Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Giàu nuôi lợn nái…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngồi nói chuyện làm ăn, anh bạn tôi vốn xuất thân từ nông thôn, nói gọn câu thành ngữ: “Giàu nuôi lợn nái - nghèo nuôi chó cái, gà con”. Vâng câu thành ngữ này từ nông thôn ra đấy.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

1. Những đúc kết của cha ông ta hay thật. Nuôi lợn nái thì lợi lớn nhưng đầu tư phải lớn. Chăn lợn phải nhiều cám bã, không phải ai cũng lo được, phải là nhà khá giả. Còn nuôi chó cái nó đẻ con cũng lợi nhưng việc chăm sóc không phải đầu tư lớn như nuôi lợn. Gà con cũng vậy. Hai con vật này có thói quen bản năng tự tìm cái ăn từ mọi chỗ để tồn tại. Không như lợn nằm ì, phải có người chăm nom ngày ít nhất hai bữa.

Câu nói nghĩa đen thì thế, nhưng nghĩa bóng sâu xa của nó lớn hơn nhiều. Đó là “mèo nhỏ bắt chuột con”, nhắc người ta biết lựa sức mình để làm việc phù hợp. Hoặc “Liệu cơm gắp mắm”, cũng là cách dạy cho con người ta biết trù liệu cân nhắc trong cuộc sống.

Ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ đúc kết về đời sống xã hội trong dân gian, chính là cuốn từ điển sống của mỗi dân tộc phong phú vô cùng. Trải nghiệm cuộc sống đời ông bà cha mẹ đúc kết truyền nối cho các thế hệ tương lai. Học trong đó sẽ giúp ta nhìn ra nhiều vấn đề về quy luật cuộc sống để ứng xử hợp lẽ đời cho cuộc sống yên bình, hợp lòng người để hòa cùng xã hội.

2. Người Nhật gặp nhau khép chân khép tay, cúi chào rất trịnh trọng. Có người thấy vội kêu lên: Hay quá, học người Nhật đi! Ơ kìa, thói quen vọng ngoại có từ bao giờ thế nhỉ. Sao nhác thấy đã cuống lên đòi học và cho là họ có văn hóa, còn ta thì không?

Tưởng nhanh nhẹn nhận thức với tinh thần cầu thị nhưng thực ra đó là hệ quả của dốt nát, mất gốc từ gia đình. Nhìn ngược lại lịch sử, người Việt có biết chào nhau không? Có chứ, không những thế mà cách chào còn rất đa dạng và tao nhã hơn là đằng khác.

Này nhá, nếu người Nhật gặp nhau chỉ khép tay cúi chào, có khi còn gập người nhiều lần quá trịnh trọng, phương Tây thì bắt tay, một số thổ dân ở Úc thì ghé sát chạm mũi… thì ở nước ta không lâu lắm đâu, bảy tám mươi năm trước đây thôi, khi nền nếp gia đình còn chưa bị phá bỏ, con trẻ chào bố mẹ, chào khách thì khoanh tay cúi đầu, người lớn thì trịnh trọng vái nhau, chia tay thì xá nhau, lịch sự tao nhã hơn thân tình hơn. So với người Nhật thì hỏi đã hơn kém gì nhau?

Nền nếp này xuất phát từ gia đình dạy con từ bé. Bây giờ trong nhà cha mẹ không dạy con cái thế nữa, bởi có được dẫn dụ, nhẹ thì là câu nệ quá, nặng thì úp sọt luôn là tàn dư phong kiến lạc hậu phải bỏ… Chúng ta sau bao nhiêu năm đưa nếp sống mới vào thì trước đây cái bắt tay học từ phương Tây nào tử tế lịch lãm hơn, mà giao tiếp có nhã nhặn hơn, hay chỉ ngày một hỏng, một mất nết.

Còn bây giờ thì xô bồ quá thể. Cả xã hội hiện tượng mất nết xảy ra ngày một nhiều bởi trong trào lưu hướng ngoại, đem rác rưởi vào nhà và hãnh diện đó là cái mới, thứ vỏ hình thức bát nháo. Quần áo thì cào rách gối hở bẹn hở đùi để thể hiện. “Thể hiện cái gì?” Tôi hỏi một thanh niên: thì nhận được cái lắc đầu bí tịt. Hóa ra bạn ấy chỉ muốn khác những cái đã quen! Văn hóa đám đông ngày nay là thế. Còn truyền thông học ngoại kiểu gì mà một số chương trình phản văn hoá đến tồi tệ.

3. Xưa các cụ dạy vào mâm. Ăn đừng nhai nhóp nhép. Húp canh không gây ra tiếng sột soạt, đong bát cơm đừng đầy có ngọn, gắp thức ăn đừng lật chọn… Riêng việc ăn trong bữa có cả một giáo khoa. Sách đó giờ không có để dạy trẻ nhỏ. Phụ huynh thì cũng chẳng nhớ. Ăn uống thì xô bồ chứ đâu còn lịch lãm nhẹ nhàng, đi nhẹ nói khẽ có giáo dục như một thời đã có. Bây giờ đám đông trong các buổi tiệc tùng trong lúc cao hứng bàn tiệc quên ráo phép lịch sự, cùng nhau: “Một hai ba zô” điệp khúc đến ba lần, hét càng to càng vui, trong đó có cả những mái đầu bạc, đầu hói chứ không phải riêng đám thanh niên nhộn nhạo. Họ làm choáng đầu người xung quanh không cần biết.

Nói thẳng, lớp người ngày nay về lối sống quên mất rất nhiều điều răn dạy trong từ điển thành ngữ tục ngữ trong dân gian từ lâu. Bây giờ nhà trường dạy kĩ năng sống thì dạy cái gì nhỉ, tưởng như mới lắm, sáng tạo lắm. Nào ai biết rằng kĩ năng sống học ăn học nói học gói học mở cha ông mình đã dạy cho con cháu tự thuở nào.

Văn hóa ấy là cái trường tồn cho dân tộc. Đó là bản sắc, hãy giữ lấy bản sắc đó. Tôi nghe có cả những ông mồm dẻo quẹo trên diễn đàn: “Hãy giữ gìn bản sắc dân tộc”. Nói hay lắm. Hỏi bản sắc là gì quanh co một lúc rồi cũng chẳng biết giải thích thế nào!

Hãy ngoái lại quá khứ, tìm trong tinh thần đời sống dân gian bao nhiêu vàng ngọc bị vùi lấp. Không chịu đọc, không chịu học, rồi giật mình gào lên như trong cơn mơ rằng phải học nước nọ nước kia, trong khi nhà mình thừa các giá trị đó. Rõ ràng càng dốt thì tâm lý vọng ngoại càng đẩy lên cao. Có mà học. Trong nhà còn không học được mà ngoái sang một nền văn hóa khác đòi theo, theo sao được!

Đọc thêm