[links()] Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó tổng cục trưởng Tổng cụ Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH cho hay, sau khi đổi CMND từ 9 lên 12 số, Tổng cục đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước thông báo sử dụng song song 2 loại CMND nêu trên, nhưng có một số ngân hàng thương mại hơi “chắc lép” khi kiểm tra giấy tờ, thực hiện giao dịch, khiến người dân kêu ca.
Ông Vệ nói: “Ngay sau khi triển khai cấp CMND 12 số thí điểm tại các quận, huyện Tây Hồ, Hoàng Mai, Từ Liêm của TP.Hà Nội, chúng tôi đã có 2 văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, trao đổi với Sở TN&MT Hà Nội cũng như các quận huyện, trong đó nhấn mạnh rõ CMND 9 và 12 số đều như nhau, sử dụng song song và đều do ngành Công an cấp, quản lý. Sau đó, có 2 ngân hàng đó là Thương mại CP Công thương Việt Nam và Việt Á đánh công văn hỏi chi tiết và chúng tôi cũng phúc đáp rõ ràng, kịp thời vấn đề này”.
|
Thiếu tướng Trần Văn Vệ |
- Nhưng rõ ràng CMND đổi từ 9 số lên 12 số, nhân viên ngân hàng phải mất thời gian hơn để đối chiếu xem khách hàng có tên trên 2 tấm CMND khi đi giao dịch có phải là một?
- Theo tôi không có gì là quá phiền hà cả, vì để hoàn thành một giao dịch, xuất được tiền ra khỏi két cho khách hàng thì ngân hàng phải thực hiện đồng thời rất nhiều tác vụ khác như kiểm tra chữ ký, tên tuổi, địa chỉ… mới có thể hoàn thành một giao dịch. Do CMND trước là một chất liệu, nay là một chất liệu khác, thì phía ngân hàng người ta có phân vân một chút, ảnh hưởng một chút thôi vì phải làm thêm động tác phô tô CMND cũ lưu lại trong hồ sơ. Thực tế, hồi đầu mới triển khai thì có người kêu nhưng nay thì không thấy nữa.
- Vì sao Bộ Công an không hướng dẫn Công an các địa phương cấp xác nhận đồng loạt cho công dân khi đến làm CMND theo mẫu 12 số để họ tiện đối chiếu với CMND cũ khi cần thực hiện các giao dịch, thưa ông?
- Ai có nhu cầu đề nghị thì Công an cấp chứ hiện tại chưa phải là một loại giấy tờ bắt buộc phải cấp khi công dân đến làm CMND theo mẫu 12 số. Thực tế, cũng có một số ngân hàng người ta hơi “chắc lép” về mặt giấy tờ thủ tục thì người ta mới hỏi, mới kiểm tra chứ giao dịch viên ngân hàng và khách hàng đều quen mặt nhau và biết nhau.
Họ biết rõ người có tên trên tấm CMND 9 số trước đây lưu ở ngân hàng với người trong CMND 12 số mới là một rồi, nhưng vẫn làm đúng thủ tục. Làm vậy thì an toàn cho ngân hàng, nhưng đôi khi lại tạo cảm giác không thoải mái đối với khách hàng.
- Việc cấp CMND 12 số có xảy ra sự cố nào về mặt kỹ thuật sau một năm thí điểm không?
- Mọi thứ nói chung là ổn. Tuy nhiên, do thời tiết ở Việt Nam độ ẩm cao nên có ảnh hưởng đôi chút khi máy đọc và lấy vân tay. Khắc phục việc này bằng cách phải thường xuyên lau chùi máy. Ngoài ra, có một số trường hợp ảnh chụp không chuẩn, mờ. Đây không phải lỗi của công nghệ mà do có nơi chụp gián tiếp rồi đem vào máy quét lại nên chất lượng của ảnh không sắc nét.
Vừa rồi, sơ kết đợt thí điểm cấp CMND mới, phát hiện có 54 trường hợp nhầm (do một người cố tình làm 2 CMND tại 2 nơi hoặc có người mượn tên để làm…) ở cơ sở. Tuy nhiên, khi lên đến Trung ương, qua Trung tâm CMND Quốc gia, qua đối sánh vân tay thì máy tự động phát hiện và loại ra hết.
- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về CMND trước đây. Vậy, khi nào Bộ Công an có Thông tư hướng dẫn Nghị định 106, thưa ông?
- Thực ra, Tổ soạn thảo Thông tư của chúng tôi đã sẵn sàng, ngay sau khi Chính phủ thông báo chính thức ban hành Nghị định này thì Tổ này sẽ bắt tay vào việc cho đúng theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thì “ông” Tư pháp “ông” ấy “thổi còi” ngay.
Vừa qua, do “dính” tên cha, mẹ trên mặt sau CMND, Chính phủ yêu cầu bỏ, phải dừng lại để sửa nên phải mất 6 tháng sửa Nghị định. Vì thế, chúng tôi đã phải rút gọn quy trình sửa đổi, mà đúng ra là phải mất một năm do phải lấy ý kiến của địa phương, các Bộ, ban ngành rồi công khai trên website của Bộ Công an trong 60 ngày để lấy ý kiến. Tinh thần chung là sẽ sớm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn cụ thể và kịp thời để Công an các địa phương và nhân dân hiểu, thực hiện đúng quy định này.
- Cảm ơn ông!
Tồn tại cùng lúc 3 mẫu CMND Theo quy định hiện hành, có 3 mẫu CMND cùng tồn tại và có giá trị như nhau. Thứ nhất, mẫu CMND 9 số, mẫu này đã được sử dụng từ năm 1978 đến nay và hiện vẫn được cấp chủ yếu trên cả nước. Thứ hai là mẫu CMND mới được cấp từ ngày 21/9/2012 tại 3 quận huyện của Hà Nội là Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai và tại Phòng CSQLHC về TTATXH - Công an TP.Hà Nội. Mẫu mới này bị phản ứng bởi quy định công khai cha mẹ trên mặt sau của CMND gây phiền toái cho người dân. Mẫu này chỉ tồn tại hơn một năm do Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 của Chính phủ quy định bãi bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND. Vì thế, từ ngày 2/11/2013 tới đây, sẽ có một mẫu CMND thứ ba ra đời, trong đó không ghi tên cha, mẹ trên tấm CMND nữa. Mẫu mới nhất này trước mắt vẫn chỉ cấp tại Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai và Phòng CSQLHC về TTATXH- Công an TP.Hà Nội. Những ai đã được cấp CMND có ghi tên cha mẹ mà muốn đổi sang CNMD không có tên cha mẹ sẽ không được miễn phí. |
PT-VT