“Tết này em lại không về. Đây là năm thứ 5 liên tiếp em đón tết xa xứ. Thấy mẹ em gọi điện qua facebook, khoe ở nhà đang gói bánh chưng, mọi người đi mua sắm nhộn nhịp; mấy đứa bạn cấp 2 cùng quê cũng rúi rít rủ nhau họp lớp cuối năm. Lúc nói chuyện thì vui đấy, nhưng tắt điện thoại đi, em lại thấy buồn. Là con trai nên em cố không khóc, nhưng mấy chị cùng làm chỗ em, nhất là những bạn lần đầu xa nhà, cứ Tết lại ngồi khóc nức nở một mình, có khi cả buổi chỉ ôm gối nhớ nhà”, Nguyễn Hữu Long (25 tuổi) – lao động Việt Nam tại Nhật Bản tâm sự.
Long chia sẻ, đây là cái Tết thứ 2 của anh ở Nhật Bản, trước đó, Long từng có 3 năm làm việc tại Nga. “Năm nay không phải lần đầu mình đón Tết xa nhà. Ở lâu cũng chỉ đỡ bỡ ngỡ về cách đón Tết, hay mua bán đồ Tết thôi, còn cảm xúc thì vẫn thế. Vẫn nhớ nhà mà không thể về. Đêm 30 Tết, khi bạn bè trên facebook đua nhau đăng tải những hình ảnh đón giao thừa cùng gia đình và bạn bè, thì mình chỉ lủi thủi một mình ra đường, đến công ty để làm ca đêm. Chưa kể mùa này bên Nhật lạnh đến thấu xương, lúc ấy mới thấy thật tủi thân”, Long ngậm ngùi.
|
Long kể, Tết ở xứ người, cũng có đủ cả bánh chưng, thịt gà, măng miến, giò lụa… nhưng khác hẳn với vị quê nhà. (Ảnh: NVCC) |
Những năm trước, vì Tết không vào ngày nghỉ, nên lao động Việt Nam vẫn làm việc bình thường. Long lại thấy vui hơn vì công việc bận rộn, như vậy anh sẽ vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà. “Đêm giao thừa, mấy anh em cùng xưởng lại tranh thủ giờ giải lao, cùng chúc mừng năm mới, nhưng phải đợi đến tận cuối tuần, khi được nghỉ mới có thể tụ họp ngồi ăn uống cùng nhau”.
Long kể, Tết ở xứ người, cũng có đủ cả bánh chưng, thịt gà, măng miến, giò lụa… nhưng khác hẳn với hương vị quê nhà.
Để mua được bánh chưng, phải đặt trước vài ngày qua mạng, giá mỗi chiếc cũng từ 200.000-300.000 đồng, nên cũng không dám mua nhiều.
Làm giúp việc gia đình tại đảo Síp 12 năm nay, cũng là từng ấy năm chị Nguyễn Thị Hòa (Nam Sách, Hải Dương) không được ăn Tết ở quê nhà. Khác biệt về văn hóa, lại không thường xuyên được gặp người Việt, nên lúc nào chị cũng có cảm giác “thèm người Việt”. Mỗi độ Tết về, cảm giác ấy lại tăng lên gấp bội.
“Tết bên này, mà được ngồi tụ tập cùng các chị em Việt Nam mình thì hiếm lắm, vì đa số đều làm giúp việc gia đình. Những ngày này, không phải ngày lễ bên đó, nên thường không được nghỉ. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm, mỗi khi chăm sóc các cụ già, mà lại ngậm ngùi nghĩ về bố mẹ già ở nhà chắc cũng đang lủi thủi một mình vì con cái đang đi làm ăn xa cả”, chị Hiền chia sẻ.
Giống như nhiều lao động khác, anh Nguyễn Văn Cảnh (Đô Lương, Nghệ An) cũng phải đón một cái Tết xa xứ. Anh Cảnh tâm sự, anh bắt đầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2014. Tại đây anh bắt đầu công việc tại một xưởng cơ khí. Mức lương ban đầu chỉ từ 10-12 triệu đồng/tháng. Sau dần tăng lên đến 25-30 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn rất nhiều so với những ngày chỉ quanh quẩn ở nhà làm vài sào ruộng.
Anh Cảnh bảo, thấy vợ con được đầy đủ, nhà cửa khang trang là động lực để anh tiếp tục chăm chỉ làm việc. Dẫu có xa nhà, có nhớ, cũng cố chịu đựng.
“Làm việc nơi đất khách quê người mỗi độ Tết đến xuân về, mọi người cũng rủ nhau đi mua bánh chưng, cành đào, cũng làm món ăn truyền thống, nhưng vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó, chính là sự ấm cúng của gia đình.
Đã 5 năm nay, năm nào cũng thế, mấy anh em làm cùng lại tổ chức Tết với nhau, cùng gói bánh chưng, liên hoan chúc Tết. Mọi người ngồi quây quần, uống chén rượu, chẳng phải để chung vui Tết mà để có chút men say xóa bớt đi nỗi nhớ nhà, tâm sự để cùng chia sẻ với nhau nhiều hơn”, anh Cảnh chia sẻ.
Tâm sự thêm về những ngày Tết, người đàn ông 46 tuổi kể, có lần, đang nói chuyện qua điện thoại với gia đình phải tắt vội đi, vì đứa con trai 6 tuổi của luôn miệng hỏi bao giờ bố về. Lúc ấy không thể cầm được nước mắt. Nhớ nhà, nhớ vợ con, bố mẹ, nhưng cũng không biết làm sao. Nghỉ tết tại Hàn Quốc khá ngắn, nên có về cũng không được lâu, hơn nữa chi phí đi lại cũng tốt kém, nên anh quyết định không về ăn Tết, tích góp tiền rồi gửi về cho vợ con ở nhà trang trải.
Với những lao động xa quê, niềm vui, động lực lớn nhất để vượt qua nỗi buồn trong những ngày Tết là được nhìn thấy những người thân yêu hạnh phúc. Trong thời khắc thiêng liêng, chuyển giao thời khắc giữa năm cũ và năm mới, vẫn có hàng ngàn lao động Việt Nam trên khắp các quốc gia trên thế giới vẫn đang mong ngóng về quê hương, mong một năm mới hạnh phúc, đủ đầy và sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.