Đất nước này quá nghèo, làm chưa đủ nuôi bộ máy hành chính, luôn “giật gấu vá vai”, không đủ tầm nhìn để quy hoạch dân cư, không có thực lực làm cầu vượt đường sắt bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh vừa an toàn... Đặc biệt, văn hóa pháp luật về giao thông, chúng ta kêu mãi nhưng xem ra hàng trăm năm nữa may ra mới hình thành. Trong tình hình như vậy, tai nạn giao thông nói chung, trong đó có tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong cuộc họp bất thường tối 28/5 tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo phải có chế độ, chính sách đảm bảo cho công nhân gác chắn, lái tàu... yên tâm làm việc. Ông Bộ trưởng đưa ra một câu hỏi không mới: “Trực gác chắn lương thấp thì trách nhiệm sao cao được?”.
Xin thưa, câu hỏi này không có lời giải. Đường sắt Việt Nam – với tư cách là Tổng Công ty và các đơn vị thành viên là doanh nghiệp, không thể muốn “cải thiện” thu nhập cho công nhân là làm ngay được. Muốn lương cao thì phải giảm bớt người và nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế hiện nay ngành Đường sắt đang phải duy trì hoạt động của những đoàn tàu lỗ vẫn phải chạy nên làm sao hoạt động hiệu quả. Tàu chạy rỗng, khách một chiều vẫn phải chạy, cạnh tranh giữa các phương thức vận tải đang là áp lực “sống - còn” với đường sắt.
Lương không đủ sống thì khó đòi hỏi trách nhiệm. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1916/QĐ-TTg, theo đó, từ ngày 01/7/2018, mức lương cơ sở sẽ chính thức được điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tức tăng 90.000 đồng/tháng. Với 90.000 đồng/tháng có nghĩa là người công chức, viên chức được tăng thêm 3 bát phở/tháng, nhưng giá trị thực của cuộc sống chưa ai biết tăng hay giảm, bởi tất cả giá cả đều đã tăng. Với doanh nghiệp, Nhà nước cho phép tăng, nhưng chưa chắc chủ doanh nghiệp đã có điều kiện thực hiện, bởi còn phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thưa Bộ trưởng, không chỉ trực gác chắn đường tàu mà rất nhiều lĩnh vực lao động khác không thể tăng lương. Tăng lương, cần thiết nhưng không phải là “mấu chốt”, khi mà điều kiện tăng lương không có và không ai trả lời được rằng bao giờ thì công chức, viên chức, người lao động nói chung ở Việt Nam sống bằng lương?
Câu chuyện lương không phải ngày một, ngày hai giải quyết được nhưng về an toàn đòi hỏi phải được bảo đảm từng giờ đối với số phận con người. Do vậy, phải giải quyết đồng bộ “bài toán” lương, trách nhiệm và đạo đức công vụ.