“Dưới con mắt của những người thân trong gia đình em, thành tựu lớn nhất của người con gái là lấy được tấm chồng tốt và có một gia đình hạnh phúc. Họ cho rằng con gái lớn là phải thành thạo nữ công gia chánh, đảm đang, khéo léo việc nhà để xây dựng tổ ấm. Con trai thì cần tập trung học hành, tạo dựng mối quan hệ xã hội để trở thành trụ cột của gia đình và chủ nhân tương lai của đất nước. Họ không hề quan tâm việc con gái chúng em cũng có ước mơ trở nên độc lập và làm chủ cuộc sống của mình… Nếu con gái ở thành phố còn phải đối mặt với những định kiến này, vậy thì với các bạn gái dân tộc thiểu số sống ở vùng núi hẻo lánh thì sao?”.
Trên đây những lời chia sẻ của Phương Anh, 20 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, người vừa được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam bà Ann Mawe trao quyền nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10/2019.
Từ năm 2012, ngày 11/10 hàng năm được Liên Hợp quốc công nhận là Ngày Quốc tế trẻ em gái với mục đích thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái. Năm nay, Tổ chức Plan International Việt Nam đồng hành cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trên hành trình thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái nắm giữ vai trò lãnh đạo. Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra chính sách đối ngoại nữ quyền để thúc đẩy bình đẳng giới, giúp tất cả phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền lợi mà họ xứng đáng.
Sau khi được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam bà Ann Mawe trao quyền, Phương Anh đã có cơ hội trải nghiệm một ngày làm việc của Đại sứ cũng như lắng nghe câu chuyện của bà – từ một cô gái Thụy Điển bình thường trở thành Đại sứ.
Trong buổi thảo luận với Đại sứ, Phương Anh chia sẻ suy nghĩ của bản thân về phụ nữ và trẻ em gái trong vai trò lãnh đạo: “Em luôn tự hỏi nếu như con gái chúng em không chỉ muốn một cuộc sống ổn định mà còn muốn được trở thành lãnh đạo thì sao. Em tin rằng trẻ em gái và phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo, chỉ cần có thêm nhiều tấm gương để học tập, cũng như có được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè”.
“Chúng ta có ngày Quốc tế Phụ nữ và Quốc tế Thiếu nhi nhưng cả hai ngày này đều không công nhận vị trí đặc biệt của những em gái đang bị phân biệt chỉ vì giới tính của mình cũng như vì các em còn trẻ. Bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Trên khắp thế giới, sự hiện diện của phụ nữ và quyền tiếp cận tới các nguồn tài nguyên của họ vấn còn nhiều giới hạn” - Đại sứ Thụy Điển, bà Ann Mawe nhấn mạnh.
Bà Đại sứ và Phương Anh đã có buổi thăm Trường Trung học phổ thông Vân Nội, huyện Đông Anh để tham dự phiên thảo luận của câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự Thay đổi”. là sáng kiến của dự án “Thành phố an toàn, thân thiện và bình đẳng cho trẻ em gái” được Tổ chức Plan International thực hiện nhằm tập trung xây dựng môi trường an toàn hơn cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở nơi công cộng. Trong phiên thảo luận, các bạn học sinh đã chia sẻ ý kiến về những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam mà các bạn cho là có bao gồm những khuôn mẫu giới.