“Bồng bềnh” chợ Tết trên sông
Chợ là nơi đông đúc, náo nhiệt, tập trung nhiều người mua bán, trao đổi hàng hóa. ĐBSCL được biết đến với hệ thống sông ngòi chằng chịt, kênh rạch ngoằn ngoèo, bủa vây khắp mọi nơi, số lượng nhiều vô kể. Trước đây, phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xuồng, ghe, tàu, thuyền nên chợ tập trung chủ yếu trên sông. Từ đó tạo nên nét độc lạ chợ trên sông ở miền Tây mà bà con quen gọi là chợ nổi.
Chợ nổi là nét đặc trưng độc đáo ở xứ này. Những ngày thường, chợ nổi đã tấp nập người mua kẻ bán, cận tết chợ lại càng sôi nổi, náo nhiệt hơn. Người mua đi xuồng, tàu, người bán cũng đi tàu, đi ghe, trao đổi với nhau trên dòng sông. Chính những con sông vùng ĐBSCL này đã tạo sinh kế cho biết bao con người, đã chứng kiến biết bao buổi chợ tết tưng bừng. đó là những hình ảnh thân thương, gần gũi và được mong chờ nhất trong năm. Vì chợ mấy ngày này trở nên vui vẻ lạ thường. Đối với nhiều du khách ở nơi khác đến hay du khách nước ngoài thì sẽ rất thích thú với phiên chợ độc lạ này
Trước thềm năm mới, chợ dường như đẹp hẳn lên vì được điểm tô nhiều sắc màu, hàng hóa dồi dào, tươi ngon chủ yếu là đồ vườn. Đặc biệt ngày tết còn sáng bừng bởi những cách hoa xuân. Hoa đầy ấp trên các ghe, tàu nở rộ nhiều màu sắc, nhiều chủng loại, nhưng chủ yếu là mai vàng và hoa cúc, nên màu vàng giống như gam màu chủ đạo trong mùa xuân trên những dòng sông. Những sản vật của dòng sông đem lại, cộng với ánh nắng ấm áp luôn mang đến vẻ đẹp ngất ngây lòng người mỗi khi chợ tết trên sông về và là nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Cũng giống như miền Bắc, ngày tết có thú chơi hoa. Người miền Bắc chọn hoa đào là biểu tượng của mùa xuân nhiều may mắn và tài lộc. Còn với người miền Nam,hoa mai vàng lại được trưng nhiều trong những ngày tết. Hoa mai miền Nam, nở rộ vào mùa xuân, có màu vàng tươi lấp lánh, xinh đẹp trông bắt mắt. Người trồng mai phải tính ngày thích hợp, bỏ hết lá, tưới nước, chăm sóc đúng cách thì mai mới nở rộ đúng dịp tết. Cành mai khẳng khiu, trơ trọi lá, được phủ lên màu vàng tươi bởi những cánh hoa xinh xắn, rung rinh trước gió, đón chào năm mới. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, tài lộc. Người dân thường chọn cây có nhiều nụ và lộc, để hoa nở đúng lúc giao thừa hay sáng sớm mùng một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình trong năm mới. Miền Nam mỗi độ tết đến xuân về, đến nhà nào cũng vậy, luôn có cây mai vàng nở rực rỡ, người người ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi, khó mà rời mắt khỏi những bông hoa ấy. Ong bướm thì vây quanh, chen nhau hút mật, vo ve, xôm tụ cả một khoảng không.
Ẩm thực Tết dân dã, độc đáo
Người dân Nam Bộ thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” |
Ngày tết, vùng miền nào cũng trưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên. nhưng ở mỗi miền lại khác nhau, mang nét riêng độc đáo. Miền Bắc mâm ngũ quả dồi dào màu sắc, tượng trưng cho ngũ hành, sự đơm hoa kết trái, viên mãn, tròn đầy. Không cầu kỳ như miền Bắc, mâm ngũ quả của người miền Trung thường là có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên. Riêng với người miền Nam mâm ngũ quả khá đặc biệt và đầy ý nghĩa.
Với tâm hồn phóng khoáng, bình dị, người miền Nam có mâm ngũ quả mang đậm phong cách, cá tính của mình. Các loại quả chính được bày biện như là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài”, với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc, phát đạt và là lời nhắc nhở, răn dạy sự “vừa đủ” và chi tiêu hợp lý. Nhiều nhà còn thêm quả dư, với ước muốn không chỉ đủ mà phải được dư dả, giàu có. Hay thêm quả sung, tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc.
Ngày Tết ở bất cứ gia đình nào, dù bất kể là nghèo hay giàu, trong nhà phải chuẩn bị chu đáo những món ngon và mang đậm hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Với miền Nam những ngày đầu năm, nhà nào cũng vậy, luôn luôn có một nồi thịt kho tàu và bánh tét, giống miền Bắc có thịt đông và bánh chưng. Tương truyền ngày xưa cứ tết đến người ta gói loại bánh này và gọi bằng tên “bánh tết”, lâu dần đọc trại ra thành “bánh tét”. Do đó, bánh này là món bánh chính, không thể vắng mặt trong ba ngày xuân. Tuy nhiên ngày nay, bánh tét không được phổ biến nhiều trong ngày tết như trước, bánh tét chủ yếu được gói vào dịp đám tiệc. Bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác.
Trên mâm cơm ngày tết, với người dân Nam Bộ nhất thiết phải có món thịt kho tàu. Nhắc đến thịt kho tàu, là người ta biết ngay là dân Nam Bộ, ai được sinh ra và lớn lên trên miền quê này mà không gắn tuổi thơ mình với món thịt kho tàu. Được ăn từ lúc nhỏ đến trưởng thành, nhưng hễ cứ nhắc là thèm ngay, là nhớ nhà ngay, chỉ muốn được về ngay để thưởng thức miếng thịt ngon ngọt mẹ làm. Thịt kho tàu ăn với dưa giá hoặc dưa củ kiệu thì đúng bài bản. Trong món ăn này, ta cũng bắt gặp một biểu tượng hết sức quen thuộc của triết lí âm dương, là hình ảnh những quả trứng tròn (dương) bên cạnh những miếng thịt được cắt theo hình vuông (âm), biểu tượng cho sự hài hòa âm dương, vuông tròn. Thể hiện mong ước một năm mới trọn vẹn, may mắn, gặt hái được nhiều thành công.
Phong tục mang đậm tính cách Nam Bộ
Phong tục lì xì ngày tết không câu nệ giá trị mà chủ yếu đem lại niềm vui, tốt lành, may mắn |
Một phong tục độc đáo và được duy trì phát triển mạnh của người dân Nam Bộ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích thú, đó là tục lì xì đầu năm. Tục lì xì phổ biến ở miền Nam trước, sau đó lan ra các vùng khác của Việt Nam. Tiền mới được bỏ vào phong bao có màu đỏ rực rỡ, tặng trẻ nhỏ trong gia đình để lấy may, ước mong trẻ mau ăn chóng lớn, mọi sự được như ý. Đồng thời, con cháu mừng tuổi ông bà, cầu chúc sức khỏe, an vui tuổi già. Bao lì xì nhỏ thế thôi, nhưng mang giá trị ý nghĩa lớn lao, một nét văn hóa đặc biệt đậm chất triết lý của người miền Nam, không câu nệ giá trị mà chủ yếu đem lại niềm vui, tốt lành, may mắn.
Theo quan niệm của người miền Nam “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên trong ba ngày Tết cũng có tục kiêng kị nhiều thứ với hy vọng cầu mong khởi đầu của năm mới được suôn sẻ. Đêm giao thừa nếu không về nhà kịp thì sẽ rất vất vả ngược xuôi để làm ăn là một trong những điều kiêng kị của người miền Nam. Vào thời khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, thời điểm linh thiêng, người ta phải có mâm cơm cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, được sự chở che và phù hộ mọi điều tốt đẹp sẽ đến, những điều xấu được tránh khỏi. Người miền Nam rất hiếu khách, nhiệt tình, nếu họ mời bạn ở lại dùng bữa, bạn đừng từ chối vì điều đó thể hiện tấm lòng của họ. Ngoài ra, người miền Nam còn kiêng kị nhiều thứ như kiêng mất chổi, kiêng làm đổ vỡ những thứ trong nhà, kiêng mua bán tiêu, muối những ngày trước và trong tết,…
Đặt chân lên miền đất Nam Bộ những ngày tết, bạn sẽ cảm nhận rõ đặc tính của những con người hoà đồng, mến khách, chân chất và bình dị. Đồng thời khám ra rất nhiều điều thú vị trong những nét văn hoá truyền thống và phong tục lễ Tết.