Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Du lịch tàn phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh những hiệu quả kinh tế ngành du lịch mang lại cho cuộc sống con người, mặt trái của hoạt động du lịch khiến thiên nhiên bị tàn phá, cảnh quan, di sản không được bảo tồn...
8km đường dốc xuống sông Nho Quế (ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức).
8km đường dốc xuống sông Nho Quế (ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức).

1. Có lẽ tôi là người ngoại tỉnh gắn bó với Hà Giang nhiều nhất, lâu nhất, đã gần nửa thế kỉ bởi trách nhiệm nghề nghiệp công việc, cứ ra khỏi Hà Nội là leo núi, nên có dịp lên Hà Giang nhiều lần. Bây giờ vẫn lên đều hàng năm vì những việc khác cho trẻ nhỏ, nhưng đó không phải là câu chuyện trong bài viết này..

1970. Nhớ lần đầu khi vượt đèo Pác Sum lên Làng Đán (nay đổi là xã Quyết Tiến) vào giữa hè mà phải mang áo len ra mặc. Bốn bên rừng xanh xen với đá xám mà hơi mát vẫn lan tỏa ngút ngàn. Đường hẹp và xấu tệ hại. Đá răm rải cấp phối, cứ sau trận mưa rừng là chút đất ken với đá giữ cho mặt đường êm lại bị cào xới trôi đi một phần để lại mặt đường trơ xanh đá răm sắc cạnh trừng mắt với bánh xe lăn. 

Từ dưới chân đèo Pác Sum, lái xe cho xe dệ vào chỗ tránh được khoét vào bên đường. Tôi ngửa mặt lên con đường trên đỉnh núi nhỏ như sơi chỉ trắng tót vót lên trời, ẩn hiện thấy một vật nhỏ như con rận đang cựa quậy. Thì ra đang có chiếc xe xuôi dốc. Lái xe giải thích: quen rồi, đi trên đường này mà không quan sát để tránh nhường nhau thì chạm đầu sẽ tiến lùi không được. Chừng nửa tiếng sau mới nghe tiếng ù ì chiếc xe xuôi dốc, bụi bặm và cũ kĩ như tấm áo rách…

Nhiều năm sau, mảnh Hà Giang siêu đẹp trong mắt tôi, vẫn là miền đất heo hút, bí hiểm. Khó khăn nhất vẫn là trở ngại giao thông, vẫn được cho là vùng đất cằn cỗi. Ngân sách trung ương phân bổ dường như chỉ một chiều. Qua nhiều đời lãnh đạo, Hà Giang vẫn thiếu tầm nhìn cho những dự án kinh tế khả thi.

2. Từ 2010, Unesco công nhận Cao nguyên Đồng Văn địa chất toàn cầu thì Hà Giang nhúc nhích du lịch tự phát. Hướng làm kinh tế du lịch mở ra và bắt đầu rầm rộ từ sau 2012. Đường bắt đầu được sửa sang, mở mang, hạ độ dốc, làm cọc tiêu thanh chắn chỗ đèo cao vực hiểm, rồi bạt núi mở lòng đường nhiều chỗ rộng hai ba lần so với trước đây. 

Phố cổ Đồng Văn không còn khấp khểnh mà mặt đường được tôn cao hàng mét, trừ những khách sạn mà chủ đầu tư đều từ các tỉnh khác thì dân sở tại được cấp tiền sửa sang nhà cũ vôi ve thành các homstay đón khách du lịch.

Thị trấn Đồng Văn giờ tối đến đèn xanh đỏ nhấp nháy như Thượng Hải. Chợ cổ nhan nhản các quán cà phê. Cái nhà xây vi phạm pháp luật Paranoma trên đèo Mã Pì Lèng chưa được xử lý đúng múc vẫn như cái gai nhọn đâm vào mắt du khách nhưng con đèo dài 14km này vài năm nữa sẽ thành phố Hàng Đào Hàng Ngang trên núi vì ăn theo nó giờ đã có hàng chục công trình bám con đèo như những con ốc sên bẩn mắt.

Chưa kể sáng kiến địa phương mở con đèo không tên từ sườn đèo Mã Pì Lèng ngoằn ngoèo 8km tạo công ăn việc làm cho dân sở tại chở khách xuống lòng sông chơi du thuyền trên cái ao nông toèn của đập thủy điện Nho Quế 1. Chẳng mấy nỗi dòng sông xanh ngắt thơ mộng sẽ đầy rác rưởi ô nhiễm như dòng Tô Lịch vì khúc sông ngắn đó là hồ tích nước của thủy điện Nho Quế 1. Rồi hết tò mò, sẽ chẳng ai buồn đến cho mà xem.

Đường lên cột cờ Lũng Cú uy nghiêm chưa được sang sửa tốt lắm nhưng bên cột cờ sắp chình ình một quần thể chùa do công ty có cái tên Phúc Lộc nào đó đang xây vào trán núi đầu rồng. Tôi cũng lạ là vùng đất thuần Mông, không can hệ gì với Phật giáo sao lại xây cụm chùa chỉ kém quần thể Tam Chúc. Cụm chùa này chắc đầu tư phải hàng trăm tỉ đồng đang rầm rập ngày đêm xây lấp. Cánh ruộng nhỏ nhoi trồng lúa bị chia đôi bới con đường lên chùa, mất hàng vài héc-ta đất trồng lúa vốn đã ít ỏi. Đó là làm du lịch tàn phá thiên nhiên, quá sức tưởng tượng của bất kì ai.

Đường lên cột cờ nay có xe điện đưa đón, có mua vé. Nhưng đến bậc thang bước lên chân cột cờ thì du khách phải dừng lại mua thêm 10 ngàn vé lên! Một nhà văn đi cùng tôi thốt lên: “Sao lại kinh doanh cả lòng yêu nước thế này”?. Anh bảo mười nghìn không to nhưng thôi không lên nữa mất hứng. Nơi mà đáng ra phải khuyến khích người dân tiếp cận chụp tấm ảnh lưu niệm để hãnh diện và hun đúc thêm tình yêu tổ quốc thì hôm nay cũng nằm trong tầm kinh doanh của địa phương! Quả là thiển cận thực dụng nhặt nhạnh tủn mủn, tầm nhìn không qua khỏi ngón chân cái trước mặt.

Nào đâu hòn đá khóc, nào đâu là cột máu trói đôi nam nữ bị bắt tội cho đến chết rũ? Những hình phạt dã man tàn khốc của bạo chúa Đồng Văn? Nào đâu những huyền tích Cán Tỉ, nào đâu là thành lũy của cuộc nổi dậy của phỉ Đồng Văn năm 1957? Mới nhất, đâu là trụ mốc đỉnh đầu Lũng Cú phân tách Việt Nam Trung Quốc cách cột cờ chừng vài km? Hỏi không ai biết. Khoe đặc sản thì chỉ có lạp xường, cải Mèo, gà đen lợn mán là hết. Du lịch văn hóa hay là du hí đây? Câu hỏi này không chỉ dành cho Hà Giang mà cho cả Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch. 

3. Tôi từng đặt chân lên đất Phật giáo Butan độ cao 3000 mét dưới chân Hymalaya. Đất nước ít dân, họ nghèo. Nhưng không cần Trung Quốc giúp mở đường. Họ giữ rừng, giữ thiên nhiên đơn sơ với những con đường đủ đi. Đường đến các điểm du lịch vẫn gập ghềnh đá lát, không bê tông kể cả con đường lên đền Tiger cũng chỉ có tay vịn an toàn. Vậy mà một nửa thu nhập cho nền kinh tế của họ là du lịch. Khách đông cũng vì vẻ đẹp thiên nhiên không bị phá vỡ tàn bạo.

Hà Giang, khách đang đông. Khách sạn cháy phòng. Vào ngày lễ thì đông như chảy hội. Ngay thời covid này mà vẫn đông đúc. Nhưng than ôi, làm du lịch ở ta nông nổi như cơi đựng trầu, tại chỉ hau háu những đồng tiền lẻ. Chỗ nào cũng lòe loẹt xanh đỏ. Vẻ đẹp của vùng đất hiểm trở Hà Giang đáng lẽ cho du lịch khám phá thì nay có nguy cơ bị toang rồi, nếu không kịp thời nắn lại. 3/4/2021

Đọc thêm