Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Bộ ảnh nhạc trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ ảnh 55 bức về 29 nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đến nay là độc nhất vô nhị. Nói về kho ảnh của Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo đó là “Ngân hàng ảnh Văn nghệ sĩ Việt Nam lớn nhất”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bên triển lãm bộ ảnh nhạc trưởng.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bên triển lãm bộ ảnh nhạc trưởng.

1. Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán kể với tôi ông thích chụp ảnh từ thời học phổ thông. Một ý thích mơ hồ bám trong đầu theo năm tháng. Ông nói thêm, lại chỉ thích nếu cầm máy sẽ chỉ chụp bạn bè quanh mình nên từ khi có máy ảnh tập bấm máy, ông đi theo chụp chân dung một cách tự nhiên.

Và cũng tự nhiên, ống kính ông hướng về chân dung những người làm văn nghệ là môi trường ông có nhiều cơ hội gặp gỡ. Với ông, chụp người tài, tử tế và thất thế là hướng lựa chọn. Kho lưu trữ ảnh của ông hôm nay đã nói lên điều đó. Những văn nghệ sĩ nổi tiếng thành danh hay thất thế, ông đều có một sê-ri ảnh từ khi còn trẻ đến già. Ông bảo cứ gặp đâu là chụp đó, trước lưu trữ phim, còn bây giờ thì cất ảnh vào ổ cứng sau khi lựa chọn… vậy mà giờ số ảnh có đến hàng vạn bức.

2. Bộ ảnh 55 bức về 29 nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của Nguyễn Đình Toán đến nay là độc nhất vô nhị. Nói về kho ảnh của Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo đó là “Ngân hàng ảnh Văn nghệ sĩ Việt Nam lớn nhất”. Thật chẳng ngoa chút nào!

Những nhạc trưởng nổi tiếng như Lê Phi Phi (con giai nhạc sĩ Hoàng Vân) hoặc Tet sudi Hona người Nhật chỉ huy dàn nhạc nhà hát giao hưởng nhiều năm nay, ông chụp được khá nhiều thì đã đành nhưng bất ngờ nhất là có những nhạc trưởng ít người biết mà ông vẫn có ảnh như nữ chỉ huy dàn nhạc Minh Cầm (Sài Gòn), Trần Bội Cơ và Đặng Châu Anh… hoặc những nhạc công của Nhà hát giao hưởng từng đôi lần lên cầm đũa chỉ huy như Nguyễn Khắc Thành…

Nói về những lần lặn lội chụp hình thời chưa có máy số, ông tâm sự: máy thì cọc cạch, phim độ nhạy chỉ mua được loại 400 nên khi những giọt mồ hôi nhạc trưởng túa ra, từng giọt rơi rơi mà không thể ghi vào phim được như máy số hiện đại thời nay tiếc lắm…

Nghe tôi khen bức ảnh chụp nhạc trưởng Đàm Linh đang chỉ huy cách nay gần ba mươi năm rất đẹp thì ông thở dài: cầm máy len lỏi trên sân khấu chụp xuống, máy mình nổ to mà tai nhạc trưởng thì thính, chỉ cạch một cái đã có thể làm họ mất tập trung nên mình phải chờ vào lúc giai điệu dồn dập mới “té nước theo mưa” bấm máy, vì thế khá nhiều khoảnh khắc trôi mất mà chỉ biết ngậm ngùi. Chụp ảnh chỉ huy dàn nhạc là ảnh động, đâu phải được pô-ze mẫu như các họa sĩ vẽ đâu, mà có phải nhạc trưởng nào mình cũng quen biết cả đâu để mà biết tính cách thói quen…Khi chụp, chỉ lỗi nhịp một phần nghìn giây qua là mất, nên được khen là quý nhưng những tấm ảnh đẹp nhất không ghi kịp cũng không phải là ít!

Kỉ niệm về những lần đi chụp chỉ huy dàn nhạc biểu diễn của ông nhiều lắm, lúc chụp phải tập trung vào khoảnh khắc xuất thần của người chỉ huy để bấm máy trong sự hạn chế của phương tiện, kể cả tránh tiếng động bấm máy làm phiền quả là việc không dễ chút nào…

Ông thật tài nắm bắt khoảnh khắc, và cũng gắng “đọc”ra tinh thần của từng nhạc trưởng trên đài chỉ huy nên ông có nhiều bức ảnh ghi được tính cách riêng của mỗi nhạc trưởng. Trong chỉ huy dàn nhạc, có người khoan thai dịu dàng, có người xốc xáo nảy giật vung đũa, dứt khoát như chớp giật. Mỗi nhạc trưởng một tính cách, một lối chỉ huy, chẳng ai giống ai.

3. Xem những bức ảnh chụp các nhạc trưởng, tôi ngẫm nghĩ ông cũng là một nhạc trưởng với “dàn nhạc” là cái máy ảnh phương tiện. Ông cũng lại giống như một người sưu tầm đá quý, thu thập đủ thứ đá ngọc… Tôi có người bạn chơi cát, người chơi sỏi cuội, anh ấy đi bất cứ nơi nào cũng nhón lấy một nắm cát, anh kia thì tìm cho được một hòn sỏi cất vào va ly. Về, họ đóng vào lọ, cho vào hộp với hồ sơ kĩ lưỡng. Có người hỏi để làm gì… Làm gì ư, đó là một thú chơi mà chỉ riêng người đó biết.

So sánh thì thành khập khiễng, vì Nguyễn Đình Toán là người làm ảnh nghệ thuật, còn hai người kia chỉ là thú chơi. Nhưng có lẽ đều chung nhau ở thú “sưu tập”, hai người kia là ý thức trong những lần đến miền đất lạ còn Nguyễn Đình Toán thì mải miết săn lùng chân dung…

Nguyễn Đình Toán chụp ảnh chân dung là như vậy. Con đường ông đi thật nghiêm túc mà như người sưu tầm. Nhưng sâu xa hơn lại giống một duyên nợ mà đời ông phải trả nghiệp cho kiếp sống trước. Bao nhiêu năm nay, chụp ảnh với ông không hẳn nghề mưu sinh, chụp không do ai đặt hàng, mà mải miết chỉ để thỏa mãn cái tình yêu của mình với những người ông kính trọng và yêu mến. Nguyễn Đình Toán cầm thẻ nhà báo không có lương của tạp chí nghiên cứu lịch sử “Xưa và Nay” chỉ để làm giấy thông hành có thể đến với mọi chỗ cho ông muốn, ông cần.

Bộ ảnh chân dung các nhạc trưởng đã chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam ông lần lượt chụp trong 30 năm chỉ ông có là do được hình thành như vậy. Sưu tập của ông có cả tung lẫn hoành. “Tung” là từng nhân vật cụ thể chụp qua nhiều năm, “hoành” là dàn hàng ngang những gương mặt làm nghệ thuật thành danh như nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nghệ sĩ biểu diễn. Tất cả ông đều rút ngăn kéo ra như ô thuốc bắc của một thày lang lâu năm.

Bởi vậy mà một nhiếp ảnh tự do như ông hôm nay là người giàu có nhất các bộ ảnh chân dung mà nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có đẳng cấp phải nhìn ông với con mắt nể trọng.

Đọc thêm