Ngang ngược vì đâu?

(PLO) - Một va chạm giao thông nhỏ biến thành một vụ tai nạn kinh hoàng tại Ô Chợ Dừa (Hà Nội) vừa qua cho thấy những hành vi ứng xử kém cỏi có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế nào. 
Xe máy bị cuốn vào gầm ô tô và bị kéo lê suốt một quảng đường dài. Ảnh chụp từ clip
Xe máy bị cuốn vào gầm ô tô và bị kéo lê suốt một quảng đường dài. Ảnh chụp từ clip

Xe bán tải va chạm với xe máy, người đi xe máy vượt lên chặn đầu ô tô và chiếc xe ô tô xô ngã xe máy cuốn vào gầm cả người lẫn xe và kéo lê suốt một quãng đường dài. Người đi xe máy nhập viện trong trạng thái nguy kịch, tài xế ô tô bị dân chúng đuổi bắt và trút giận đánh cho nhừ tử. Đó là hành vi ngang ngược, cố ý gây chết người, bất chấp pháp luật và coi rẻ tính mạng của người khác. Do vậy, sự nổi giận của những người chứng kiến sự việc dẫn đến trận đánh hội đồng là điều có thể giải thích được.

Song, sự ngang ngược này của người tài xế xe bán tải chưa là gì nếu so với hành vi ứng xử của một Cảnh sát giao thông ở Đồng Nai. Anh này đi cùng người bạn trên một chiếc ô tô do người khác lái. Xe ô tô này va chạm với một xe máy khiến hai người ngã lăn ra đường và chiếc xe máy bốc cháy dữ dội. Người Cảnh sát giao thông này xuống xe cùng bạn, đã không cứu giúp người bị nạn còn đánh cả người đi đường đang dùng điện thoại quay lại cảnh này rồi lên xe bỏ đi.

Một người lái taxi lên xe đuổi theo và chặn lại, anh Cảnh sát đập vỡ cửa kính xe, đuổi đánh tài xế taxi mặc dù người này đã bỏ chạy. Hành vi côn đồ, vô lương tâm, vi phạm luật pháp xảy ra liên tục trong chuỗi sự việc này lại thuộc về một Cảnh sát giao thông, đó là điều đáng lên án và phải trừng trị nghiêm khắc. Anh ta hành xử như một kẻ ngoài vòng pháp luật như vậy mà lại phục vụ trong hàng ngũ những người đảm bảo trật tự giao thông thì thật là phỉ báng, không ai có thể chấp nhận.

Trên đường phố, chúng ta thường chứng kiến những thanh niên đầu trần, tóc nhuộm phóng xe máy kẹp ba, kẹp bốn phóng như điên, lạng lách, vượt đèn đỏ, cười nhạo báng các chiến sỹ Cảnh sát giao thông khiến chúng ta tức giận. Rồi những người đi ngược chiều, lấn vạch, chèn ép,... với thái độ hung hăng, coi thường mọi người chung quanh, chúng ta coi những hành vi đó là vô văn hóa nhưng cũng đành nuốt giận mà chửi thầm bởi những người này sẵn sàng gây sự, đánh cả phụ nữ và người già. Nay, sự ngang ngược đó phát triển ở mức độ cao hơn và ở những con người có học, có chức vụ hẳn hoi thì có thể hiểu được vì sao những hành vi ở những thanh niên càn quấy kia lại tồn tại mãi được.

Phải chăng những người có hành vi ngang ngược, bất chấp pháp luật và coi thường đạo lý đó họ tin rằng sẽ không ai làm gì được họ, họ dựa vào thế lực đằng sau hoặc tiền bạc, hoặc sự bất cần?