Ngăn chặn đòi nợ thuê dưới “vỏ” xử lý tài sản bảo đảm

(PLO) - Thực tế, việc tổ chức tín dụng tự xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận gặp nhiều khó khăn do các trình tự, thủ tục xử lý còn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của bên bảo đảm, bên giữ tài sản, tổ chức tín dụng  chưa được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng việc Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng lại khiến Đại biểu Quốc hội lo ngại cơ chế này sẽ tạo điều kiện phát sinh tình trạng đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen”.
Cán bộ thu nợ của một số ngân hàng trong một vụ cưỡng chế phát mãi tài sản thế chấp.
Cán bộ thu nợ của một số ngân hàng trong một vụ cưỡng chế phát mãi tài sản thế chấp.
“Cấm” không rõ ràng, “đẻ” tranh chấp
Tháng 3/2015, vụ việc Ngân hàng VP “xiết nợ” khách hàng ở Hà Nội đã trở thành đề tài “nóng” trên các diễn đàn tài chính – tiền tệ và một lần nữa đặt ra những tranh cãi xung quanh quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của tổ chức tín dụng (TCTD) để thu hồi nợ.
Trước đó, gia đình ông Nguyễn Sĩ Minh, chủ căn hộ 1401 tòa nhà 17T2 phố Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có vay VPBank 5 tỷ đồng, đã trả lãi 1 tỷ đồng và 700 triệu đồng tiền gốc. Đến khoảng 16h ngày 17/3, ông Minh về nhà thì nhân viên ngân hàng đã niêm phong nhà là TSBĐ cho khoản vay để thu hồi nợ theo Quyết định của Chủ tịch HĐQT VPBank về việc thu giữ TSBĐ. 
Ông Minh đã tố cáo VPBank thu giữ tài sản và giam giữ người trái phép. Còn ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty Quản lý tài sản VPBank (VPBank AMC) đã có văn bản gửi Công an TP.Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Trung Hòa khẳng định ông Nguyễn Sĩ Minh cố tình trốn tránh không trả nợ, chiếm đoạt tiền vay của VPBank trong nhiều năm. Việc VPBank AMC thu giữ TSBĐ (là phòng 1401 Tòa nhà 17T2) của ông Minh đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, đã thông báo việc niêm phong nhà cho gia đình ông Minh.
Vụ việc này là một trong những tranh chấp phổ biến giữa TCTD với khách hàng có TSBĐ là bất động sản khi hợp đồng tín dụng đến hạn thanh lý. Thực tế đã cho thấy, TCTD thường phải “cầm đằng lưỡi” dù các khoản vay đều có TSBĐ vì Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc xử lý TSBĐ thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá nhưng việc xử lý TSBĐ thực chất hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ hợp tác của các bên liên quan (bên bảo đảm, bên giữ tài sản) chứ bản thân TCTD chưa được toàn quyền xử lý TSBĐ trong khuôn khổ pháp luật.
Theo qui định tại Điều 63 Nghị định 16, bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ theo quy định tại Khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Điều kiện để thực hiện việc thu giữ TSBĐ là người xử lý tài sản có trách nhiệm thông báo trước cho người giữ tài sản trong một thời hạn hợp lý và không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu TSBĐ.
Như vậy, TCTD cho vay có bảo đảm bằng tài sản được quyền thu giữ TSBĐ để xử lý thu hồi nợ khi đến hạn. Nhưng với quy định chung chung về điều kiện thực hiện việc thu giữ TSBĐ, không rõ “điều cấm, điều trái đạo đức xã hội” trong thu giữ TSBĐ là gì đã làm phát sinh những tranh chấp về TSBĐ không dễ xử lý khi người giữ TSBĐ cương quyết không giao tài sản, còn ngân hàng cương quyết thu giữ tài sản để xử lý thu hồi nợ.
Để giúp các TCTD xử lý gánh nặng “nợ xấu” xuất phát từ những vướng mắc trong việc thu giữ và xử lý TSBĐ, hệ thống ngân hàng thương mại đã phải thành lập các công ty quản lý nợ theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Ngân hàng Công thương Việt Nam trở thành Ngân hàng đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (QLN & KTTS) với việc thành lập Cty QLN & KTTS. Lần lượt các Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số ngân hàng khác đã thành lập Cty QLN & KTTS, đưa số công ty QLN & KTTS của các NHTM lên đến gần 10 Công ty.
Dẫu vậy, việc thu giữ và xử lý TSBĐ vẫn cần có một hành lang pháp lý với các trình tự, thủ tục, quy trình minh bạch, rõ ràng, cân đối được quyền lợi của khách hàng và các tổ chức tín dụng, nhất là nhấn mạnh được nghĩa vụ của các bên trong thực hiện hợp đồng tín dụng đã ký kết, tránh tình trạng “hứa rồi để đấy” khiến bên nhận bảo đảm luôn rơi vào thế bấp bênh về độ an toàn của khoản vay.
Dễ phát sinh tình trạng xiết nợ kiểu “xã hội đen”
Kinh nghiệm một số nước cho thấy, không phải nước nào cũng áp dụng cơ chế cho phép bên nhận bảo đảm tự thu giữ TSBĐ, bởi vì cơ chế này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu của chủ tài sản; nếu có quy định thì cũng chỉ ở mức độ cho phép thu giữ đối với động sản, vì nếu thu giữ bất động sản thì ngoài việc ảnh hưởng đến quyền sở hữu còn ảnh hưởng đến quyền có chỗ ở của người có tài sản và các thành viên gia đình họ… 
Theo một kiểm sát viên VKSNDTC, pháp luật chỉ bảo hộ quyền sở hữu chính đáng chứ không bảo hộ quyền của những chủ sở hữu tự ý “biến báo” giá trị tài sản để thực hiện những hoạt động vi phạm  pháp luật, điển hình như việc thế chấp một tài sản ở nhiều TCTD… Vì vậy, căn cứ tình hình thực tiễn, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã bổ sung cơ chế thu giữ TSBĐ nhằm trao cho bên nhận bảo đảm quyền chủ động lớn hơn trong việc thu giữ và xử lý TSBĐ và các điều kiện đảm bảo không xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. 
Song theo một số ý kiến, việc trao quyền chủ động lớn hơn cho bên nhận bảo đảm, nhưng các điều kiện để bên nhận bảo đảm thực hiện quyền này lại quy định chung chung, thiếu cụ thể và rõ ràng, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng, xâm hại đến nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu đã được Hiến pháp ghi nhận.
Hơn nữa, lo ngại có thể phát sinh các tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy về mặt xã hội từ cơ chế cho phép tự thu giữ TSBĐ này. Do vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị không nên bổ sung quy định này trong Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về cơ chế thu giữ TSBĐ thì thực hiện theo thỏa thuận đó, nếu xảy ra tranh chấp thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nhưng thông qua phân tích các quy định liên quan, nhất là những quy định về điều kiện trong thu giữ TSBĐ (phải có sự thỏa thuận trước của các bên, phải thông báo cho chính quyền cấp xã, không vi phạm điều cấm, không trái với đạo đức xã hội) cũng như tình hình thực tiễn, các TCTD rất đồng tình với cơ chế thu giữ TSBĐ trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) “để hoạt động ngân hàng thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế”./.

Đọc thêm