Ngăn chặn thanh niên tiếp cận thuốc lá bằng hành lang pháp lý

(PLVN) - Trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, bài học kinh nghiệm từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy một trong những biện pháp hiệu quả nhất là hoàn thiện chính sách phù hợp cho từng loại thuốc lá khác nhau. 
Bên cạnh thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới đang bị bày bán tràn lan bất hợp pháp cũng là mối đe doạ với giới trẻ (Ảnh: B.K)

Tại Việt Nam, tình trạng hút thuốc lá điếu ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%; có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 - 15 tuổi có ý định hút thuốc trong tương lai và có đến 21,6% thanh niên từ 16 - 24 tuổi hút thuốc lá. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ tiếp cận của giới trẻ với thuốc lá thế hệ mới. Thống kê cho thấy, từ 2015 đến 2019, tỷ lệ trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 1,1% lên 2,6%.

Một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand cho phép buôn bán thuốc lá thế hệ mới nhưng thắt chặt kiểm soát. New Zealand quy định cụ thể cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo và cấm sử dụng nơi công cộng.

Các điểm bán lẻ được phép thiết lập và cho phép chuyên gia hướng dẫn để xác định đúng đối tượng chuyển đổi, tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng sai mục đích, sai khuyến cáo của nhà sản xuất. Còn tại Mỹ, song song với chính sách ngăn chặn hút thuốc lá ở giới trẻ và khuyến khích không hút thuốc, Chính phủ Mỹ khuyến khích những người hút thuốc lá trưởng thành chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các giải pháp giảm thiểu tác hại.    

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra nhiều giải pháp tùy thuộc vào tình hình quản lý của mỗi quốc gia, trong đó bao gồm cấm một phần, hoặc toàn phần, hoặc quản lý thắt chặt như thuốc lá điếu.

Thực tế cho thấy việc cho phép lưu hành, đồng thời có biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đóng vai trò rất lớn trong giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tiếp cận, sử dụng sản phẩm.

Cụ thể, theo khảo sát toàn quốc của Đức chỉ 0,3% đã từng sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng. Tại Nhật Bản, nghiên cứu năm 2018 do Bộ Y tế Nhật Bản tài trợ thực hiện cho thấy chỉ 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng hằng ngày với cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tương tự vào năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu về Hành vi Nghiện Thụy Sỹ đã công bố phân tích trên 11.121 học sinh Thụy Sỹ ở độ tuổi 11-15 với kết quả: chưa đến 2% trong nhóm 15 tuổi báo cáo đã từng sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng (ít nhất một lần). 

Kinh nghiệm từ FDA cũng cho thấy, việc quản lý dựa trên căn cứ khoa học, kết hợp với chiến dịch tuyên truyền có thông điệp phù hợp với từng đối tượng mục tiêu chính là chìa khóa giúp kiểm soát tình trạng giới trẻ sử dụng thuốc lá, không phải là lệnh cấm. Các chiến dịch của FDA đã nhắm tới tất cả các đối tượng, từ nhà sản xuất thuốc lá hợp pháp, nhà phân phối, nhập khẩu đến các đại lý bán lẻ. 

Tháng 07/2017, FDA đã công bố một kế hoạch mang tính đột phá về việc kiểm soát thuốc lá và nicotin, trong đó xác nhận rằng một số sản phẩm cung cấp nicotin có khả năng gây hại ít hơn những sản phẩm khác và thuốc lá điếu đốt cháy là nguy hiểm nhất với sức khỏe người dùng và cộng đồng. 

Đồng quan điểm với FDA, TS. George Laking, bác sỹ chuyên khoa ung thư và cũng là Chủ tịch của tổ chức End Smoking New Zealand đánh giá: “Mặc dù thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá làm nóng không hoàn toàn vô hại, nhưng nếu chúng ta có thể chuyển đổi từ việc hút thuốc điếu sang sử dụng các sản phẩm giảm thiểu tác hại, tình hình hiện tại sẽ được cải thiện rất nhiều”.

Tháng 03/2018, FDA đã ban hành Thông báo trước về Đề xuất Thiết lập Quy tắc mới (Advance Notice of Proposed Rulemaking) cho tiêu chuẩn sản phẩm nhằm giảm hàm lượng nicotin trong thuốc lá điếu đốt cháy xuống mức tối thiểu hoặc không gây nghiện.

Tiêu chuẩn sản phẩm mang tính lịch sử này có khả năng ngăn ngừa các thế hệ trẻ tương lai khỏi việc nghiện dòng sản phẩm thuốc lá nguy hiểm nhất. Số liệu thống kê cho thấy tính đến 20/08/2019, FDA đã ngăn chặn được 587.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc lá.

Theo ước tính của WHO, sẽ vẫn còn 1,1 tỷ người hút thuốc lá điếu đến năm 2025 (bất kể nỗ lực bài trừ thuốc lá của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức phòng chống thuốc lá). Do đó, việc ngăn ngừa hành vi hút thuốc sớm ở giới trẻ là một trong những biện pháp hiệu quả để giúp kiểm soát thuốc lá trên quy mô toàn cầu.

Để đạt mục tiêu này, các quốc gia hiện cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý với các biện pháp quản lý cụ thể cho từng loại thuốc lá khác nhau nằm trên chuỗi nguy cơ khác nhau đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng.  

Đọc thêm