Đam mê cống hiến những giá trị khác biệt
Đó là những chia sẻ xúc động của những thanh niên khuyết tật phi thường, đã vươn lên số phận, có nhiều đóng góp cho cộng đồng như vận động viên Đoàn Ngọc Bảo, người mất một chân, đã đạt nhiều thành tích trong thể thao. Đó là anh Lê Văn Công, vận động viên cử tạ đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam. Anh Công đã đạt nhiều huy chương tại các kỳ đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, khu vực Đông Nam Á, châu Á, đặc biệt đã đoạt Huy chương Vàng (HCV) ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Rio de Janeiro (Brazil), Huy chương Bạc (HCB) ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Và đó còn là những con người nơi tận cùng gian khó đã tìm ra lẽ sống cho mình trong yêu thương. Năm 13 tuổi, căn bệnh viêm đa khớp quái ác khiến Trần Thúy Nga (Tân Kỳ, Nghệ An) phải gắn bó cả đời với chiếc xe lăn. Tuyệt vọng trong cơn đau giày vò ngày đêm, Thúy Nga đã từng nghĩ đến việc đầu hàng trong cuộc chiến với số phận. May mắn thay, những trang sách đã giúp cô xua tan những suy nghĩ u ám ấy một cách thần kỳ.
Bạn Trần Thúy Nga và hiệu sách nhỏ của mình. |
“Càng đọc nhiều sách, tôi càng hiểu sâu sắc về tình yêu thương, thấm thía nỗi đau của những người còn thiếu may mắn hơn cả bản thân mình. Mỗi cuốn sách lại là một người thầy, dạy tôi hiểu rằng: dù tay chân hầu như không thể cử động, nhưng tôi vẫn còn trí óc, vẫn có thể trao gửi yêu thương, chia sẻ với người khác”, chị Trần Thúy Nga xúc động kể lại.
Chị Thúy Nga mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, tiết kiệm tiền mua thật nhiều sách. Không những vậy, chị còn lập một fanpage trên mạng xã hội Facebook mang tên “Thư viện miễn phí Thúy Nga”, thường xuyên đăng tải hình ảnh bạn đọc đến mượn sách để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng tại nơi ở và nhiều địa phương lân cận.
“Qua những trang sách, tôi nghiệm ra chân lý cuộc đời: không lành lặn thì chẳng có gì phải hổ thẹn. Chúng ta chỉ nên xấu hổ khi sống mà không có lý tưởng tích cực, không biết cống hiến, làm đẹp cho đời. Nếu không thể là mặt trời, hãy trở thành tia nắng sớm mai, dù nhỏ bé nhưng tươi sáng, sưởi ấm cho bao người”, “bà chủ” Thư viện miễn phí Thúy Nga tươi cười nói.
Không có khả năng nghe thấy âm thanh của cuộc sống nhưng chị Lương Thị Kiều Thúy lại làm được những điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Năm 2020, chị khởi nghiệp, gây dựng thành công “Tiệm giặt là của người điếc” tạo việc làm, dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ và truyền cảm hứng đến cộng đồng với mong muốn thay đổi định kiến về người khuyết tật.
Năm 2019, chị Thúy quyết định nghỉ công việc chăm sóc khách hàng để trải nghiệm công việc giặt là. Chị được trao cơ hội làm chủ một cửa hàng giặt là, không có lương cứng, tự tìm kiếm và xây dựng lòng tin từ khách hàng, tự trả lương cho mình bằng doanh thu.
Từng có kinh nghiệm giặt là và sự tỉ mỉ, khéo léo trong quá trình làm việc trước đó, chị Thúy được tin tưởng giao nhiệm vụ làm lễ tân, vận hành máy kiêm nhiệm quản lý nhân viên giao nhận cho cửa hàng. Tại đây, chị xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hoá một bộ máy tại cửa hàng để công việc diễn ra trơn tru nhất cho người điếc.
Năm 2020, ý tưởng kinh doanh “Giặt là sáng” vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én vàng” cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải “Best performance” trong chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do UNDP tổ chức.
Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với chị Thúy khi chị liên danh cùng chuỗi nhượng quyền “Giặt ký” đầu tư với số vốn 101 triệu đồng và ra đời “Tiệm giặt là của người điếc” đầu tiên tại ven bờ sông Sét, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
VĐV thế giới Lê Văn Công và chị Lương Thị Kiều Thúy trong buổi lễ Vinh danh “Tỏa sáng nghị lực Việt”. |
Toàn bộ nhân viên trong cửa hàng đều là người điếc. Đặc biệt, hoạt động của cửa hàng được hỗ trợ đắc lực bằng nhiều ứng dụng công nghệ như Zalo, Facebook... Tuy nhiên, tiệm giặt vừa hoạt động được hai tháng thì dịch bùng phát trở lại. Chị Thúy và các nhân viên đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để “sống sót”. Khó khăn, dịch bệnh trở thành phép thử cho bản lĩnh của chị Thúy. Chị vẫn gắng duy trì được việc làm cho các nhân viên, mở cửa đón thêm khách hàng mới. Luôn lạc quan để học hỏi là điều chị đã làm trong suốt thời gian đó, đồng thời tham gia các khoá học để phát triển kinh doanh.
Khi thành phố kết thúc giãn cách tiệm giặt đón thêm một máy giặt, cái kệ mới, thay đổi việc sắp xếp vị trí, sửa chữa vòi nước lỏng lẻo rồi tập huấn cho các cô gái người điếc, hệ thống lại quy trình 5S để làm việc chuyên nghiệp hơn. Giờ đây, chị đã sẵn sàng đón thêm người khuyết tật đến cơ sở thứ hai.
“Kế hoạch tương lai của chúng mình là xây dựng mô hình “nhượng quyền kinh doanh xã hội” trên quy mô toàn quốc. Một mô hình vô cùng mới với người khuyết tật nhưng với chúng mình đó là đam mê được cống hiến giá trị khác biệt của mình”, chị Thúy tâm sự.
Lực sỹ Lê Văn Công và tấm HCV thế giới bán đấu giá cho bé hàng xóm chữa bệnh
Lực sĩ Lê Văn Công giành tấm HCB môn cử tạ tại Paralympic Tokyo 2020 và tiếp tục chứng minh mình là một trong những lực sĩ xuất sắc nhất thế giới ở hạng dưới 49kg nam trong cuộc thi của những người khuyết tật. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc thi đấu, Lê Văn Công còn là nhà vô địch của nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh và lan tỏa lòng nhân ái tới cả cộng đồng.
Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật, tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt. Bản thân Lê Văn Công cũng phải xoay xở làm rất nhiều nghề, để mưu sinh trong cuộc sống thường nhật khi mới 21 tuổi tại TP Hồ Chí Minh kể từ năm 2005. Anh khởi nghiệp với nghề âm thanh, ánh sáng và sửa chữa loa đài, ampli từ nhiều năm, rồi phải làm thêm cả dịch vụ môi giới bất động sản và gần đây nhất là cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch gồm rau, củ và bắp tại huyện Củ Chi.
Á hậu Hương Giang, MC khiếm thị đầu tiên của Đài THVN. |
Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cửa hàng sửa chữa điện tử của Lê Văn Công dần vắng khách, chỉ hoạt động cầm chừng. Cùng với đó, việc trồng nông sản cũng phải dừng lại vì không có người chăm sóc và việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức khó khăn khi TP Hồ Chí Minh thực hiện quy định giãn cách xã hội. Cả gia đình 4 người gồm vợ và 2 con hiện chỉ trông đợi vào khoản thu nhập từ 5-6 triệu đồng là tiền lương VĐV của Lê Văn Công.
“Với người bình thường, việc lao động mưu sinh cuộc sống đã khó, còn với người khuyết tật thì khó khăn còn nhiều gấp bội. Kể từ khi học việc, rồi đến lúc bén duyên với môn cử tạ thi đấu ở các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế, đó là một quá trình phấn đấu rất bền bỉ và gian nan, nhưng tôi luôn tự nhủ, càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Trong hơn 1 năm qua, cuộc sống cũng trở nên khó khăn hơn nhiều vì chẳng có thu nhập gì thêm ngoài khoản tiền lương VĐV, nhưng rất may là vẫn còn một chút tích lũy từ trước đó nên vẫn cố gắng để thu xếp cuộc sống, lo cho các con học hành”, Lê Văn Công chia sẻ.
Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gây ra muôn vàn khó khăn cho đời sống xã hội ở nhiều địa phương trên toàn quốc kể từ năm 2020. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Lê Văn Công đã gửi món quà là 2.000 trái bắp “Nữ hoàng đỏ” tới những đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, sau đó còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, Lê Văn Công đã quyết định đấu giá tấm HCV giành được tại Giải vô địch thế giới vào năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền ủng hộ cho cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư. Tấm HCV sau đó được anh Nguyễn Thiện (quận 7, TP Hồ Chí Minh) mua với mức giá 125 triệu đồng và toàn bộ số tiền đã được Lê Văn Công trao lại cho gia đình bé Đoàn Thị Bích Hương để cô bé được điều trị tốt hơn.
Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa tình yêu thương, tinh thần “tương thân tương ái” tới toàn xã hội. “Bằng việc làm cụ thể và sự cố gắng của mình, tôi mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người khuyết tật. Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”, Lê Văn Công hy vọng.
Lê Văn Công sinh ngày 20/6/1984 tại Hà Tĩnh và bị chứng teo chân từ nhỏ. Anh rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2005 với mong muốn chiến thắng số phận. Kể từ khi tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và bén duyên với các môn thể thao với mục đích tập luyện để duy trì sức khỏe. Lê Văn Công từng tập luyện điền kinh và sau đó mới chuyển hẳn sang thi đấu cử tạ tại CLB thể thao dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh…
Chương trình tuyên dương đã có những bất ngờ xúc động khi xuất hiện trên sân khấu là MC khiếm thị Nguyễn Hương Giang, Á hậu cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019. Hương Giang là một trong những người khuyết tật từng được tuyên dương của chương trình. Hương Giang đã tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và trở thành MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam.