Ngậm ngùi ly hôn ở tuổi 84

Trước tòa, người đàn bà với tấm lưng còng, mái đầu phủ những sợi cước trắng bạc cất giọng run run: “Lần đầu tiên ổng đánh tôi một bạt tay, tôi không thể nào chịu đựng nổi, cho tôi được ly hôn.” Lý đo xin được ly hôn của bà già hơn tám mươi tuổi quá đơn giản đến mức làm cho cả khán phòng phải bật cười trong nổi ngậm ngùi.

Sinh ra trong thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi, trong một gia đình lấy nghề nông làm nghề truyền thống, chàng thanh niên tên K lớn lên rồi se duyên kết tóc với một thôn nữ tên N,cùng tuổi, cùng làng. Chí thú, cần mẫn với ruộng đồng, không quảng một nắng hai sương, hai vợ chồng đã gầy dựng một cơ ngơi tương đối ở một huyện thuộc vùng ven thành phố.

Ảnh minh họa

Bà N vđã vượt qua tất cả mười một lần sinh nở, trong đó có một lần sinh mà “thu hoạch” được hai. Bằng lối sống vừa mộc mạc, giản dị, vừa nề nếp chuẩn mực, vợ chồng ông K đã đổ tất cả mồ hôi và sức lực của tuổi thanh xuân trên những mảnh ruộng để nuôi dạy  mười hai người con trưởng thành dần theo năm tháng.

Những người thuộc thế hệ thứ hai trong gia đình gồm tất cả bốn nam, tám nữ. Người con trai đầu lòng sinh năm 1942 và cô con gái út trong nhà hiện nay cũng đã xấp xỉ bước vào tuổi bốn mươi.

Trong thời điểm của những năm sáu mươi, tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô " vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đối với những người thuộc tầng lớp nông dân nói chung. Với ông K, định kiến này được cụ thể hóa khi mỗi người con trai có vợ, ra riêng, đều được ông cắt chia cho một khoản ruộng đất nhằm giúp họ có điều kiện cấy cày nuôi gia đình. Trong khi đó, khi “ lên xe hoa”, những người con gái chỉ được cha mẹ nhường cho một số gia sản rất khiêm tốn, bởi xuất giá tòng phu, mọi chuyện sẽ có bên chồng đứng ra chăm lo, bảo bọc.  

“ Bây giờ không còn như hồi xưa nữa, nam nữ bình quyền, phụ nữ cũng như nam giới đều phải được đối xử công bằng như nhau, nhất là về khoản quyền lợi cá nhân..”- đó là ý kiến những người con gái trong nhà đòi cha mẹ phải cải tổ lại việc phân chia ruộng đất cho những người con trai trước đây nhằm tìm kiếm cho chính họ một sự công bằng.  Ngược lại, cả bốn anh em trai trong nhà cùng thống nhất với nhau không nên bới lại chuyện cũ làm gì… Tình huống đối lập của đám con đã đẩy ông K vào trạng thái vô cùng khó nghĩ. Bảo những người con trai phải trả lại phần đất được chia cho trước đây là điều không thể và không đành, nhất là vào thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay. Nhưng nếu không làm thế thì lấy đâu ra đất mà chia cho những người con gái theo nguyện vọng của họ?

Dai dẳng, ngấm ngầm, cuối cùng thì những người con gái với số đông áp đảo cũng thuyết phục được bà N  ủng hộ họ. Dù sao cùng là phụ nữ với nhau nên dễ dàng chia sẻ thông cảm. Phe mày râu thì thường xuyên nhắc nhở cha mình nên kiên quyết “giữ vững lập trường”. Điều đáng buồn là vì muốn tranh giành, bảo vệ quyền lợi cá nhân trước mắt cho riêng mình mà tất cả các người con -cả nam lẫn nữ -đã cố tâm ra sức đào, moi những hố sâu ngăn cách sự sum họp của hai đấng sinh thành.

Con gái lên án cha đối xử với con cái không công bằng. Con trai chỉ trích mẹ nghe lời đám con gái mà không biết giữ uy tín, ruộng đất đã chia cho rồi, giờ toan tính đòi lại. Công cha, nghĩa mẹ, họ gạt phắt sang một bên, nhường nơi cho những tính toán, hơn thua về tiền tài, vật chất. Tất cả những gia sản hiện hữu trong gia đình như ruộng, vườn, ao cá, nhà chính, nhà phụ, kể cả gian nhà thờ cúng ông bà tổ tiên đều được đưa vào diện “tài sản chung, cần được phân chia lại cho rõ ràng, cụ thể “.

Đỉnh điểm của bi kịch là tờ đơn ly hôn của bà N, người đàn bà 84 tuổi,  đã được gởi đi do những đứa con gái ruột của bà bày kế. Theo họ, đó là cách duy nhất có thể gom hết tài sản hiện có trong nhà lại và chia đôi theo án ly hôn, từ đó, cơ may được chia đều trên tinh thần bình đẳng,điều mà họ mong muốn sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Tòa án Nhân dân cấp huyện mở phiên xử sơ thẩm và cho bà N được ly hôn với ông K, đồng thời buộc ông phải chia đôi số tài sản chung theo luật định. Trước tòa, người đàn bà với tấm lưng đòng hẳn xuống, mái đầu như được phủ những sợi cước trắng bạc cất giọng run run: “Lần đầu tiên ổng đánh tôi một bạt tay, tôi không thể nào chịu đựng nổi, cho tôi được ly hôn.” Lý đo xin được ly hôn của bà già hơn tám mươi tuổi quá đơn giản đến mức làm cho cả khán phòng phải bật cười trong nổi ngậm ngùi.

Ông K đã có đơn kháng án. Phiên tòa phúc thẩm đã trả lại hồ sơ, yêu cầu xử lại cấp sơ thẩm do cấp huyện vi phạm tố tụng không gửi thư mời ông K đến dự xử ly hôn…

Bước ra khuôn viên toà án TP.HCM, một trong những người con gái của ông K và bà N đã tuyên bố “sẽ tiếp tục đấu tranh tới cùng, chừng nào đạt được mục đích mới thôi!”.

Nguyễn Tuấn

Đọc thêm