1. Gọi là phố vì ở đó có quán hàng. Một ông Nhâm mở quán phở, một bà Đội già đôi lúc làm tiết canh lợn bán có tên là bà đội tiết canh. Cũng chẳng ai biết gốc tích bà. Có người bảo chồng bà là cai đội lính khố xanh, còn già thì không phải tên mà là đặc điểm. Mặt mũi bà dăn deo như quả mơ muối để lưu mấy năm. Tiết canh càng không phải tên mà là món hàng kinh doanh của bà khi khỏe mạnh. Vậy là làng xóm xung quanh không ai biết tên thật của bà là gì!
Lại nói cái tên Đội tiết canh, nghe là vậy nhưng từ lúc tôi biết tên bà thì chưa ai trông thấy bát tiết canh hoặc người mua. Còn trước đó không biết nhưng chắc hẳn có và đã có thời kì cửa hàng bà rầm rộ khách. Khi tôi biết thì bà đã già, suốt ngày nằm im re trên giường, ngày lạnh thì đắp chăn kín mít chỉ thò đầu ra ngoài chăn. Bà bán cho bọn trẻ trong xóm kẹo bột, kẹo vừng, chè lam…toàn thứ làm thủ công. Hàng không có date. Cứ bán hết thì ngày này qua tháng khác. Hàng không date nhưng trẻ con không bao giờ đau bụng rối loạn tiêu hóa bởi ăn kẹo mua từ cụ Đội. Chẳng biết tại nó không có vi trùng hay vì ăn quá ít chưa đủ khối lượng đường mật đủ để gây nên bệnh…
Bà cô đơn. Không thấy có con cái và cũng không cả họ hàng thân hữu. Từng ấy năm tháng chưa ai thấy bà Đội có người nhà thăm hỏi.
Người thứ ba là bà Thu, người Hà Nội tản cư lên chốt ở đây. Bà có cô con gái tên Hạnh lớn như tuổi chị gái mà tôi đã thầm yêu chị. Yêu với tình yêu của đứa trẻ chục tuổi. Lúc ấy thấy chị xinh lắm, má hồng môi đỏ, nói năng luôn dịu dàng và chiều tôi như chị gái.
Bà Thu có cửa hàng nhỏ thấy gọi là La-ghim. Tôi không biết tiếng Pháp nên không hiểu hai chữ La- ghim nghĩa là gì. Nhưng hàng của bà có giấy má sổ sách, dây chun kẹp tóc và lược, mực tím, quản bút và ngòi bút, nước hoa đầm xòe, thuốc đa di năng, mùi xoa, đinh guốc…Toàn những thứ thiết thực cho đời sống hàng ngày. Đôi lúc cũng có kẹo cứng, mở giấy bóng ra trong kẹo lại kẹp chiếc nhẫn nhự nhỏ xinh thích lắm. Phố còn hai ba nhà nữa nhưng không buôn bán gì, đều là người làm ruộng cả. 2. Cái phố tôi biết đầu tiên trong đời là phố đấy: phố Ba Giăng.
Chếch lên đầu phố, có nhà ông Cứ ở lọt xuống khu ruộng trũng chân gò Ba Giăng. Ông Cứ có bốn người con là Y – Như – Hòa - Bình. Ông người Thái Bình tản cư lên đây rồi cũng làm ruộng như dưới quê, nhưng với khát khao khi yên hàn sẽ về quê cha đất tổ chứ không tha hương thế này. Nhưng rồi sau này, khi hòa bình lập lại thấy ông cũng chẳng đi đâu. Cái sống đâu quen đấy sau một hai năm ở đất mới hình như là thói quen của quá nhiều người và rồi chẳng đi đâu nữa. Tên các con đẻ nhắc cho ông bà nhớ mình có quê nên mong yên hàn thì được về quê. Nhưng nào có như ý. Rồi ông bà cũng quy tiên trên mảnh đất vùng tự do. Bốn người con bốn cơ ngơi. Và anh con thứ ba, anh Hòa đâu như làm đến hai khóa Chủ tịch xã.
Còn hai anh em, ông Cán – Hãn thì ở dươi nhà bà Thu, nhưng dựa sát vào chân gò Ba Giăng. Phần giáp mặt đường ông trồng vườn chuối tiêu. Lúc ấy miền trên chưa có khái niệm mặt tiền buôn bán. Thức ra có buôn bán cũng không có khách ăn khách mua. Đường nửa ngày mới thấy một bóng người. Tiền thì hiếm như vàng, mấy ai có tiền ăn quà. Còn bà Nhâm, người lùn, nhỏ, nhanh nhẹn cũng luôn chân luôn tay với vườn tược và việc vặt trong nhà.
Con phố dài chưa đến ba chục mét đó là nơi lần đầu tôi trông thấy và sờ tay lên chiếc ô tô tải, mà người ta gọi là Cam nhông. Lúc ấy bánh xe cao quá đầu tôi…
Rất nhiều năm sau, con đường vắng bóng người và xe qua lại ấy vẫn chỉ rải đá cấp phối, mặt đường đầy khe rãnh, đá lổn nhổn, đi chân không thì rát, đi xe đạp thì bánh xe nhảy lật bật như người sốt rét.
Giờ tôi không nhớ vào năm nào nữa, con đường sắt nối từ ga Quán Triều lên mỏ than Núi Hồng dưới chân đèo Khế, giáp Tuyên Quang có đoạn dài từ dốc Điệp chạy song song với quốc lộ lên mỏ. Có mấy chỗ bạt đồi làm nhà ga để tàu chở khách, nhưng rồi việc đó không thành. Nghe nói con đường không an toàn về kĩ thuật nên không hình thành tuyến tàu khách nữa. Nhà ga xép ở dốc Điệp xây xong nhưng chưa bao giờ khánh thành, mục nát dần rồi bỏ hoang. Giờ đổ nát không còn dấu tích.
Đường sắt Quán Triều - Núi Hồng thành con đường tàu chỉ chở than. Đầu tàu kéo hai toa than cám từ núi Hồng đi xuôi. Mỗi lần tàu chạy đường sắt run bần bật như rắn ăn đòn. Tàu chạy thì cách nó 2km đường sắt đã rung lên. Nhưng không có chuyến tàu nào bị đổ, không nghe nói có tai nạn đường sắt trên đoạn đường này bao giờ. Hôm nay quốc lộ rải nhựa đàng hoàng, đường vẫn hẹp dù đi lại tấp nập hơn nhưng cũng vừa đủ cho nhu cầu dân sở tại. Con lộ huyết mạch trong chiến tranh hôm nay vắng lặng, trở lại bình dị như người lính trở về làm người nông dân hiền hậu. Hòa bình rồi, ít người và xe cộ qua lại. Từ thành Tuyên về Hà Nội, đi đường bên Phú thọ thuận hơn…
3. Phố Ba Giăng vẫn còn đó. Bây giờ phố dài ra, nhiều hàng quán, chủ yếu là hàng ăn và mấy cửa hàng dịch vụ. Từ Ba Giang xuống dốc Điệp chừng 1 km giờ hình thành con phố dài. Phố dài nhưng vẫn khuất nẻo vì chủ yếu là giao thông buôn bán chỉ toàn là người địa phuong cung cấp cho nhau.
Con đường đất nhỏ nhoi rẽ vào xóm Đồn khoảng sau 1960 được mở to ra cho xe con chạy được vào khu trại nhân giống lợn của Huyện cũng được vá đắp tôn tạo thành con đườn liên xã chỉn chu.