Ngày ấy, chúng tôi làm du kích…

(PLVN) - Những ngày tháng 7 nghĩa tình, chúng tôi vinh dự được gặp bà Mai Thị Quớ (SN 1948, trú tại Vân Thê, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) để nghe người nữ cựu binh anh hung kể về những năm tháng hào hùng ngày đêm cầm súng, nằm vùng, làm du kích, đi giao liên, hi sinh cả tuổi trẻ để giành độc lập cho dân tộc.
Chân dung bà Mai Thị Quớ

Câu chuyện về ký ức hào hùng của bà Quớ khiến lớp trẻ chúng tôi thêm tự hào, khâm phục về quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh và thêm hiểu những giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay để biết sống xứng đáng với những gì mà chúng tôi được hưởng. 

Tuổi thanh xuân đi làm cách mạng!

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Vân Thuê, xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), ký ức về những ngày cầm súng đánh giặc của bà Mai Thị Quớ vẫn vẹn nguyên như thuở đôi mươi, đôi mắt bà ánh lên vẻ can trường, mạnh mẽ như những năm tháng tuổi xuân gan dạ. 

Bà Quớ hào hứng kể: “Tôi tham gia cách mạng năm 1965, ban ngày thì ở nhà làm ruộng làm vườn, đến đêm lại bí mật đi họp, rải đơn, truyền tin. Tôi cùng đồng đội tham gia những đợt tập huấn quân sự, tập bắn súng, lăn, lê, bò lết. Đến năm 1968, mới chính thức cầm súng, tham gia đội du kích Thiên Thủy (bây giờ là Dạ Lê, xã Phú Mỹ) trực tiếp tham gia chiến đấu”. 

Ngôi nhà đơn sơ của gia đình bà Mai Thị Quớ

Bà Quớ còn nhớ như in trận đánh đầu tại đình làng Dạ Lê: “Ở trận đánh tại đình làng Dạ Lê năm ấy, còn ít kinh nghiệm nên tôi và đồng đội bị địch phục kích, kề lưỡi lê vào cổ ướm máu. Không run sợ, chờ địch sơ hở, tôi tìm thế đánh vật lại, chạy thoát thân về đình làng Dạ Lê. Trận ấy bọn Mỹ chết 4 người, quân ta bị thương 2 người”.

Nghe bà chia sẻ, chúng tôi thật sự khâm phục sự can đảm của và mưu trí của bà, lúc chúng tôi hỏi bà có sợ hi sinh không thì bà bảo “sợ chết nhưng lòng căm thù giặc của bà cao hơn nên phải giết cho bằng được chúng, thực hiện khát vọng giải phóng quê hương”.

“Suốt những năm tháng tham gia chiến đấu, tôi đã đánh rất nhiều trận ác liệt, nhưng trận ở cầu Xam và cầu Long năm 1968 ở xã là trận khắc cốt ghi tâm, để lại cho tâm hồn bà về nỗi đau đồng đội suốt đời khó quên. 

Nhưng bên trong nhà rất "giàu có" bởi những huân, huy chương, những phần thưởng cáo quý mà Đảng, Nhà nước tặng

Hồi đó, bà cùng đồng đội phục kích giặc ở cầu Xam, cách cầu Long chừng vài trăm mét, hai bên bắn trả ác liệt. Sau một hồi thấy yên, cứ tưởng giặc đã rút lui, bà cùng đồng đội rút về cầu Long, ai ngờ lại trúng sự mai phục của địch. Chúng bắn tỉa liên tục, mọi người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, lui không được đi tiếp lại cũng nguy. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, tất cả mọi người đều nằm xuống để tránh đường đạn bay, cố gắng tiến về phía trước để tránh vào những lùm cây. Nhưng tình thế lúc đó lại không được thuận lợi, đồng đội bà trúng đạn, hy sinh. Còn bà thì rơi vào một mô đất khuất, tránh được lưỡi hái tử thần. Trong lúc đó, bà tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống, máu chảy nhuộm đỏ cả một khoảng đất. “Khi đó lòng tôi đau như cắt, như chính bản thân mình trúng đạn”. Kể đến đây giọng bà nghẹn lại, đôi mắt bà đỏ hoe, mờ lệ.

Phẩm chất kiên cường!

Những trận chiến vẫn ngày đêm tiếp tục. Sau những vết thương vừa lành non, bà Mai Thị Quớ tiếp tục cầm súng, nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu như bao người lính du kích khác. Cho đến một trận chiến vào năm 1969, bà và đồng đội bị địch phục kích bắt giữ làm tù binh. Ban đầu, bà bị nhốt và tra tấn một tháng ở Hương Thủy, sau đó lại bị áp giải về lao Thừa Phủ. Lúc này, cuộc sống của những người tù binh thực sự trở thành địa ngục kinh hoàng. Kể đến đoạn này, những giọt nước mắt nóng hổi đã không thể cầm cự, từng giọt từng giọt lăn dài hai bên khóe mắt sâu hõm, những nếp nhăn trên trán bắt đầu xô lại tự lúc nào. 

Khoảng vườn xanh mướt bình yên trước nhà nữ cựu binh du kích Mai Thị Quớ

Trong câu chuyện có phần nghẹn ngào của cảm xúc, bà kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết của những tháng ngày làm tù binh: “Tôi và đồng đội bị chúng nó bắt giữ, nhốt vào căn phòng nhỏ chỉ vừa đủ để cái ghế ngồi rồi còng chân  lại. Mỗi ngày chúng nó cho 1 ca cơm trắng, lúc đó bị đánh đập nhiều quá ăn cũng không nỗi. Mỗi người được phát một bộ áo quần, áo thì không có nút gài, mà quần thì không có dây rút. Mọi vệ sinh cá nhân đều đi trong quần, ngay tại chỗ. Lâu lâu chúng mới cho đi tắm, mỗi lượt tắm 6 người, thời gian chỉ trong 5 phút nên phải làm thật nhanh, không thì lại ăn đòn, tắm xong thì chúng vào cồng chân lại. Kinh hoàng nhất là cứ sau ba ngày bị nhốt, chúng lại đem ra hỏi cung, tra tấn dã man, có người thì chúng nó bỏ rắn, có người thì chúng nó dí điện, đánh đập hỏi cung.

“Tôi vẫn nhớ hình ảnh chị Hải đó, nó bắt chị lên tra tấn, rồi bảo chị khai ra nơi ẩn nấp của đồng đội. Do chị Hải nhất định không khai nên bị chúng nó bỏ rắn độc cắn khiến chị chết ngay tại đó”, bà Quớ chia sẻ cho chúng tôi với những giọt nước mắt đau xót.

Chị Hải nằm xuống, đến lượt bà Quớ bị hỏi cung nhưng may sao có tên cai ngục vào bảo thôi khi khác, nhờ vậy mà bà thoát được sự tra tấn tàn bạo, bà chỉ bị đánh đập, tra hỏi chứ không bị thả rắn hay dí điện. Bà bị giam cầm cho đến năm 1973 mới được thả về, cho đến lúc giải phóng hoàn toàn. Trở về sau chiến tranh, bà tiếp tục sinh sống với công việc làm nông, sau một thời gian thì lập gia đình. Bà thú thật cái chết đau thương và anh dung của đồng đội đã ám ảnh bà đến hết cuộc đời. 

Hiện bà Quớ là thương binh hạng ba và được Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương tù đầy. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động công tác Hội cựu chiến binh ở địa phương. Những lúc rảnh rỗi bà còn tích cực trồng rau tăng gia để có thêm cho bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Năm tháng đi qua, nhưng những vết thương về thể xác và tinh thần do chiến tranh gây ra chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nhưng người còn sống vẫn phải sống tiếp, sống tốt và sống cho cả phần những đồng đội đã khuất. Sống đúng với lương tâm và phẩm chất của người lính cụ Hồ năm xưa.

Đọc thêm