Lên Hà Giang, vượt đèo Pác Sum đến Cổng Trời – Quản Bạ là bước vào thế giới đá chập trùng. Đến đỉnh cao lộng gió trên đầu Phó Cáo rồi hạ thấp xuống Lũng Cẩm – bản của người Lô Lô – thì đất chỉ còn chút ít quanh nhà. Từ ngang tầm mắt bứt lên chỉ còn đá và đá. Đá một màu đen tím nhấp nhô, muôn hình thù kì quái như một sưu tập ngàn – vạn – triệu các non bộ cảnh ghép thành. Tôi tựa lưng vào một non – bộ – cảnh bên đường, từ từ nhìn quét theo kiểu ống kính camera truyền hình, bỗng trong người cũng dâng lên một cảm giác kì lạ.
Ừ, đá đấy mà đâu còn là đá nữa. Như ta đang ở giữa rừng người tiền sử hay những hoá thạch người hành tinh khác? Họ đấy! Họ đang ngồi suy tư, họ đau khổ, họ đang nghiền ngẫm trong đầu những dĩ vãng bi tráng của thời gian. Trong cái không gian trùng trùng đá, trùng trùng sự câm lặng ấy, con người trở nên nhỏ bé và mong manh biết bao.
Có người bảo lên Hà Giang mà chưa đến Đồng Văn – Mèo Vạc là chưa biết Hà Giang. Quả đúng như thế. Trên đường đi, qua mỗi địa danh đều cho ta một cảm nhận: đèo Pác Sum mơ màng, dốc Tráng Kìm trầm tư bên dòng sông nhỏ xanh biếc, một Cán Tỉ chênh vênh hiểm trở và đây Mã Pì Lèng hoành tráng vô song. Nhà thơ Vũ Chấn Nam từng viết:
“Mã Pì Lèng dốc nghiêng triền dựng đứng
Thế ngàn năm sừng sững giữa trời mây
Đá lô nhô phơi muôn mũi mác dầy
Bủa thành luỹ bao quanh dòng Nho Quế”.
Còn vẻ thơ mộng thì không thiếu bởi
“Bước đến Cổng Trời nhìn Quản Bạ/
Ngỡ mình cưỡi gió ngắm trần gian” (Chế Lan Viên).
Nếu Cổng trời thơ mộng tưởng dính với trời xanh thì khi lên tiếp Lũng Cẩm còn là mảnh đất vượt lên trên cả thi ca bởi vẻ đẹp êm ả huyền diệu giữa ngàn trùng đá hoang vu. Tôi đã đứng hàng giờ lặng im trước một nương tam giác mạch bừng nở hoa trắng lẩn vào trong mây; hôm nay lại được lặng lẽ bên nương hoa cải nhuộm vàng hoe cả sắc nắng chiều.
|
Tranh của họa sĩ Đỗ Đức. |
Ai đó có dịp may nào đến Lũng Phìn để xem bốn mùa sương mù buông dài, quấn quanh vài ngàn gốc chè Shan cổ thụ; để được thưởng thức thứ chè Shan mà người Mông hái về sao khô nén trong ống bương treo trên gác bếp. Người ta có quyền hãnh diện với chén trà có hương vị mát lạ ngạt ngào như thức uống của thần tiên.
Tôi nghĩ sớm muộn đất Đồng Văn sẽ có ngày được ngành du lịch quan tâm. Nếu như Lâm Đồng có Đà Lạt mộng mơ, Lào Cai có Sapa mát mẻ với rừng đào lê và đỉnh Phansipăng cao ngất thì Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều điều thú vị hấp dẫn mà hai vùng đất kể trên không có được. Ngay trên đường đi, khi qua nhiều đèo dốc chênh vênh, nhiều cua tay áo hiểm trở đã là dịp để thử sức những ai ưa cảm giác mạnh. Để đôi lúc người ta không rõ mình đang bay trên trời, đi trong mây hay đang là con kiến bò trên miệng chén.
Lên đây để có dịp chuyện trò với đá, leo lên núi đá để tìm hiểu một vùng núi non mà mùa đông luôn được phủ trong tấm chăn sương mù khổng lồ của thiên nhiên. Mùa hạ thì nắng cháy khét đến từng thớ đá. Rồi bất thần những cơn mưa xối xả và đột ngột dừng. Có phải thế chăng mà đá trở nên bị nứt nẻ, bị xé toạc và bị đẽo mòn theo năm tháng?
Lên đây để xem người Mông, người Lô Lô, người Clao, người Pupéo đã khéo sắp xếp cuộc sống của mình như thế nào trên đá, để tồn tại cùng đá. Họ là những con người tài ba trong việc níu giữ từng hạt đất nhỏ nhoi còn trong kẽ đá bằng cách xếp đá làm bờ nương. Họ biết bảo vệ ngôi nhà của mình bằng những tường rào đá xếp vững chắc và duyên dáng.
Họ biết tìm nước và giữ nước giữa những trùng trùng đá xác, khô khan và biết chắt ra từng giọt rượu thơm từ những hạt ngô cuối cùng trong nhà để chờ bạn, đãi khách. Và cũng chỉ có đến với dân vùng biên giới này mới biết được lòng yêu quý bạn bè như thế nào, và mới hiểu niềm tự hào được say khi có nhiều bạn mời rượu…
Có ai biết nơi đây, giữa trùng trùng đá – trùng trùng núi – trùng trùng đèo dốc – trùng trùng sương có mảnh đất Sà Phìn, nhỏ bé mà ở giữa thung nhô lên một gò lớn hình con rùa. Ngự trên đó là ngôi – nhà – pháo – đài đồ sộ – nhà Vương, một di tích kiến trúc mà khởi đầu từ Vương Chính Đức, cha đẻ của Vua Mèo Vương Chí Sình sau này.
Nơi đây, một thời Vương Chí Sình đóng đại bản doanh cát cứ một vùng khiến Pháp, Nhật phải kiêng dè. Con người ấy sau này đã chịu nhận làm anh em với cụ Hồ Chí Minh, đi theo cách mạng. Nơi đây còn di tích hang Vua, nơi hội họp việc cơ mật của nhà Vương từ những năm xưa. Tất cả đều là những di tích lịch sử, văn hóa không thể bỏ qua giữa vùng cao nguyên đá.
Rời Đồng Văn – Mèo Vạc, rời cao nguyên đá để lại sau lưng ta màu cờ Tổ quốc, sưởi ấm đỉnh Lũng Cú. Để lại sau lưng một chợ tình Khau Vai mà ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm ai nhớ lại lên. Để lại một phố cổ Đồng Văn mà cứ đến ngày chủ nhật lại bừng lên sắc thổ cẩm trên áo của người Mông, người Lôlô, người Pupéo xuống chợ.
Để lại sau lưng ta phiên chợ Mèo Vạc với mùi rượu ngô nồng ấm tình người và mùi thắng cố ngầy ngậy trong kí ức. Để lại hình ảnh một vợ chồng Mông xuống chợ với chiếc xe Minxcơ, cô vợ ngồi ngay ngắn phía sau xe, không phải túm đuôi ngựa đi sau anh chồng say nằm vắt ngang trên yên như một thời dĩ vãng. Ôi cao nguyên đá đâu phải là hoang sơ, ở đó con người vẫn có cuộc sống của mình- cuộc sống trên đá. Họ trụ vững như những cột mốc ở biên cương Tổ quốc và cũng rắn rỏi bền bỉ như nghìn năm đá cao nguyên.