Tất cả đều khô khan, kém hấp dẫn, sinh động không được như người bạn trên mạng xã hội đang luôn tươi cười chỉ dẫn đủ mọi thứ trên đời, kể cả việc “nấu cháo gà để nguyên lông” hay “thắt cổ sao cho không bị chết” (!) Vì lẽ đó, điều tâm huyết bố mẹ dạy thì con trẻ để ngoài tai, chỉ thích nghe những trào lưu “xúi bậy” trên Youtube mà thôi...
H.A (23 tuổi, gia đình sống cùng ông nội), cô tâm sự: “Nói là ở cùng ông nhưng mình và ông nội gần như không có thời gian nói chuyện vì lệch giờ sinh hoạt. Nhiều hôm mình về đến nhà thì bố mẹ và ông đã đi ngủ rồi còn đâu, thành ra cả ngày chỉ có đúng một câu là “Cháu chào ông” trước khi đi làm. Có lẽ vì vậy mà thỉnh thoảng ông cũng buồn, trách mình không quan tâm gì đến ông”.
Thời của mẹ chồng “nhường” con dâu
Chuyện mẹ chồng, nàng dâu xưa nay trăm bề rối rắm. Giờ thời của công nghệ, của sự bình đẳng, con dâu về sống chung với gia đình nhà chồng, nếu có định kiến với mẹ chồng thì càng phức tạp. Nàng dâu học đủ thứ trên mạng, từ nữ công gia chánh đến... “công dung ngôn hạnh”, chẳng cần đâu xa, “ông gu gồ” chỉ tất! Vai trò của mẹ chồng bỗng dưng trở nên mờ nhạt với nàng dâu. Thậm chí, nhiều mẹ chồng phải “nhịn” con dâu để được chăm cháu, phải theo cách nuôi dạy của bọn trẻ. Chẳng hạn trước đây mẹ chồng nuôi con hễ ốm là không tắm cả tuần, nhưng nay, đứa trẻ chỉ cần hạ sốt là tắm gội. Xưa việc học hành của con cái chỉ xin học từ lớp 1 là xong. Thì nay, cả nhà phải “học” cùng cháu. Thậm chí dạy cháu học từ… vài tháng tuổi, khi mẹ chúng cho nhận mặt chữ từ rất sớm.
Hiện nay, không ít gia đình trẻ muốn sống riêng, với lý do được tự do, thoải mái. Song, để có một mái ấm riêng, không phải là điều đơn giản. Với những gia đình trẻ, khi ở chung, vợ chồng trẻ sẽ bớt được một khoản chi phí khá lớn về tiền nhà, điện, nước… Chưa kể, ông bà phụ lo cơm nước, việc nhà. Ông bà cũng là người giúp các con chăm sóc cháu, đưa - đón trẻ đi, chăm sóc cháu vào buổi tối hoặc ngày nghỉ khi cả hai vợ chồng bận việc đột xuất, đặc biệt là lúc trẻ đau ốm… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, gia đình ba thế hệ cũng thường gặp phiền toái bởi bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề.
Chị Hạnh Nguyên - phụ huynh tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) - tâm sự: “Gia đình tôi sống cùng ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, sau khi sinh con, mọi thứ trong gia đình như đảo lộn. Bởi, ông bà và bố mẹ thường xuyên góp ý với chúng tôi trong vấn đề nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, đôi lúc, điều đó khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn”.
Ngược lại, cũng có cô cháu dâu, từ nhỏ đến khi lấy chồng chỉ biết học, được nâng như “trứng mỏng”, khi về nhà chồng, không chỉ ông bà, bố mẹ chồng mà cả họ hàng nhà chồng cùng “chăm sóc”. Khi sinh con đầu lòng, cô thực sự sốc khi bà bác ngày ngày sang dạy bảo cô phải chăm con ra sao, đêm đêm phải tự dậy pha sữa, thay bỉm cho cháu để cho chồng ngủ… Cô kể, hồi đó, nếu không mau ra ở riêng sớm, không biết cô sẽ trầm cảm tới mức nào. Thậm chí, gia đình rất dễ đổ võ khi có sự tham dự “bảo ban” của nhiều thế hệ…
Có thể nói, việc bất đồng quan điểm được cho là khó tránh khỏi trong những gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu trong việc nuôi dạy trẻ. Chia sẻ về vấn đề này, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, không ít mẹ chồng - nàng dâu thường xuyên tham gia vào cuộc chiến “giằng co” giữa nuôi con, cháu kiểu “Tây” và “ta”.
“Mẹ chồng thì “tôi nuôi mấy đứa kiểu này có sao đâu” hoặc “trứng khôn hơn vịt, tôi nuôi chồng cô được như ngày nay đấy”. Hoặc “chăm kiểu như thế thì nó còi cọc à” và dỗi con dâu “đấy cô giỏi thì tự mà chăm con cô”. Con dâu thì “mẹ đừng làm như thế vì người Nhật họ...”, hoặc “thôi mẹ để con làm vì người Mỹ họ...”. Hoặc “thời mẹ khác, bây giờ khác”...
Còn đó những ấm áp
Trên thực tế, nhiều gia đình đa thế hệ vẫn có thể sống hạnh phúc, hòa thuận. Đó là khi cha mẹ không phân biệt dâu, rể, trai, gái. Ông bà luôn coi con dâu, con rể như con ruột của mình. “Trong cuộc sống hiện đại, gia đình “tứ đại đồng đường” không còn là mô hình lý tưởng. Song, đối với vợ chồng tôi, nếu có thể giữ gìn, đó vẫn là điều vô cùng đáng quý. Bởi, các thành viên trong gia đình đa thế hệ có điều kiện giúp đỡ nhau về cả vật chất và tinh thần”, một phụ huynh tâm sự.
Chị Hà Anh (Cầu Giấy- Hà Nội) chia sẻ: “Mình sống cùng bố mẹ chồng từ khi làm dâu. Khi ấy ông bà vẫn còn đỡ đần cơm nước hàng ngày. Rồi ông bà lần lượt bị tai biến, lúc nhớ, lúc quên. Nhưng mình thật sự hạnh phúc khi sống cùng các cụ”. Bởi dù phải mất một thời gian để ông bà chấp nhận việc con trai cưới một phụ nữ dã ly hôn và con riêng. Nhưng khi đã về gia đình, ông bà không phân biệt cháu ruột và con gái lớn của chị. Nên giờ, dù cả nhà đều bận rộn, nhưng chị vẫn dành thời gian chăm chút bố mẹ chồng ốm yếu. Các con thế hệ zen Z cũng luôn gần gũi, quây quần bên ông bà…
Chia sẻ thêm, chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, trẻ sẽ thật sự hạnh phúc khi có ông bà ở bên. Bởi, bà giống như một người mẹ thứ 2 của trẻ. “Trên đời này, tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, lớn lao và dạt dào nhất. Đó có thể là sự chở che trong trầm lặng mà mạnh mẽ của cha, là những dịu dàng, ân cần quan tâm của mẹ và còn là vô vàn bao dung, cưng chiều từ một người vô cùng quyền lực mà chúng ta vẫn hay gọi bằng hai chữ thân thương: “bà ngoại”.
Theo chị Phan Hồ Điệp, chắc chắn, câu cửa miệng mà ai cũng từng nghe khi sống cùng bà là “Nó giống hệt mẹ nó ngày bé”. Đặc biệt, khi cha mẹ mắng trẻ, bà sẽ là người bênh và cho rằng, hành động đó là sai và gây tổn thương trẻ. Thậm chí, các ông bà còn cho rằng, mọi phương pháp bố mẹ trẻ áp dụng đều không hợp lý. Bởi, ông bà chỉ cần yêu thương và ôm cháu là đủ.
Khi sống chung, có lẽ, ông bà thường là người xót cháu hơn cả bố mẹ, đặc biệt là khi trẻ bị ốm, đau hay ngã. “Ban đêm, nếu biết có bà, hễ con khóc, bạn sẽ vờ như không nghe thấy và bà sẽ dậy ôm cháu để nựng nịu, thì thầm “khẽ thôi cho mẹ hư còn ngủ”. Có bà, bạn đi làm về sẽ thong thả tạt ngang, tạt dọc vì về đến nhà, bà đã lo cơm nước, con cái”, nữ giảng viên chia sẻ. Đặc biệt, mỗi khi trẻ khóc, ông bà thường có những câu “kinh điển” như: “Ôi thương quá, mẹ không biết dỗ?”. Bởi, đối với ông bà, những khái niệm như “tự nín”, “tự lập”, “chờ đợi” đều là... vô nghĩa. Trong mắt ông bà, các cháu mãi mãi là những đứa trẻ không bao giờ lớn và luôn cần được ôm ấp, chiều chuộng.
“Nhiều khi những mâu thuẫn thế hệ trong việc nuôi dạy con khiến các bà mẹ căng thẳng, khó xử, bối rối. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có những điều ấm áp, những sự trợ giúp tuyệt vời từ những người mẹ mang tên bà ngoại”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ…
Người già “e dè” trước… người trẻ?
Lý giải về thực tế, người già ngày nay không còn quá khắt khe với con cháu, một Tiến sỹ xã hội học phân tích, nguyên nhân là do sự “xung đột thế hệ”, vì tốc độ phát triển xã hội quá nhanh, đặc biệt là có sự góp phần của công nghệ thông tin. Sự xung đột đó khiến người già càng trở nên khép kín, e dè trước thế hệ trẻ. Do đó, những tồn tại mâu thuẫn trong quan hệ gia đình thời nay là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, gia đình với mỗi người vẫn là nơi chốn để trở về trong yêu thương. Dưới nếp nhà nhiều thế hệ, rồi sẽ dần vắng bóng ông bà, cha mẹ. Do đó, dù sống cùng hay không thì những ký ức, kỷ niệm, sự tôn trọng và yêu thương của người thân sẽ mãi mãi làm nên giá trị văn hóa của gia đình Việt...