Trong 12 năm học, các trường học chỉ tập trung việc trang bị kiến thức cho học sinh, còn trang bị nhân cách làm người gần như chưa thực sự được chú trọng, đó là bày tỏ của nhiều chuyên gia giáo dục…
Rầu lòng... dạy người
GS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước đã đặt câu hỏi trăn trở tại hội thảo bàn tròn mới đây: “Từ trước đến giờ chúng ta xác định đổi mới tư duy như thế nào?”. Việc đổi mới tư duy phải xác định mục tiêu của các cấp học, bậc học để xem hiện nay nó đang khiếm khuyết gì để sửa.
“Chẳng hạn để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì đầu tiên nguồn chất lượng này phải có nhân cách của con người Việt Nam, sau đó là trình độ chuyên môn tốt. Vậy nhân cách của con người Việt Nam này hình thành từ đâu? Đó là từ bậc tiểu học.
Hình minh họa |
Từ nhân cách sẽ chi phối toàn bộ con người sau này”. Sản phẩm đào tạo muốn thay đổi thì cần chỉ thẳng khiếm khuyết, ngay ở bậc tiểu học cần tập trung dạy người hơn dạy chữ. Không nên lãng quên câu “tiên học lễ, hậu học văn” bởi nhân cách con người được hình thành không phải ngày một, ngày hai...
Là người đầu tiên đột phá công trình thực nghiệm công nghệ giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc tiểu học mà tiêu biểu là mô hình trường Thực nghiệm, GS Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cũng cho rằng, xu hướng giáo dục hiện đại là hướng tới năng lực người học.
“Từ quan điểm này, tôi đề nghị hệ thống giáo dục phổ thông nên cấu trúc thành 11 năm với 6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT tự chọn”.
Lý giải về việc phân chia này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng 6 năm đầu tiên học tiểu học là thời gian đáng trân trọng nhất của con người, thời điểm bắt đầu hình thành nhân cách, trí óc của trẻ em nên cần giữ cho thánh thiện. “Giữ trẻ em đến 12 tuổi trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn là thả ra sớm một năm (11 tuổi như hiện nay)” .
Còn PGS Văn Như Cương cho biết: Các môn học “làm người” trong nhà trường đã không được chú trọng, không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học như rèn luyện những phẩm chất trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật hay các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ với môi trường…
Cùng chung sự lo lắng đó, GS Hoàng Xuân Sính thẳng thắn: Trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ. Bà khẳng định:
“Đó là một lãng phí lớn. Có hai đức tính cần thiết cho mỗi con người và cộng đồng là chăm chỉ và tiết kiệm thì giáo dục chưa để lại dấu ấn nào. Khi nói đến người Đức và người Nhật, người ta nói ngay đến dân tộc chăm chỉ và tiết kiệm. Nước Việt Nam rất nghèo, những người Việt Nam lại không có hai đức tính này”.
GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ, bà rất buồn vì hiện nay ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, một số quán ăn hay nơi công cộng có những bảng viết bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Anh “Không ăn cắp vặt”, “Không để thừa thức ăn”, “Không xả rác”… Người Việt Nam nhiều khi ăn theo kiểu tự phục vụ, thường lấy nhiều thức ăn rồi để phí phạm trên bàn, một thói quen rất xấu không được giáo dục ở nhà trường.
Gồng gánh “trang sức mũ, áo”
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ sự lo ngại về môi trường xã hội hiện nay mà văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, ngay cả trong Nghị quyết Trung ương 4 cũng khẳng định điều này, thì không thể không ảnh hưởng đến toàn xã hội, trong đó có giáo dục. Vì thế, không đơn thuần đổ lỗi cho ngành Giáo dục trong việc làm băng hoại đạo đức, văn hóa.
Bà trăn trở: “Hiện tượng trong nhà trường nào đó có các thầy bán bằng, một bộ phận học trò học để có bằng, có một phần do lỗi của hệ thống quản lý giáo dục, nhưng lỗi này chỉ có thể phát sinh, nảy nở và phát triển trong môi trường xã hội có sự hiện diện của việc mua quan, bán chức, kiếm được việc làm hay thăng tiến không phải do năng lực bản thân.
Trong hoàn cảnh như vậy, các học sinh ngay từ tiểu học đã nghĩ đến “mũ, áo” trạng nguyên, siêu nhân hay có được cái nhãn mác cho oai như làm đồ trang sức chứ không nghĩ đến học để có kiến thức thực sự”.
Phân tích về nguyên nhân tình trạng chú trọng dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức dạy người, GS.TS Nguyễn Đức Chính, chuyên gia cao cấp trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng việc chỉ đạo cũng như quá trình triển khai của giáo viên mới chỉ tập trung truyền đạt nội dung sách giáo khoa mà chưa kết hợp, lồng ghép được việc truyền đạt này với việc thể hiện thái độ ứng xử.
Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, để giải quyết những tồn tại này cần phải chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp tổng thể nhằm đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên có tâm và có tầm, người học có động cơ đúng đắn, không phải chỉ để có “tấm bằng thật, chất lượng giả”.
Bà cũng bày tỏ lo ngại rằng, giáo viên ở tất cả các cấp ngày nay được đào tạo theo một hệ thống khá cơ bản, theo một chương trình khá tốt so với trước đây nhưng tỉ lệ người thầy có tâm huyết, trách nhiệm cao, hết lòng vì sự nghiệp dạy học không còn cao như trước.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đồng quan điểm, giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.
Bà cho rằng, để đạt được hiệu quả trong phát triển giáo dục, về nguyên tắc phát triển quy mô gắn liền với đảm bảo chất lượng. Cần phải có đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng và một trong những điều kiện đó là có chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên và gia đình họ, để họ có điều kiện tự học, phát triển nghề nghiệp thực hiện được chức năng của một chuyên gia giáo dục thông qua “dạy chữ” và “dạy người” và bằng chính phẩm chất nhân cách của mình.
Còn theo GS Hoàng Xuân Sính, giá trị của con người biết chăm chỉ làm việc, biết tiết kiệm trong lối sống mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Vì thế, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải hợp tác trong việc dạy nhân cách cho học sinh, trong đó có việc dạy các em biết tiết kiệm và chăm chỉ trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình và trong nhà trường. Có như vậy với mong có những thế hệ trẻ vừa có năng lực, lại vừa có nhân cách.
Phó Chủ tịch nước, GS Nguyễn Thị Doan cho biết, vấn đề này sẽ được tiếp tục bàn thỏa thành thành chuyên đề toàn quốc trong thời gian tới đây...
Uyên Na