Ngậm đắng nuốt cay chiều lòng "ô sin"

Biết vị trí của mình khá quan trọng nên thay vì giữ lời hứa nhiều lao động giúp việc đã thi nhau “làm giá” chủ nhà. Để không bị lỡ dở công việc, đảo lộn sinh hoạt, nhiều gia đình đành phải “ngậm đắng nuốt cay”, chịu nhịn đủ bề để chiều lòng ô sin.

Biết vị trí của mình khá quan trọng nên thay vì giữ lời hứa nhiều lao động giúp việc đã thi nhau “làm giá” chủ nhà. Để không bị lỡ dở công việc, đảo lộn sinh hoạt, nhiều gia đình đành phải “ngậm đắng nuốt cay”, chịu nhịn đủ bề để chiều lòng ô sin.

Làm giá để “tăng lương”

Anh Nguyễn Ngọc Lâm (ở Hoàng Mai, Hà Nội) có thuê một người giúp việc nấu ăn cho thợ của xưởng sản xuất đồ gỗ gia đình. Hôm nghỉ Tết, chị Lan, giúp việc của gia đình anh Lâm hứa mồng 9 tháng Giêng sẽ xuống Hà Nội tiếp tục công việc. Nhưng sau hẹn đã 4 ngày mà người giúp việc vẫn bóng chim tăm cá.

Theo đánh giá của các trung tâm cung ứng lao động, giúp việc gia đình vẫn là đối tượng lao động được săn đón nhất hiện nay. Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của các trung tâm cung ứng lao động, giúp việc gia đình là đối tượng lao động được săn đón nhất hiện nay. Ảnh minh họa.

Gọi điện thoại thì chị Lan cho biết gia đình bận làm lễ mừng thọ cho bà cô nên chưa thể đi được. Chị Lan còn nói là năm nay ông xã không muốn cho vợ đi làm nữa. Nếu chị có thuyết phục được chồng thì cũng phải đến ngày 20 tháng Giêng âm lịch may ra mới quay trở lại làm việc được.

Anh Lâm cho biết, công việc của xưởng sản xuất đã bắt đầu, nếu người giúp việc không xuống sớm thì không biết lấy ai lo cơm nước, dọn dẹp nhà xưởng. Anh Lâm không muốn thuê người mới vì chị Lan khá biết việc, lại nấu ăn ngon. Vì thế, như mọi  năm, anh Lâm lại phải làm một chuyến ô tô lên tận quê chị Lan để thuyết phục chồng chị cho vợ xuống Hà Nội.

Để “thuyết phục” thành công, anh Lâm quyết định tăng mức lương của chị Lan từ 2,5 triệu lên 3 triệu đồng/tháng để anh Công, chồng chị Lan yên tâm ở nhà lo ruộng vườn, con cái.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Hà Thanh (ở Khương Mai, Hà Nội) mới sinh cháu thứ hai được 5 tháng. Hôm ăn Tết ở quê, anh Thanh tìm người mang lên Hà Nội trông em bé để vợ đi làm. Giúp việc tên là Mai, người cùng làng, đã có thời gian làm giúp việc cho gia đình anh Thanh cách đây 6 năm, khi vợ chồng anh có bé thứ nhất. Ba năm nay chị Mai lại đến giúp việc trông em bé cho một gia đình khác ở quận Đống Đa, lương 2,5 triệu đồng.

Khi biết vợ chồng anh Thanh có nhu cầu muốn thuê mình ra Hà Nội ra trông em bé, chị Mai ỡm ờ nửa muốn làm nửa không.

Vài ba năm trở lại đây, do suy thoái kinh tế nên một số gia đình không thuê giúp việc để giảm chi phí. Do vậy nhu cầu tìm người giúp việc có giảm. Trước mỗi ngày có khoảng 6 – 7 người tìm đến trung tâm thuê người giúp việc thì bây giờ chỉ có khoảng 4 – 5 người.

Mặc dù nhu cầu thuê người giúp việc giảm nhưng “ô sin” vẫn là đối tượng lao động “cao giá” nhất hiện nay.

(Ông Trần Duyên Hải

Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam)

Chị Mai nói với vợ chồng anh Thanh: “Năm nay tôi muốn nghỉ ở nhà lâu lâu vì bao nhiêu năm nay đi làm xa rồi. Cũng có mấy gia đình ở gần đó mời làm, trả lương hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng chưa muốn đi. Có gia đình muốn thuê chăm sóc mẹ già 90 tuổi, họ trả 3,5 triệu đồng/tháng.

Lương cao ai chẳng thích nhưng tôi thích trông em bé hơn. Là người làng người nước, tôi cũng quý anh chị lắm, cũng nhớ thằng bé con (đứa con đầu của vợ chồng anh Thanh mà chị Mai trông trước đây - PV) nhưng thôi để qua Rằm rồi sẽ ra giúp anh chị”...

Vì vợ chồng anh Thanh phải đi làm vào ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch nên anh Thanh ra sức thuyết phục chị Mai ra Hà Nội sớm. Để chị Mai “gật đầu”, anh Thanh mừng tuổi cho con chị Mai mỗi đứa 1  triệu đồng để cho chị “yên tâm ra Hà Nội”. Không những vậy, anh Thanh còn hứa trả 3 triệu đồng/tháng (hơn 500 ngàn so với lương chị Mai đang làm). Để “chắc ăn”, vợ chồng anh Thanh thuê xe taxi đến tận nhà chị Mai để đón lên Hà Nội cùng gia đình.

“Biết họ “làm giá” nhưng mình vẫn phải chiều. Tâm lý ra Tết giúp việc nào cũng muốn ở quê đến qua Rằm vì thế đây là thời điểm khan hiếm người làm kinh khủng. Nếu mình không thuê thì người khác thuê mất”, anh Thanh nói.

Chỉ một nửa giúp việc tự động quay lại

Ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam cho biết: Mỗi năm Trung tâm của ông cung ứng hơn 1.000 lượt lao động giúp việc cho các gia đình ở Hà Nội. Có một thực tế tồn tại suốt nhiều  năm nay là lao động giúp việc gia đình thường “trốn việc” sau Tết, nếu đi làm trở lại nhiều người còn ỡm ờ làm giá cao hơn.

Tìm hiểu từ các công ty cung ứng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn Hà Nội cho thấy: Chỉ có khoảng 50% lao động “tự động” quay trở lại làm việc sau Tết, khiến cho các Trung tâm rất vất vả đôn đốc họ quay trở lại làm việc.

Theo ông Hải, nguyên nhân khiến giúp việc “trốn việc” “nhảy việc” sau Tết là do giúp việc gia đình hiện vẫn là loại hình lao động thời vụ, chưa có tính chuyên nghiệp. Sau Tết là thời điểm cấy hái, gieo mạ nên nhiều người muốn ở lại phụ gia đình. Hơn nữa, mấy năm gần đây các địa phương tổ chức đền chùa lễ hội rất hấp dẫn, đời sống người dân cũng khá giả lên nên ai cũng muốn kéo dài thời gian ăn Tết đến qua Rằm tháng Giêng mới nghĩ đến chuyện đi làm.

Trong khi đó, các gia đình thuê người giúp việc lại phải đi làm hoặc vào việc ngay từ sau Tết. Do vậy giữa cung và cầu không khớp nhau, ngay cả các trung tâm cung ứng lao động vẫn khó có biện pháp để khắc phục. “Chỉ khi loại hình lao động này trở thành chuyên nghiệp, người lao động được đóng bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện như các loại hình lao động ăn lương khác thì may ra sẽ khắc phục được”, ông Hải nhận xét.

Theo Gia đình

Đọc thêm