Ngành Du lịch Bình Thuận khẳng vị thế trên bản đồ du lịch thế giới

(PLVN) - Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển du lịch, vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, đến nay, Bình Thuận được khẳng định được là một trong những điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. 
Du khách thích thú khi đến với Bàu Trắng. Ảnh: Du lịch Triều Trang.
Du khách thích thú khi đến với Bàu Trắng. Ảnh: Du lịch Triều Trang.

Không ngừng phát triển

Trong nhiều năm qua, du lịch Bình Thuận được xác định là một trong những lợi thế và là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Du lịch phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các mặt.

Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1772/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch sẽ hình thành các phân khu du lịch, các sản phẩm du lịch chính và bổ trợ như tổ hợp du lịch, biệt thự, bất động sản du lịch cao cấp, du lịch thể thao biển cao cấp, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu vui chơi giải trí về đêm và các công trình công cộng… sẽ góp phần đa dạng các loại hình, sản phẩm phục vụ khách du lịch khi đến với Bình Thuận.

Không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành du lịch, Bình Thuận hiện đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ thị xã La Gi đến huyện Tuy Phong, các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng. Mặt khác,môi trường tự nhiên và môi trường xã hội được cải thiện, tạo điều kiện rất lớn để thu hút đầu tư, phát triển du lịch. 

Đảo ngọc Phú Quý - một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận - ảnh: Cát Phú Quý.
Đảo ngọc Phú Quý - một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận - ảnh: Cát Phú Quý.  

Các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng, lượng khách đến Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 12,36%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 14,12%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 18,89%/năm.

Năm 2019, đón trên6,4 triệu lượt khách, tổng thuđạt 15,2ngàn tỷ đồng, GRDP du lịch chiếm 9,72% trên tổng GRDP của tỉnh.Các thị trường khách quốc tế truyền thống của Bình Thuận như Nga,Trung Quốc, Châu Âu…vẫn duy trì được lượng khách đến hàng năm và có sự tăng trưởng.

Điểm đến an toàn

Năm 2020 với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đã tác động rất lớn tới ngành du lịch với sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu.

Bằng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và du khách cũng nhưkhi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc cơ bản được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng thì các hoạt động du lịch của Bình Thuận đã đạt được những tín hiệu khả quan nhất định.

Khách du lịch trong nước bắt đầu quay trở lại Bình Thuận để nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Từ tháng 7 năm 2020, hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đã mở cửa đón khách trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch vào mùa hè cũng như tận dụng lợi thế của điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

 

Minh chứng cho điều đó là từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2020, hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đã được khách đặt trước đạt tối đa công suất phòng vào 03 ngày cuối tuần và các ngày khác trong tuần đạt bình quân từ 50 - 60%.

Tuy nhiên đến giữa tháng 7, do tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số tỉnh, đặc biệt tại Đà Nẵng, số lượng khách sụt giảm. Với sự cố gắng toàn xã hội, Bình Thuận vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho du khách, đưa Bình Thuận là điểm đến an toàn và chắc chắn ngành du lịch Bình Thuận sẽ hồi phục nhanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Nhìn xa cho tương lai

Triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.Bình Thuận đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phát triển du lịch phải gắn với cộng đồng dân cư… Chính vì thế, trong thời gian qua việc thu hút có chọn lọc các phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày là một hướng đi mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có.

Bình Thuận hiện đang tập trung củng cố và tiếp tục phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và du lịch thể thao biển, gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái chuyên đề khai thác đặc trưng cảnh quan và địa hình các đồi cát, như: Du lịch tham quan, khám phá cảnh quan và hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên cát.

Các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa địa phương, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Chăm và lễ hội cổ truyền của cư dân bản địa.

Các hoạt động thể thao biển cũng thường xuyên được tổ chức, như: Giải lướt ván buồm quốc tế(Windsurf Muine Fun Cup) và Giải lướt ván diều quốc tế tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né; các giải bóng đá, bóng chuyền, bóng ném bãi biển tầm quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh được tổ chức định kỳ hàng năm… là những hoạt động đặc trưng cho sản phẩm du lịch - thể thao biển của Bình Thuận. Đây là bước đi vững chắc để xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng đã hình thành các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng như: homestay, làng nghề truyền thống, làng chài, du lịch nhà vườn. 

Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ phát triển thêm các các sản phẩm mới để bổ trợ cho du lịch, như: các điểm vui chơi giải trí, ẩm thực về đêm, các sản phẩm giải trí đặc thù, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, diễn xướng dân gian, mua sắm sản vật và hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ.

Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư loại hình bến du thuyền. Tỉnh Bình Thuận đã xác định xây dựng 19 bến du thuyền phục vụ du lịch, trong đó đã chấp thuận đầu tư 02 dự án và đang triển khai các thủ tục đầu tư để đi vào hoạt động trong thời gian tới, còn 17 vị trí còn lại sẽ tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 577 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 16.106 phòng. Đã xếp hạng 79 cơ sở lưu trú với 5.754 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 5 sao 03 cơ sở với 357 phòng, đạt tiêu chuẩn 4 sao có 28 cơ sở với 3.115 phòng, 3 sao có 16 cơ sở với 1.210 phòng, 2 sao có 16 cơ sở với 697 phòng, 1 sao có 16 cơ sở với 375 phòng; ngoài ra còn có 557 căn hộ và 315 biệt thự cao cấp. 

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 387 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.249 ha và tổng vốn đầu tư 69.845 tỷ đồng. Trong số này có 22 dự án đầu tư nước ngoài với với tổng diện tích đất cấp 1.636 ha và tổng vốn đầu tư là 11.231 tỷ đồng, còn lại 365 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất cấp là 4.612 và tổng vốn đăng ký 58.614tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án. 

Đọc thêm