Ngại chung chiếu, chung mâm vì sợ lây... 'vi rút' đồng tính

(PLO) - Dường như sự công nhận về cộng đồng LGBT ở Việt Nam vẫn chưa hề đi vào thể thống nhất, bởi lẽ đâu đó vẫn có sự kì thị, dè chừng với người đồng tính. Ngọn nguồn của vấn đề có lẽ là sự “hiểu nhầm” không nên có về vấn đề đồng tính có khả năng lây nhiễm.
Cần phải cởi mở với người đồng tính bởi họ không phải là bệnh, là virut mà có khả năng lây lan được.

Hiểu lầm dẫn đến sự kì thị…

Tôi gặp Minh Đoàn (Lào Cai) vào một chiều cuối thu Hà Nội. Minh Đoàn với tâm trạng uể oải và chán nản không phải do chuyến tàu từ quê cập bến ga tàu muộn mà bởi những chuyện mà mấy ngày qua cô phải đối diện một nỗi buồn sâu kín.

Minh Đoàn cùng đoàn thiện nguyện ở trường về cứu trợ đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn trong đó có gia đình họ hàng cô. Cô đã cho mấy đứa em họ hàng ít quần áo cũ để dùng bởi mùa đông sắp đến. Cậu, dì ai cũng cảm ơn rối rít và đón nhận nó bằng tất cả sự nhiệt thành. Ấy thế nhưng chỉ vừa quay lưng đi, Đoàn đã nghe thấy tiếng nhỏ to trong phòng:

“Mày mang vứt đi, con Đoàn nó bị less mày mặc đồ nó rồi bị lây “con virut” đồng tính thì mày chết với tao”. Những thiệt thòi về giới tính dường như chả là gì so với việc Minh Đoàn phải gánh chịu sự kì thị và xa lánh của chính người thân trong gia đình.

Nhưng so với những gì đang phải đối mặt, Minh Đoàn còn may mắn hơn Quốc Hưng (Hòa Bình) rất nhiều bởi Minh Đoàn chỉ là vô tình nghe nói sau lưng thôi còn Quốc Hưng thì phải trực tiếp đối diện với nỗi đau đó. Những dịp giỗ tết, họ hàng gia đình quây quần bên nhau nhưng gia đình Hưng lại khác mọi người ai cũng giữ khoảng cách, thậm chí còn ngại ngồi chung chiếu, ăn chung mâm.

Hưng kể: “Có lần về đám giỗ ở quê, mình có gắp cho đứa em miếng nem vì nghĩ nó ngồi xa không với tới được thế mà mẹ của nó quay ra đá vào chân, xong nháy mắt báo hiệu không được ăn”.

Lúc đó mình cũng hơi buồn, nhưng sau này dù cố gắng thuyết phục với mọi người rất nhiều lần rằng bệnh đồng tính không hề lây như mọi người vẫn nghĩ. Nhưng dường như không hiệu quả, mọi người vẫn không hề muốn rút ngắn khoảng cách với mình rồi lâu dần mình cũng kệ. Ở quê như vậy là điều dễ hiểu mà”. Hưng tâm sự.

Đồng tính là xu hướng tính dục có tính chất cố định, không một cá nhân nào có thể lựa chọn giới tính cho mình. Sự đồng tính được hình thành từ bé dưới sự tác động qua lại của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, thậm chí nó còn có trước khi nếm trải… tình dục. Liệu đồng tính có lây hay không? Và làm sao để ngăn lại sự kì thị và hiểu lầm về khả năng lây nhiễm của đồng tính. Câu hỏi đó đã đến lúc cần phải được trả lời rõ ràng để tránh “nỗi đau chồng chất những nỗi đau”.

Cần hiểu đúng sự việc

Rất nhiều người đã từng “phán xét” xu hướng yêu đương và chuyện tình dục của những người đồng tính dưới góc độ đạo đức và tôn giáo hoặc tâm lý chủ quan, mà ít ai quan tâm đến các yếu tố di truyền, sinh học một cách nghiêm túc để hiểu rõ hơn về xu hướng tình dục này.

Thực chất, đồng tính luyến ái không có hại cho cộng đồng xã hội. Nó không phải là căn bệnh hay một loại virus nào đó có thể lây lan. Hay nói cách khác người đồng tính chỉ là một tập thể cá biệt, một “dân tộc thiểu số” trong một cộng đồng to lớn. Dường như không liên quan, không gây ảnh hưởng tới số đông còn lại.

Từ trước đến nay, ở mọi nơi đồng tính luyến ái chưa bao giờ gây nguy hiểm hay đe dọa cho sự tồn tại của giống loài. Họ chỉ là những cá thể trong thời kỳ dậy thì phát hiện xu hướng tính dục “khác lạ” của mình nhưng dù đã tìm mọi cách để thay đổi nhưng vẫn hoàn toàn…thất bại. Khoa học đã chứng minh, con người từ lúc sinh ra thái độ tình dục đã được quy định sẵn.

Những người tình dục đồng giới chỉ là nạn nhân của một cấu trúc sinh học mà họ không thể thay đổi được. Đáng nhẽ ra họ cần phải được cảm thông chia sẻ bởi những thiệt thòi đó hơn là nhận lấy sự miệt thị và xa lánh như lúc này. Bình thường người ta hay dùng từ “bị” để dùng cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Ví dụ như: “Anh BỊ gay à?” , “Có phải chị BỊ les không?”,… Từ cách gọi này vô hình chung đã khiến cho nhiều người lầm tưởng đồng tính là một căn bệnh dễ bị mắc phải. Thực tế thì đồng tính là một hiện tượng tự nhiên và hoàn toàn bình thường. Đây là một xu hướng tương đối cố định của một bộ phận dân số, có tính liên tục xuyên suốt lịch sử và văn hóa. Vậy nên hoàn toàn không hề có bất kỳ một phương pháp nào có thể “chữa trị” đồng tính. 

Các nhà khoa học đã ghi nhận sự hiện diện của người đồng tính nói riêng và người LGBT nói chung trong mọi nền văn minh cổ xưa nhất từ Đông sang Tây. Và thậm chí là nhiều nhà sinh vật học còn chứng minh rằng hiện tượng đồng tính luyến ái phổ biến không chỉ ở con người mà còn ở các loài côn trùng đến các loài có vú. Sự đa dạng xu hướng tính dục là một đặc điểm có tính phổ quát của toàn nhân loại.

Tùy theo từng thời kỳ và nền văn hóa thì những người đồng tính, song tính và chuyển giới có cách gọi khác nhau. Vì đồng tính không phải là bệnh nên nó cũng không thể có nguy cơ lây lan, càng không thể phát triển thành trào lưu. Số lượng người đồng tính không “nhiều lên” mà luôn giữ ở mức ổn định (từ 3 – 5% dân số).

Đơn giản là càng ngày thì càng có nhiều người đồng tính hiểu biết hơn về bản thân, dám công khai sống thật và thể hiện mình hơn, xuất hiện nhiều trên truyền thông hơn khiến cho nhiều người nghĩ rằng số người đồng tính tăng lên theo thời gian.

 Chính vì lẽ đó, mà khi người đồng tính đang ngày càng muốn sống bình thường và hòa nhập với xã hội thì những người may mắn được bình thường như tất cả chúng ta cũng nên dang rộng vòng tay và “sống hòa thuận”. Họ không phải bệnh, cũng không phải virut để phải nhận lấy sự kì thị như thế.

Đọc thêm