Ngăn chặn tẩu tán tài sản: Cần “bàn tay sắt”

 Luật Thi hành án dân sự quy định, chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án (THA) nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc THA. Tuy nhiên, trên thực tế, từ phát hiện đến ngăn chặn là cả một “chặng đường chông gai”  

Luật Thi hành án dân sự quy định, chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án (THA) nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc THA. Tuy nhiên, trên thực tế, từ phát hiện đến ngăn chặn là cả một “chặng đường chông gai”

Tài sản “tự nhiên bốc hơi”

Tháng 6/2009, bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà T.Q (ở Hoài Tân, Hoài Nhơn) và bị đơn là vợ chồng ông V.V.K và bà T.T.L có hiệu lực. Theo án tuyên, vợ chồng bà L. phải trả cho nguyên đơn 154 triệu đồng và hoàn trả 3,58 triệu đồng tiền tạm ứng án phí. Cũng trong một vụ án khác mà bà L là bị đơn, Tòa cũng tuyên bà L. phải trả cho nguyên đơn số tiền đã vay là 594 triệu đồng.

Bản án có hiệu lực, hai nguyên đơn đã có đơn yêu cầu THA và đề nghị kê biên khối tài sản của vợ chồng bà L (gồm xe Mercedes loại 16 chỗ ngồi, một căn nhà ở thị trấn Bồng Sơn và nhiều tài sản khác do vợ chồng bà Lệ làm chủ sở hữu để đảm bảo THA). Tuy nhiên, khi đi xác minh tài sản, cơ quan THA Hoài Nhơn xác định chiếc xe Mercedes đang được thế chấp ở ngân hàng. Và chỉ ngay sau đó ít ngày, chiếc xe đã được “âm thầm” bán cho một người em ruột của ông K. Phát hiện sự vụ, THA đã phải làm văn bản tới Phòng CSGT tỉnh đề nghị ngừng việc sang tên.

Một vụ việc khác xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa, một doanh nghiệp kiện đòi UBND xã thanh toán tiền công làm đường giao thông. Tòa tuyên UBND nọ phải thanh toán toàn bộ số tiền theo hợp đồng. Án có hiệu lực, doanh nghiệp làm đơn THA. Sau khi xác minh điều kiện thi hành, cơ quan THA ra quyết định kê biên tài sản của UBND xã tại Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, UBND xã đã rút toàn bộ số tiền trong tài khoản, ung dung “né” THA..

Muôn vàn kiểu “tẩu tán”

Ngoài tẩu tán tài sản bằng những “chiêu thức” như trên, hiện còn xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn khác, tinh vi hơn, phức tạp hơn mà cơ quan THA khó lòng phát hiện. Đó là những vụ việc lợi dụng người được THA đang làm thủ tục yêu cầu THA (mà chưa kịp phong tỏa tài sản), người phải THA viết giả giấy nợ cho những người khác và “gán” luôn khối tài sản mà mình có. Khi người được THA phát hiện thì đành ngậm ngùi làm …người đến sau vì tài sản đã được chuyển sang sở hữu của người khác.

Bên cạnh đó, không đợi đến lúc bản án có hiệu lực, chỉ riêng trong quá trình xét xử, nhiều đương sự đã nhanh chân tẩu tán tài sản. Nhiều cơ quan THA “than” bởi trước và trong giai đoạn xét xử, đương sự vẫn còn tài sản, nhưng khi án có hiệu lực thì những tài sản đó đã hoàn tất thủ tục sang tên, chuyển nhượng hoặc tặng cho những người khác.

Phát hiện việc tẩu tán tài sản không chỉ phụ thuộc vào việc xác minh tài sản của cơ quan THA mà nhiều khi đương sự phải chủ động, bởi theo luật, ngoài trường hợp chủ động THA, thì phải có đơn yêu cầu, THA mới thụ lý và xác minh. Trong khoảng thời gian đó, nếu đương sự không “nhanh chân” để tẩu tán tài sản rồi thì việc thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong trường hợp THA phát hiện có biểu hiện tẩu tán tài sản, họ phải kịp thời làm các văn bản ngăn chặn việc sang tên, chuyển nhượng đến cơ quan có thẩm quyền, tránh tình trạng “sự đã rồi”.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về THA để người dân hiểu, chủ động yêu cầu cơ quan THA trong xác minh, kê biên tài sản, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tố tụng cần nâng cao trách nhiệm của mình kịp thời kê biên trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử …là cách tốt nhất nhằm ngăn chặn, tẩu tán tài sản hiện nay.

Nguyễn Duy

Đọc thêm